NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ TỘI MUA BÁN, CHIẾM ĐOẠT NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI

BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT TRONG NHẬN THỨC VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ TỘI MUA BÁN, CHIẾM ĐOẠT NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI

 

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

ThS. LÊ THỊ HƯƠNG GIANG

  1. Thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội giết ngườiBị chê hát dở, thanh niên mang dao đâm chết người tại tiệc cưới

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã cụ thể hóa tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” thành “giết 02 người trở lên” và cụ thể hóa tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” thành “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Để áp dụng thống nhất và chính xác, cần thống nhất trong nhận thức về những tình tiết định khung tăng nặng này.

I.1. Thống nhất trong nhận thức về tình tiết định khung tăng nặng “giết 02 người trở lên”

Giết 02 người trở lên là một trong những tình tiết được xem là nghiêm trọng nhất trong thực tiễn xét xử, vì tình tiết này không những cho thấy mức độ tàn ác rất cao của người phạm tội, mà tác hại gây ra cũng rất lớn, hoặc đã xâm phạm đến những người cần được đặc biệt bảo vệ.

Giết 02 người trở lên là trường hợp người – phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 02 người khác trở lên một cách trái pháp luật. Người phạm tội trong trường hợp này có ý định giết từ 02 người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả 02 người chết trở lên xảy ra. Nếu người phạm tội có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả chết người xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ 02 người chết trở lên mới áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này.

Từ lý luận và thực tiễn điều tra, truy tố, xét tội giết người, chúng tôi thấy, việc áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” phụ thuộc vào lỗi và hậu quả của hành vi phạm tội, nhưng cho đến nay, vẫn còn có những cách hiểu trái ngược nhau, cụ thể là:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng: (1) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người, thì dù không có người nào chết (họ) vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” (nhưng chưa đạt); (2) Nếu người phạm tội cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho 02 người trở lên, thì chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi hậu quả chết 02 người trở lên đã xảy ra; nếu hậu quả chết 02 người trở lên chưa xảy ra, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này. Bởi vì, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn hậu quả chết (nhiều) người xảy ra, cho nên hậu quả xảy ra đến đâu, thì xử người phạm tội đến đó; (3) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho một người (A), đồng thời cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho (B) hoặc nhiều người khác (B và C) thì: (i) Áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi B hoặc C chết (đây là trường hợp “giết 02 người trở lên”, nhưng chưa đạt) hoặc khi có từ 02 người chết trở lên (A – B, A – C, B – C hoặc cả A – B và C); (ii) Không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi cả A, B và C đều không chết hoặc khi chỉ có A chết.

Cách hiểu thứ hai cho rằng: Không (nên) áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “phạm tội đối với 02 người trở lên” khi hậu quả chết 02 người trở lên chưa xảy ra. Bởi vì, trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết 02 người trở lên thì hành vi giết 02 người trở lên (cho dù là cố ý trực tiếp) cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường.

Nếu có 02 người chết, nhưng lại có 01 người do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết 02 người trở lên mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “giết người” và “vô ý làm chết người”. Ví dụ: A và B cùng uống rượu ở nhà A, “rượu vào lời ra” dẫn đến hai người tranh cãi, A bực tức rút súng bắn B. Thấy A rút súng bắn mình, B hoảng sợ bỏ chạy ra cửa; vừa lúc đó, con của A thấy hai người to tiếng chạy vào, A nổ súng, đạn xuyên qua ngực B trúng vào đầu con của A; cả B và con của A đều bị chết.

Nếu có 02 người chết, nhưng chỉ có 01 người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ, thì cũng không định tội giết 02 người trở lên, mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội giết người và một tội khác (giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…).

Tuy nhiên, quy định này hiện nay vẫn có 02 cách hiểu khác nhau: Một là, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này khi đã có từ 02 người chết trở lên. Hai là, áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này cả trong trường hợp chưa có người nào chết, nhưng nếu chứng minh được người phạm tội cố ý trực tiếp giết 02 người trở lên (Ví dụ: Dùng ô tô đâm vào 02 người để giết cả 02 nạn nhân thì dù chưa có ai chết, vẫn áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này); chỉ trong trường hợp cố ý gián tiếp giết 02 người trở lên, mới đòi hỏi phải có từ 02 người chết trở lên (Ví dụ: Dùng dao đâm bừa vào 02 người để giết cả 02 nạn nhân, thì cả 02 nạn nhân đã chết mới áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này).

Để việc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” được dễ dàng và thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: Vì tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” là tình tiết đòi hỏi hai dấu hiệu: Dấu hiệu lỗi (cố ý) và dấu hiệu hậu quả (chết 02 người trở lên) cho nên, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này khi thỏa mãn 02 điều kiện: (1) Về chủ quan: Người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) với hậu quả chết 02 người trở lên; và (2) Về khách quan: Đã có 02 người chết trở lên. Nếu hậu quả này chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên. Bởi vì, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này tăng không đáng kể so với trường hợp giết người thông thường. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội giết 02 người trở lên nếu tất cả những lần giết người chưa bị truy cứu TNHS. Nếu trong các lần phạm tội giết người, chỉ có 01 lần chưa bị xét xử, còn các lần khác đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu TNHS’ thì không được tính để xác định và áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên”.

1.2. Thống nhất trong nhận thức về tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”

Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp giết người mà liền trước hoặc ngay sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù hoặc một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Ngay sau khi giết nạn nhân, người phạm tội lại thực hiện tội cướp tài sản của người khác không có quan hệ gì với nạn nhân.

Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là liền trước đó hoặc ngay sau đó, nhưng qua thực tiễn xét xử, chỉ coi là liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó hoặc sau đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc cùng lắm là trong ngày, nếu tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước đó hoặc sau đó có khoảng cách nhất định, không còn liền với hành vi giết người, thì không coi là giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp giết người này khác với trường hợp giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, ở chỗ: Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau khi giết nạn nhân không liên quan đến tội giết người và phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” tuy đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng trong Bản chuyên đề Tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người ban hành kèm theo Công văn số 452-HS2 ngày 10/8/1970, nhưng do hướng dẫn chưa cụ thể, chưa thật đầy đủ (nhất là đối với trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác) nên cho đến nay, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác”.

Cách hiểu thứ hai cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết tăng nặng định khung “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Cách hiểu thứ ba cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác phải bị áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác”“giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Để áp dụng pháp luật hình sự thống nhất và chính xác, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng:

Thứ nhất, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác và liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ chỉ phạm một tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì không áp dụng tình tiết nào trong hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”“giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác, nhưng liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân, họ lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì chỉ áp dụng một tình tiết tăng nặng định khung “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ ba, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân nhằm thực hiện hoặc nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân, thì chỉ áp dụng một tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Thứ tư, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân nhằm thực hiện hoặc nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì (phải) áp dụng cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Bởi vì, trường hợp giết người này không những có mức độ nguy hiểm cao hơn các trường hợp giết người nói trên mà nó còn thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Do đó, nếu chỉ áp dụng một trong hai tình tiết sẽ không phản ánh đúng bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này.

  1. Thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổiTội Mua Bán Người Dưới 16 Tuổi - LUẬT SƯ BÀO CHỮA GIỎI No.1

Khoản 2, 3 Điều 151 BLHS năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã bổ sung 02 tình tiết định khung tăng nặng của tội mua bán người dưới 16 tuổi là: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này” (điểm h khoản 2) và “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm c khoản 3). Khoản 4 Điều 151 BLHS năm 2015 đã bổ sung hình phạt “cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm” đối với người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Khoản 2, 3 Điều 153 BLHS năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã bổ sung 02 tình tiết định khung tăng nặng của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vì của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” (điểm e khoản 2) và “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm c khoản 3).

Những sửa đổi, bổ sung này không những bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, nhân đạo, công bằng và thống nhất với các quy định khác trong BLHS, lại vừa chặt chẽ, logic về kỹ thuật lập pháp, nhất là việc gộp 02 tình tiết định khung tăng nặng “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”“gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” thành 01 tình tiết “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, mà còn không bỏ lọt các trường hợp phạm tội nguy hiểm và nhằm trừng trị nghiêm người phạm tội mua bán trẻ em trong trường hợp đã gây ra những hậu quả nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em. Bởi lẽ, nếu quy định theo hướng tách 02 tình tiết như trên, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và khó phân định giữa trường hợp vừa “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” lại vừa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” mà nguyên nhân nạn nhân bị “rối loạn tâm thần và hành vi” lại do chính “thương tích hoặc tổn hại sức khỏe” (nghĩa là 01 tỷ lệ tổn thương của nạn nhân lại (có thể) bị áp dụng 02 lần với 02 tình tiết định khung tăng nặng, vừa vi phạm nguyên tắc của luật hình sự, vừa không bảo đảm tính nhân đạo, công bằng và gây bất lợi cho người phạm tội).

Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại người dưới 16 tuổi, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ hiến những quy định mới của BLHS năm 2015 và những văn bản hướng dẫn áp dụng, nhất là Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự về truy cứu TNHS trong các trường hợp: (1) sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài; (2) sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài; (3) người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; (4) sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi và (5) truy cứu TNHS trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội. Theo đó, trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn thực hiện các hành vi phạm tội khác, thì ngoài việc bị truy cứu TNHS về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn bị truy cứu TNHS về tội khác tương ứng theo quy định của BLHS. Ví dụ: Nguyễn Văn A mua Nguyễn Thị C để bán. Trong quá trình đem C đi bán, A đã đánh C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 30%. Trong trường hợp này, A bị truy cứu TNHS về 02 tội là mua bán người và cố ý gây thương tích.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi nhằm bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của BLHS năm 2015 về tội giết người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại người dưới 16 tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20/6/2017.
  2. Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945 – 1974), Hà Nội, năm 1979, tr. 334, 4. Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

* Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

 

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 24 (kỳ II tháng 12/2022)

Từ trang 45 đến trang 49

Do TS. Đỗ Đức Hồng Hà – ThS. Lê Thị Hương Giang biên soạn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *