Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được pháp luật quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia Đình năm 2014 (Luật HN&GĐ). Việc này hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí và sự thỏa thuận của vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Về hình thức, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật HN&GĐ quy định:
“2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.”
Tại khoản 2 Điều 39 Luật HN&GĐ quy định:
“2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.”
Tuy nhiên nếu văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng không được công chứng thì vẫn có hiệu lực với các lý do sau:
Thứ nhất, trong số các trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu được quy định tại Điều 42 Luật HN&GĐ không liệt kê trường hợp này.Thực chất đây là quy định về mặt nội dung của văn bản thỏa thuận.
Thứ hai, văn bản thỏa thuận này là một giao dịch dân sự thì theo quy định tại khoản 2 Điều 117 BLDS năm 2015: “2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định” và khoản 2 Điều 119 BLDS năm 2015 quy định: “2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.” Điều này có nghĩa là văn bản chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng phải được công chứng nếu tài sản được chia phải tuân theo hình thức nhất định.
Tuy nhiên khoản 2 Điều 129 BLDS năm 2015 quy định: “2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Do đó, nếu văn bản thỏa thuận này rơi vào trường hợp như trên để có hiệu lực thì phải đảm bảo:
- Giao dịch đã thể hiện bằng văn bản;
- Một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch;
- Tòa án quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
Khó khăn khi giải quyết tình huống này là chứng minh một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch vì chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Vậy trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng không vi phạm Điều 42 Luật HN&GĐ nhưng cũng không công chứng thì có thể vẫn không bị vô hiệu.