TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

 Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản (căn cứ bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 1. Dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của loại tội này có hai nhóm tuổi:

Nhóm tuổi thứ nhất, từ đủ 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất là 5 năm.

Nhóm tuổi thứ hai, từ đủ 14 tuổi trở lên nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất lần lượt ở các mức 10 năm, 15 năm và 20 năm tù.

Vì vậy, việc xác định chính xác đội tuổi của người thực hiện hành vi tội phạm rất quan trọng trong quá trình xác định khung hình phạt. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 thì chỉ cần xác định người phạm tội đã đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 170 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt giao tài sản. Quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về thể chất (tính mạng, thương tật), mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần (sự sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại; tính chất và mức độ xâm phạm đến quan hệ nhân thân ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau đây:

– Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực

Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt với tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Trong thực tế, có những trường hợp người bị hại bị người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu không giao tài sản cho người phạm tội nhưng người bị hại không sợ và không giao tài sản cho người phạm tội, sau đó người phạm tội đã thực hiện hành vi vũ lực đối với người bị hại thì cũng không phải là hành vi cướp tài sản mà vẫn là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ví dụ: Tạ Phú C đã có hành vi đe dọa cháu Nguyễn Thị O là học sinh lớp 6, nếu không đưa cho C 50.000 đồng thì ngày mai đi học sẽ bị đánh. Cháu O rất lo sợ nhưng không biết lấy đâu ra 50.000 đồng đưa cho C, nên hôm sau cháu 0 rủ thêm bốn bạn khác cùng đi để nếu C có gây sự thì đã các bạn can thiệp. Hôm sau, cháu 0 cùng các bạn trên đường đi đến trường thì bị C chặn đánh vì cháu O không thực hiện yêu cầu của C, các bạn cùng đi với cháu đã kịp báo cho lực lượng bảo vệ bắt C. Việc C thực hiện lời đe dọa của mình đối với người bị hại nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi của C là hành vi phạm tội cướp tài sản, vì sau khi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với cháu O nếu cháu không giao tài sản thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C đã hoàn thành, còn việc C đánh cháu O là hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản của C gây ra cho cháu O chứ không phải là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của cháu O. Tuy nhiên, nếu trước hoặc trong khi đánh cháu O, C vẫn yêu cầu cháu O phải đưa tiền cho C, thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C chuyển hóa thành hành vi cướp tài sản và trong trường hợp này C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168.

Nói chung, người phạm tội chỉ đe dọa dùng vũ lực, nếu người bị hại không giao tài sản thì người phạm tội cũng không dùng vũ lực. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội vẫn thực hiện lời đe dọa của mình để trả thù như trường hợp của Tạ Phú C đối với cháu O nêu trên.

Nếu người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực và nói rõ ý định của mình buộc người có trách nhiệm về tài sản phải giao tài sản cho người phạm tội trong một thời gian nhất định, thì việc xác định hành vi phạm tội của họ dễ dàng hơn nhiều so với trường hợp người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực trực tiếp đối với người có trách nhiệm về tài sản hoặc đối với người khác để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là trường hợp thực tiễn xét xử dễ nhầm lẫn với tội cướp tài sản, bởi vì nếu xác định người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì đó là hành vi phạm tội cướp tài sản. Ví dụ: Võ Công L thấy em Trần Mai H 10 tuổi có đeo dây chuyền vàng, L rủ em H đi vào công viên Lênin để chơi. Khi đi qua chỗ vắng, L nói với cháu H cởi dây chuyền đưa cho y nếu không sẽ bị y đẩy xuống hồ, cháu H sợ định bỏ chạy thì L kéo em H lại rồi dùng tay giật chiếc dây chuyền của em H và dọa nếu kêu sẽ bóp cổ, rồi y bỏ đi.

Nếu xác định người phạm tội chỉ đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không có căn cứ cho rằng người phạm tội dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội, thì đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Đào Văn T đang ngồi uống cà phê trong quán nhìn thấy cháu Hoàng Kim D có đeo một chiếc đồng hồ loại đắt tiền liền nảy ý định chiếm đoạt. T đến gần cháu D hăm dọa: “Cởi đồng hồ đưa cho tao nếu không ăn đòn”, cháu D hoảng sợ chạy ra ngoài và hô cướp! Thấy em D hô cướp, T liền bỏ chạy nhưng mọi người trong quán đuổi bắt được y.

Người phạm tội có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người khác (chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản). Ví dụ: Lê Minh Th viết thư cho chị Trần Thị Thu H với nội dung: nếu không giao cho Th 200 triệu đồng thì Th sẽ chặn đường đánh cháu Trần Đức Tr hoặc sẽ bắt cóc cháu Tr đem bán ra nước ngoài. Vì sợ Th thực hiện lời đe dọa nên chị H đã phải giao cho Th số tiền mà Th yêu cầu.

– Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản:

Ngoài hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:

+ Dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: dọa sẽ đốt nhà, đốt xe; dọa sẽ đập phá nhà, đập phá xe hoặc những tài sản khác…

+ Dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình C, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho A một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B.

+ Bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: Trần Tuấn A là phóng viên một tờ báo của ngành, viết một bài vu khống ông Nguyễn Văn T là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã quan hệ bất chính với chị Trần Thị M là nhân viên văn thư của huyện. Tuấn A không gửi bài đăng báo mà gửi cho ông T với lời yêu cầu bóng gió “anh nên thu xếp cho êm” và gọi điện thoại gợi ý cho ông T chi một số tiền, y sẽ “dẹp yên” chuyện này. Mặc dù không có việc quan hệ bất chính với chị M, nhưng vì sợ nếu A cho đăng bài báo thì uy tín của mình bị ảnh hưởng, nhất là sắp đến kỳ bầu cử lại Hội đồng nhân dân huyện, nên ông T đã phải giao cho A 5.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền Tuấn A thấy có thể tiếp tục tổng tiền được ông T nên lại gọi điện yêu cầu ông T giao thêm 3.000.000 đồng để lo việc, nhưng ông T đã tố cáo hành vi tống tiền của A.

+ Giả danh là cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thuế vụ, hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản. Ví dụ: Bùi Huy T, Vũ Văn Đ và Hoàng Văn H đã giả danh cảnh sát giao thông để chặn xe tải do anh Đinh Văn Th lái, buộc anh Th phải nộp cho chúng 4.000.000 đồng nếu không sẽ đưa xe về trụ sở. Vì anh Th chở hàng tươi sống nếu để chúng đưa xe về trụ sở thì sẽ hỏng hết hàng nên anh Th đã giao cho bọn chúng số tiền mà chúng yêu cầu.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, sự công khai trắng trợn chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản, còn đối với những người khác, người phạm tội không quan tâm. Nếu hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi công cộng, người phạm tội chỉ công khai trắng trợn với người có trách nhiệm về tài sản còn những người khác thì người phạm tội lại có ý thức lén lút.

b) Hậu quả

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

Nếu hậu quả chưa xảy ra (người phạm tội chưa chiếm được tài sản) thì cũng không vì thế mà cho rằng tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, vì người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan đó là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội chưa thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội. Ví dụ: A, B, C bàn bạc sẽ viết thư đe dọa D nhằm buộc D phải giao cho chúng một số tiền, nhưng chưa viết thư hoặc đã viết thư rồi nhưng chưa gửi cho D thì bị phát hiện. Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự thì người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó chỉ người chuẩn bị phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì khoản 1 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

Cấu tạo của Điều 170 không có quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác là tình tiết định khung hình phạt, do đó nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người bị hại hoặc người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134. Ví dụ: sau khi đã cưỡng đoạt được tài sản, người phạm tội bỏ đi thì bị phát hiện nên đã dùng vũ lực tấn công người bị hại hoặc người đuổi bắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của những người này.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: để trả thù anh Đinh Văn Q, nên Đỗ Cao Th đã viết đơn vu khống anh Q dùng bằng tốt nghiệp phổ thông giả nhằm ngăn cản việc anh Q sắp được đề bạt. Hành vi của Đỗ Cao Th là hành vi phạm tội vu khống quy định tại Điều 156.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: trong trường hợp của Đỗ Cao Th vừa nêu ở trên, sau khi đã viết đơn vu khống, Đỗ Cao Th lại yêu cầu anh Q phải giao cho y một khoản tiền thì y mới rút đơn, bãi nại cho anh Q thì hành vi của H đã chuyển hóa từ tội vu khống thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc đã xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Tiến D có thù với anh Trịnh Quốc H nên D đã rủ Đỗ Văn S và Lê Thị T viết thư cho vợ anh H vu khống anh H có quan hệ bất chính với một cô sinh viên để trả thù, nhưng khi bàn với S và T thì S và T nói: “Chúng tao cần tiền”. Sau khi đã viết thư vu khống anh H, S và T điện thoại cho anh H phải nộp 10.000.000 đồng nếu không sẽ gửi tiếp thư cho cơ quan anh H, D biết việc làm của S và T nhưng không nói gì. Trong trường hợp này, lúc đầu Nguyễn Tiến D chỉ có ý định trả thù anh H, nhưng khi bàn bạc với đồng bọn, D đã tiếp nhận mục đích của S và T, nên D cũng phải chịu trách nhiệm về tội cưỡng đoạt tài sản cùng với S và T.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 Phạm tội cưỡng đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 170, có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là cấu thành cơ bản, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật hình sự (từ Điều 50 đến Điều 59). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng.

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có thể được áp dụng dưới mức một năm tù hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 thì cũng có thể được hưởng án treo.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170

a) Có tổ chức

Trường hợp phạm tội này tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17. Tuy nhiên, đối với phạm tội cưỡng đoạt tài sản có tổ chức còn có những đặc điểm riêng sau:

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; chuyển lời đe dọa, thư từ hoặc những tài liệu có nội dung uy hiếp tinh thần đến chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; tiếp nhận tài sản do chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản giao cho người phạm tội…

Người thực hành trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng có thể có hành vi thái quá trong quá trình thực hiện tội phạm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc giao cho C đến nhà chị H đe dọa chị H phải chia cho chúng một phần tiền trúng xổ số, nếu không chúng sẽ nói với chồng của chị H về việc chị H có quan hệ bất chính với anh T. Khi C đến thực hiện kế hoạch mà chúng đã bàn bạc từ trước, thì bị chị H khước từ và thách thức sẽ báo cho Công an biết về hành vi tống tiền của bọn chúng. Một phần sợ bị phát hiện, một phần vì muốn chiếm đoạt được tiền của chị H nên C đã rút dao trong người khống chế chị H buộc chị H phải mở tủ lấy tiền đưa cho C. Trong lúc chị H đang mở tủ thì lực lượng cảnh sát đã kịp thời đến bắt C. Trong trường hợp này, hành vi của C không còn là hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần chị H như lúc đầu chúng đã bàn mà đã trở thành hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nên hành vi của C là hành vi thái quá của người thực hành, C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản còn A và B bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu hành vi thái quá của đó chỉ nhằm thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực mà những người đồng phạm khác mong muốn thì hành vi thái quá của người thực hành làm tất cả những đồng phạm khác phải chịu. Ví dụ: Nguyễn Tất N, Lê Văn T và Nguyễn Xuân H bàn bạc thống nhất viết thư cho chị Trần Thị X với nội dung: nếu đúng 5 giờ ngày mai không giao cho chúng 4 lượng vàng 9999 thì chúng sẽ đưa bức ảnh mà chúng đã chụp lén được cảnh chị H cùng với anh Nguyễn Văn B đang ôm hôn nhau cho chồng chị X. Theo kế hoạch, thì Lê Văn T có nhiệm vụ chuyển thư cho chị X và cho chị X xem bức ảnh mà chúng chụp lén được. Nhưng khi T đưa thư và ảnh cho chị X xem, chị X không hề tỏ ra lo sợ mà còn nói với T: “Các chú không dọa nổi tôi đâu! Tôi và chồng tôi đã ly hôn rồi và tôi sắp kết hôn với người trong ảnh”. Thấy không dọa được chị X, T liền nghĩ ngay ra một cách khác để dọa tiếp chị X: “Nếu chị không đưa tiền thì con trai chị sẽ bị bắt cóc”. Chị X không sợ lời đe dọa về bức ảnh nhưng lại lo sợ con trai mình bị bắt cóc, nên đã hứa với T đúng 5 giờ ngày mai chúng sẽ nhận được vàng. Sau khi T đi khỏi, chị X đã nhờ lực lượng cảnh sát can thiệp, nên N, T và H đều bị bắt. Trong trường hợp này tuy T có hành vi thái quá nhưng hành vi này nhằm mục đích chung mà các đồng phạm khác đặt ra và hành vi thái quá của T cũng là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản nên N và H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của T.

Người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.

Người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản thường là những người có mâu thuẫn với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nhưng không có khả năng tổ chức, thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, cũng như không có khả năng tự mình dùng những thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nên xúi giục người khác thực hiện việc cưỡng đoạt, đồng thời có một số hành vi giúp sức cho việc thực hiện tội phạm như: chỉ mặt, chỉ nhà, cung cấp quy luật đi về của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản…

Người giúp sức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản như: cho đồng bọn dùng điện thoại của mình để gọi điện thoại cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, chuyển thư, nhắn tin cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản về nội dung lời đe dọa; nhận tiền hoặc tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản chuyển giao cho đồng bọn…

b) Có tính chất chuyên nghiệp

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, nhưng trường hợp phạm tội này là trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp.

Cưỡng đoạt có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội chủ yếu lấy việc cưỡng đoạt tài sản là nguồn sống chính của bản thân và gia đình mình, nếu người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính, nhưng mới phạm tội cưỡng đoạt tài sản một lần thì không thuộc trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170, mà thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

Đây là bổ sung của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999. Khi áp dụng các tình tiết này, cần chú ý: (i) Người dưới 16 tuổi là người chưa đủ 16 tuổi.Việc xác định tuổi của người bị hại được thực hiện theo quy định của pháp luật; (ii) Đối với phụ nữ mà biết có thai là trường hợp người phạm tội biết người bị hại là phụ nữ có thai (như thấy được, nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau); (iii) Người già yếu (chưa có quy định cụ thể) là người từ đủ 70 tuổi trở lên và đang ở trong tình trạng ốm đau hoặc không trong tình trạng ốm đau nhưng là người yếu; (iv) Người không có khả năng tự vệ là người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang ngủ say, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được,… 

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 171; điểm e khoản 2 Điều 169. Việc chiếm đoạt được hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định trường hợp phạm tội này mà chỉ cần chứng minh người phạm tội có ý định chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 170.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là gây ra những tác động xấu đến tình hình an ninh, tác động tiêu cực đến trật tự, an tòan xã hội. Khi áp dụng tình tiết này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội.

e) Tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 53 và bất kỳ trường hợp tái phạm nguy hiểm nào được quy định trong Bộ luật hình sự. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 53. Tuy nhiên, phạm tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm khi:

– Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 170, nếu chỉ phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

-Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản không phân biệt phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 170.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ khác ở chỗ tài sản bị chiếm đoạt ở mức từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội có chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt đặc biệt lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp: tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

  1. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt chiếm đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 170 thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt tiền là hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể nói đây là khung hình phạt tiền đối với tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 35 thì mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cưỡng đoạt tài phải chú ý đến các quy định tại Điều 45 về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để lại cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

—–***——

Trích từ nguồn: Bình Luận Khoa Học BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II

(Từ trang 361 đến trang 385)

Tác giả: Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *