Bài viết

  1. Khái quát về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1.1. Khái niệm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của quan hệ lao động (QHLĐ), là cơ sở để hình thành, duy trì và chấm dứt QHLĐ. HĐLĐ được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong QHLĐ. Mặt khác, QHLĐ thông thường là loại quan hệ mang tính ổn định, lâu dài nhưng không phải là quan hệ “vĩnh cửu” nên có thể được chấm dứt bởi những căn cứ khác nhau. Trong các căn cứ làm chấm dứt QHLĐ, đơn phương chấm dứt HĐLĐ là vấn đề phức tạp và được ghi nhận với sự cẩn trọng của nhà làm luật. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ là việc chấm dứt do ý chí của một bên chủ thể, mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thế kia. Mục đích của quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của một bên chủ thể khi gặp những hoàn cảnh nhất định không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc do vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật từ phía chủ thể kia.

Từ đây, có thể hiểu đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động (NLĐ) là hành vi thể hiện ý chí muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn của NLĐ mà không phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động (NSDLĐ), hành vi này làm chấm dứt hiệu lực của HĐLĐ đã được xác lập trước đó và làm chấm dứt QHLĐ giữa NLĐ với NSDLĐ. Về nguyên tắc, việc phá vỡ cam kết là điều không được khuyến khích trong quá trình các bên thực hiện giao kết. Tuy nhiên, nếu như pháp luật dân sự nói chung trù liệu cho việc phá vỡ cam kết một cách chủ động chỉ trong một số trường hợp được dự kiến và bên phá vỡ cam kết luôn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nhất định, thì luật lao động xem việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, đặc biệt là việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ NLĐ như một quyền quan trọng của NLĐ, quan trọng không kém quyền được giao kết HĐLĐ.

1.2. Quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động ở một số nước trên thế giới

Xét ở góc độ pháp luật so sánh, có sự khác biệt khá lớn giữa quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ ở các quốc gia. Tuy nhiên, dù được ghi nhận theo các cách khác nhau, nhưng nhìn chung, có thể thấy, có hai xu hướng quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ ở các quốc gia trên thế giới.

Thứ nhất, xem đây là một quyền của NLĐ để tự bảo vệ mình trước những vi phạm nghiêm trọng của NSDLĐ. Nhóm thứ nhất này được chia thành nhiều cấp độ khác nhau giữa các quốc gia.

Trước hết, tại Thái Lan, QHLĐ được điều chỉnh bởi khá nhiều văn bản pháp luật, bao gồm Bộ luật Lao động (Labour Code), Luật Bảo vệ quan hệ lao động (Labour Protection Act BE 2541) và Bộ luật Dân sự – Thương mại (Civil and Commercial Code). Về vấn đề đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hành vi vi phạm của NSDLĐ được xem như một điều kiện để NLĐ thực hiện việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Bên cạnh đó, mặc dù có ghi nhận việc NLĐ được quyền tuyên bố chấm dứt HĐLĐ do ý chí đơn phương, nhưng việc chấm dứt này không được xem như một quyền đương nhiên của NLĐ. Cụ thể, theo quy định tại Mục 17 Luật Bảo vệ quan hệ lao động Thái Lan năm 1998, đối với HĐLĐ không xác định thời hạn, NLĐ và NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách thông báo trước bằng văn bản cho bên kia vào hoặc trước bất kỳ ngày nào đến hạn trả lương của tháng đó; việc thông báo trước này không cần thực hiện trước quá ba tháng. Trong khi đó, đối với HĐLĐ xác định thời hạn, luật không yêu cầu các bên thông báo trước khi chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, trường hợp nếu một trong hai bên tự ý chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng thì đồng nghĩa với việc bên đó vi phạm HĐLĐ và bên còn lại sẽ có quyền khởi kiện nếu việc chấm dứt này gây thiệt hại cho họ (trừ trường hợp được pháp luật cho phép chấm dứt). Như vậy, có thể thấy, mặc dù pháp luật lao động Thái Lan cho phép NLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tuy nhiên vẫn quy định ràng buộc trách nhiệm của NLĐ trong việc bồi thường thiệt hại để hạn chế những tổn thất gây ra cho NSDLĐ.

Trong khi đó, pháp luật lao động Cộng hòa Pháp, thay vì quy định cụ thể các trường hợp NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, lại ghi nhận rằng, dù với HĐLĐ có xác định thời hạn hay không xác định thời hạn, thì NLĐ cũng có quyền đơn phương chấm dứt và quyền này một phần được ghi nhận trong Bộ luật Lao động (BLLĐ), một phần được chấp nhận bởi án lệ. Có thể thấy, tại quốc gia này, đơn phương chấm dứt HĐLĐ đóng vai trò chính trong việc chấm dứt hiệu lực pháp lý của HĐLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo quan điểm của học giả Pháp, cần áp dụng lý thuyết về việc “kiểm soát sau” đối với các quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Điều này có nghĩa là, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ này được kiểm soát một cách khá chặt chẽ và trong nhiều trường hợp, phải được tiến hành thông qua tuyên bố bằng một phán quyết của Tòa án cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, BLLĐ Cộng hòa Pháp còn chia việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ phía NLĐ thành hai trường hợp: đơn phương chấm dứt ngay và đơn phương chấm dứt sau khi có phán quyết của Tòa án cấp có thẩm quyền tùy thuộc vào sự cấp thiết và lý do để chấm dứt HĐLĐ.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều quy định theo mô hình thứ nhất này và chỉ khác ở mức độ kiểm soát.

Thứ hai, xem đây là một quyền đương nhiên với các điều kiện được quy định khá đơn giản và dễ thực hiện đối với NLĐ. Chẳng hạn, Luật Hợp đồng lao động Trung Quốc quy định tập trung, thống nhất, cải tiến và hoàn thiện chế độ có liên quan đến HĐLĐ và đặc biệt là quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ. Trung Quốc với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đã thấy được một số hậu quả của thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên xác định mục tiêu hàng đầu của Luật Hợp đồng lao động là chú trọng bảo vệ NLĐ ở mức cao, chính vì vậy, các quy định của Luật này bảo đảm tối đa cho NLĐ tự do thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các bên trong HĐLĐ để phát triển QHLĐ bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay, BLLĐ năm 2019 của Việt Nam cũng áp dụng mô hình này và quy định tại Điều 35 BLLĐ năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ (được phân tích cụ thể ở các nội dung tiếp theo của bài viết).

  1. Quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và một số bất cập

2.1. Điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ là một trong những nội dung được chú ý sửa đổi theo hướng mở rộng, nhằm phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các bên trong QHLĐ. BLLĐ năm 2019 đã quy định những điểm mới liên quan đến quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần nêu lý do, chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước.

Điều 37 BLLĐ năm 2012 quy định, NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) Có lý do theo quy định tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ năm 2012; (2) Phải tuân thủ thời hạn báo trước tùy vào loại hợp đồng và lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, chỉ cần báo trước 45 ngày, mà không cần lý do chấm dứt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho NLĐ khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình.

Nhằm khắc phục những hạn chế, Điều 35 BLLĐ năm 2019 cho phép NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần nêu lý do chấm dứt, mà chỉ cần báo trước cho NSDLĐ theo thời hạn được quy định tương ứng với từng loại hợp đồng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 35 BLLĐ năm 2019 quy định:

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

  1. a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  2. b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  3. c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  4. d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù, thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, quy định này đã giúp cho NLĐ có thể tự do lựa chọn việc làm theo nhu cầu của bản thân. Khi NLĐ thấy công việc hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của mình, thì họ có thể dễ dàng đơn phương chấm dứt công việc cũ, để chuyển sang một công việc phù hợp hơn, giúp cho NLĐ được bảo đảm hơn về quyền tự do lựa chọn việc làm. Tuy nhiên, do việc chấm dứt HĐLĐ sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của NSDLĐ, nên pháp luật yêu cầu NLĐ phải có trách nhiệm với hợp đồng mà mình đã ký kết thông qua việc họ phải thông báo việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ cho NSDLĐ trước một khoảng thời gian, tùy thuộc vào loại hợp đồng mà họ đã giao kết, để NSDLĐ có thể chủ động trong kế hoạch nhân sự của mình, bảo đảm quyền lợi của NSDLĐ.

Thứ hai, quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước.

Theo quy định tại BLLĐ năm 2012, đa số các trường hợp khi chấm dứt HĐLĐ đều phải báo cho NSDLĐ trước một khoảng thời gian, trừ trường hợp NLĐ nữ mang thai phải nghỉ theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Điều này đã tạo ra một số bất cập trong thực tiễn áp dụng. Cụ thể, khi NLĐ bị đánh đập, nhục mạ, chà đạp danh dự hoặc bị xâm hại tình dục, ép buộc làm những công việc không phù hợp giới tính, trái mong muốn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì phải báo trước cho NSDLĐ ít nhất 03 ngày trước khi nghỉ việc. Quy định trên trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm tính hợp lý, bởi đây là những trường hợp nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền con người của NLĐ, nhưng khi họ muốn nghỉ việc, thì họ vẫn phải chờ đợi và tiếp tục tiếp xúc, chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của NSDLĐ trong 03 ngày tiếp theo. Chưa kể đến thời gian 03 ngày báo trước trùng ngày lễ, ngày nghỉ, tết Nguyên đán… thì khoảng thời gian này lại được kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Quy định tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ năm 2019 đã khắc phục được những vướng mắc này bằng cách quy định các trường hợp ngoại lệ, NLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước. Cụ thể:

 “2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

  1. a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
  2. b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
  3. c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  4. d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

  1. e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  2. g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động”.

Thông thường, NLĐ muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo cho NSDLĐ trước một khoảng thời gian để NSDLĐ có thể chủ động tìm nguồn lao động mới thay thế, chủ động trong kế hoạch nhân sự của mình vào khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, khi quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm phạm (do những vi phạm các cam kết trong hợp đồng của NSDLĐ hoặc NLĐ bị xâm hại đến quyền lợi hợp pháp tại nơi làm việc hay khi họ thuộc trường hợp hết độ tuổi lao động mà không có thỏa thuận khác với NSDLĐ) thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay, mà không cần phải báo trước cho NSDLĐ.

Có thể thấy, xét về mức độ của bảo vệ quyền, BLLĐ năm 2019 đã có sự thay đổi quan trọng trong việc bảo đảm tối đa cho NLĐ tự do thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình. Điều này có thể thấy rõ hơn trong việc sánh với quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ NSDLĐ. Trong mọi trường hợp, NSDLĐ muốn được đơn phương chấm dứt HĐLĐ một cách hợp pháp, thì phải có các lý do được quy định tại khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019 và phải tuân thủ thủ tục báo trước được quy định tại khoản 2 của Điều này. Nói cách khác, quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ quy định tại BLLĐ năm 2019 gần như không có sự thay đổi so với BLLĐ năm 2012.

2.2. Một số bất cập phát sinh từ quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Mặc dù quy định mới của BLLĐ năm 2019 đem đến sự thay đổi mang tính đột phá trong việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ trong việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tuy nhiên, quy định tại Điều 35 BLLĐ năm 2019 cũng tiềm ẩn một số vướng mắc và hệ quả phát sinh khi áp dụng vào thực tiễn.

2.2.1. Tạo tâm lý ỷ lại và tình trạng “nhảy việc” khó kiểm soát từ phía người lao động

Từ quy định tại Điều 35 BLLĐ năm 2019 có thể thấy, trong mọi trường hợp, với mọi loại hợp đồng xác định thời hạn hay không xác định thời hạn, bất kể có hay không có lý do, NLĐ nếu mong muốn, thì đều có thể tự mình đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần phải tiến hành một thủ tục đặc biệt có ý nghĩa kiểm soát quyền từ một chủ thể khác. Luật chỉ dự liệu cơ hội duy nhất cho NSDLĐ trong việc phản đối quyết định của NLĐ bằng cách yêu cầu NSDLĐ phải gánh chịu những hậu quả nhất định khi chứng minh được trước Tòa án rằng, NLĐ đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Từ việc xem xét một cách tổng thể quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nói chung, đến quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ nói riêng, có thể thấy, pháp luật lao động Việt Nam cho phép một quyền rút lui, hay phá vỡ hợp đồng dành riêng cho NLĐ trong cả hai trường hợp: khi NSDLĐ có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng (như chậm trả lương, không bố trí đúng công việc…) và cả khi không có bất kỳ hành vi vi phạm nào. Mặt khác, trong quá trình xây dựng các quy định trong pháp luật lao động, nhà làm luật cần có sự cân nhắc giữa các yếu tố trật tự xã hội trong việc giữ đúng cam kết, nguyên tắc thực hiện hợp đồng và nguyên tắc bảo vệ NLĐ – đối tượng thường được xem là yếu thế hơn trong HĐLĐ. Trong trường hợp này, nếu đặt hai vấn đề lên trên để so sánh, thì dường như nhà làm luật đã dành sự ưu tiên hơn cho việc bảo vệ NLĐ tốt hơn, so với việc phải giữ gìn trật tự hay nguyên tắc xã hội về tôn trọng lời hứa, cam kết.

Theo quan điểm của tác giả, trong bối cảnh hiện nay, QHLĐ đóng vai trò ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự ổn định của thị trường lao động và sự phát triển kinh tế – xã hội. Việc BLLĐ năm 2019 cho NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ một cách khá tự do, sẽ có tác động nhất định đến đời sống kinh tế – xã hội trong tương lai. Nguyên nhân là vì, sự cho phép này sẽ tạo tâm lý ỷ lại và tình trạng “nhảy việc” từ phía NLĐ có thể diễn ra một cách khó kiểm soát. Điều này dẫn đến sự thiếu ổn định trong QHLĐ – tiền đề cần thiết cho sự bình ổn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, xã hội nói chung.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng nói chung và HĐLĐ nói riêng dù là một quyền tự nhiên và cơ bản, thì đây vẫn có bản chất là một sự bội ước, vì thế, việc hạn chế các quyền này hay kiểm soát việc thực hiện quyền này là thật sự cần thiết cho việc xây dựng các chuẩn mực về chữ tín trong thực hiện cam kết pháp lý, cam kết xã hội nói chung.

2.2.2. Giảm sút số lượng hợp đồng lao động được giao kết

Việc quy định mới tại BLLĐ năm 2019 nới lỏng các điều kiện đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ dường như cũng gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa NLĐ và NSDLĐ. Sự bất bình đẳng này là không bình thường với QHLĐ, với bản chất là một quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tư. Đây là một trong những nguyên nhân có khả năng ảnh hưởng đến việc xác lập QHLĐ. Cụ thể, trong bối cảnh pháp lý hiện nay, khi giao kết HĐLĐ, NSDLĐ có nhiều nghĩa vụ đối với NLĐ như nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động… Các nghĩa vụ này trong một số trường hợp là khá nặng nề với NSDLĐ bên cạnh quyền được quản lý, điều hành, khai thác sức lao động của NLĐ. Điều này dẫn đến thực trạng là, trong nhiều trường hợp, NSDLĐ không giao kết HĐLĐ và sẽ chọn xác lập quan hệ pháp luật khác (ví dụ như quan hệ pháp luật dân sự – hợp đồng dịch vụ) để né tránh các nghĩa vụ nêu trên. Mặt khác, sau khi các bên xác lập QHLĐ thông qua việc giao kết HĐLĐ, NSDLĐ sẽ phải đầu tư công sức, thời gian đào tạo và phát triển các kỹ năng để NLĐ có thể đáp ứng với yêu cầu của công việc được giao. Hơn thế nữa, trong trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ cũng sẽ mất thêm một khoảng thời gian nhất định để tuyển dụng NLĐ mới thay thế vị trí bị bỏ trống. Chính vì vậy, với quy định cho phép NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ một cách “khá tự do” như hiện nay, sẽ dẫn đến việc NSDLĐ ngần ngại khi quyết định giao kết HĐLĐ với NLĐ và về lâu dài có thể thúc đẩy mạnh hơn nữa tình trạng giảm sút số lượng HĐLĐ được giao kết.

Có thể nói, NSDLĐ là một bên đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu để hình thành và duy trì QHLĐ. Tuy nhiên, khi BLLĐ năm 2019 trao cho NLĐ quá nhiều quyền lợi trong việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trong khi quyền của NSDLĐ gần như không có thay đổi, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong QHLĐ. Từ đây, NSDLĐ khi không đạt được lợi ích trong quá trình sử dụng lao động sẽ buộc phải sử dụng các biện pháp mang tính đối phó để duy trì sự hoạt động của mình và khó có thể giải quyết việc làm cho NLĐ. Điều này dẫn đến việc bảo đảm điều kiện sống thông qua hệ thống an sinh xã hội có thể sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực, và gây ra những hệ quả không tốt cho điều kiện kinh tế – xã hội nói chung.

  1. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Trong thời gian tới, để hoàn thiện pháp luật về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, cần bổ sung quy định tại BLLĐ năm 2019 về “thủ tục kiểm soát việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thông qua hòa giải viên lao động”.

Cách tiếp cận này không quá mới, bởi Pháp cũng là quốc gia áp dụng lý thuyết “kiểm soát sau” đối với các quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Theo đó, pháp luật lao động Việt Nam nên bổ sung quy định yêu cầu các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ phía NLĐ đều phải thực hiện theo một thể thức nhất định, bổ sung thủ tục kiểm soát việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ thông qua hòa giải viên lao động. Điều này sẽ góp phần giúp việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nói chung và từ phía NLĐ nói riêng có sự kiểm soát nhất định.

Hai là, cần sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của NLĐ trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ gây thiệt hại cho NSDLĐ. Mặc dù các quy định của pháp luật hiện nay muốn bảo vệ NLĐ, bảo đảm quyền tự do làm việc của NLĐ, tuy nhiên, cũng phải đảm bảo quyền, lợi ích của NSDLĐ bị thiệt hại do hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ. Vì vậy, theo tác giả, BLLĐ năm 2019 cần xem xét bổ sung chế tài bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ gây thiệt hại cho NSDLĐ, nhằm ràng buộc trách nhiệm của NLĐ, đồng thời, giúp hạn chế những tổn thất có thể gây ra cho NSDLĐ từ hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ.

Ba là, cần quy định về bảo hiểm thất nghiệp theo hướng, chỉ áp dụng cho những trường hợp NLĐ bị thất nghiệp do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Điều này có nghĩa là, trong trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không vì bất kỳ lý do gì được quy định tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ năm 2019, thì họ sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nhìn chung, xét về mức độ bảo vệ quyền, BLLĐ năm 2019 đã có sự thay đổi quan trọng trong việc bảo đảm tối đa cho NLĐ tự do thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quy định mới vẫn còn một số vướng mắc khi áp dụng trên thực tế, đặc biệt là, gây nên sự thiếu ổn định trong QHLĐ và tình trạng “nhảy việc” khó kiểm soát từ phía NLĐ; đồng thời, tạo sự bất bình đẳng giữa NLĐ và NSDLĐ, dẫn đến sự giảm sút số lượng HĐLĐ được giao kết. Chính vì vậy, các giải pháp hoàn thiện để khắc phục tình trạng trên là quan trọng và cấp thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia QHLĐ, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội cho người dân.

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 5 (kỳ I tháng 3/2023)

Từ trang 06 đến trang 11 và trang 38

Do Lê Thảo Nguyên biên soạn

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

  1. Dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của loại tội này có hai nhóm tuổi:

Nhóm tuổi thứ nhất, từ đủ 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất là 5 năm.

Nhóm tuổi thứ hai, từ đủ 14 tuổi trở lên nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất lần lượt ở các mức 10 năm, 15 năm và 20 năm tù.

Vì vậy, việc xác định chính xác đội tuổi của người thực hiện hành vi tội phạm rất quan trọng trong quá trình xác định khung hình phạt. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 thì chỉ cần xác định người phạm tội đã đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 170 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt giao tài sản. Quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về thể chất (tính mạng, thương tật), mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần (sự sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại; tính chất và mức độ xâm phạm đến quan hệ nhân thân ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau đây:

– Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực

Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt với tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Trong thực tế, có những trường hợp người bị hại bị người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu không giao tài sản cho người phạm tội nhưng người bị hại không sợ và không giao tài sản cho người phạm tội, sau đó người phạm tội đã thực hiện hành vi vũ lực đối với người bị hại thì cũng không phải là hành vi cướp tài sản mà vẫn là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ví dụ: Tạ Phú C đã có hành vi đe dọa cháu Nguyễn Thị O là học sinh lớp 6, nếu không đưa cho C 50.000 đồng thì ngày mai đi học sẽ bị đánh. Cháu O rất lo sợ nhưng không biết lấy đâu ra 50.000 đồng đưa cho C, nên hôm sau cháu 0 rủ thêm bốn bạn khác cùng đi để nếu C có gây sự thì đã các bạn can thiệp. Hôm sau, cháu 0 cùng các bạn trên đường đi đến trường thì bị C chặn đánh vì cháu O không thực hiện yêu cầu của C, các bạn cùng đi với cháu đã kịp báo cho lực lượng bảo vệ bắt C. Việc C thực hiện lời đe dọa của mình đối với người bị hại nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi của C là hành vi phạm tội cướp tài sản, vì sau khi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với cháu O nếu cháu không giao tài sản thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C đã hoàn thành, còn việc C đánh cháu O là hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản của C gây ra cho cháu O chứ không phải là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của cháu O. Tuy nhiên, nếu trước hoặc trong khi đánh cháu O, C vẫn yêu cầu cháu O phải đưa tiền cho C, thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C chuyển hóa thành hành vi cướp tài sản và trong trường hợp này C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168.

Nói chung, người phạm tội chỉ đe dọa dùng vũ lực, nếu người bị hại không giao tài sản thì người phạm tội cũng không dùng vũ lực. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội vẫn thực hiện lời đe dọa của mình để trả thù như trường hợp của Tạ Phú C đối với cháu O nêu trên.

Nếu người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực và nói rõ ý định của mình buộc người có trách nhiệm về tài sản phải giao tài sản cho người phạm tội trong một thời gian nhất định, thì việc xác định hành vi phạm tội của họ dễ dàng hơn nhiều so với trường hợp người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực trực tiếp đối với người có trách nhiệm về tài sản hoặc đối với người khác để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là trường hợp thực tiễn xét xử dễ nhầm lẫn với tội cướp tài sản, bởi vì nếu xác định người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì đó là hành vi phạm tội cướp tài sản. Ví dụ: Võ Công L thấy em Trần Mai H 10 tuổi có đeo dây chuyền vàng, L rủ em H đi vào công viên Lênin để chơi. Khi đi qua chỗ vắng, L nói với cháu H cởi dây chuyền đưa cho y nếu không sẽ bị y đẩy xuống hồ, cháu H sợ định bỏ chạy thì L kéo em H lại rồi dùng tay giật chiếc dây chuyền của em H và dọa nếu kêu sẽ bóp cổ, rồi y bỏ đi.

Nếu xác định người phạm tội chỉ đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không có căn cứ cho rằng người phạm tội dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội, thì đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Đào Văn T đang ngồi uống cà phê trong quán nhìn thấy cháu Hoàng Kim D có đeo một chiếc đồng hồ loại đắt tiền liền nảy ý định chiếm đoạt. T đến gần cháu D hăm dọa: “Cởi đồng hồ đưa cho tao nếu không ăn đòn”, cháu D hoảng sợ chạy ra ngoài và hô cướp! Thấy em D hô cướp, T liền bỏ chạy nhưng mọi người trong quán đuổi bắt được y.

Người phạm tội có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người khác (chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản). Ví dụ: Lê Minh Th viết thư cho chị Trần Thị Thu H với nội dung: nếu không giao cho Th 200 triệu đồng thì Th sẽ chặn đường đánh cháu Trần Đức Tr hoặc sẽ bắt cóc cháu Tr đem bán ra nước ngoài. Vì sợ Th thực hiện lời đe dọa nên chị H đã phải giao cho Th số tiền mà Th yêu cầu.

– Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản:

Ngoài hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:

+ Dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: dọa sẽ đốt nhà, đốt xe; dọa sẽ đập phá nhà, đập phá xe hoặc những tài sản khác…

+ Dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình C, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho A một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B.

+ Bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: Trần Tuấn A là phóng viên một tờ báo của ngành, viết một bài vu khống ông Nguyễn Văn T là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã quan hệ bất chính với chị Trần Thị M là nhân viên văn thư của huyện. Tuấn A không gửi bài đăng báo mà gửi cho ông T với lời yêu cầu bóng gió “anh nên thu xếp cho êm” và gọi điện thoại gợi ý cho ông T chi một số tiền, y sẽ “dẹp yên” chuyện này. Mặc dù không có việc quan hệ bất chính với chị M, nhưng vì sợ nếu A cho đăng bài báo thì uy tín của mình bị ảnh hưởng, nhất là sắp đến kỳ bầu cử lại Hội đồng nhân dân huyện, nên ông T đã phải giao cho A 5.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền Tuấn A thấy có thể tiếp tục tổng tiền được ông T nên lại gọi điện yêu cầu ông T giao thêm 3.000.000 đồng để lo việc, nhưng ông T đã tố cáo hành vi tống tiền của A.

+ Giả danh là cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thuế vụ, hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản. Ví dụ: Bùi Huy T, Vũ Văn Đ và Hoàng Văn H đã giả danh cảnh sát giao thông để chặn xe tải do anh Đinh Văn Th lái, buộc anh Th phải nộp cho chúng 4.000.000 đồng nếu không sẽ đưa xe về trụ sở. Vì anh Th chở hàng tươi sống nếu để chúng đưa xe về trụ sở thì sẽ hỏng hết hàng nên anh Th đã giao cho bọn chúng số tiền mà chúng yêu cầu.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, sự công khai trắng trợn chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản, còn đối với những người khác, người phạm tội không quan tâm. Nếu hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi công cộng, người phạm tội chỉ công khai trắng trợn với người có trách nhiệm về tài sản còn những người khác thì người phạm tội lại có ý thức lén lút.

b) Hậu quả

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

Nếu hậu quả chưa xảy ra (người phạm tội chưa chiếm được tài sản) thì cũng không vì thế mà cho rằng tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, vì người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan đó là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội chưa thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội. Ví dụ: A, B, C bàn bạc sẽ viết thư đe dọa D nhằm buộc D phải giao cho chúng một số tiền, nhưng chưa viết thư hoặc đã viết thư rồi nhưng chưa gửi cho D thì bị phát hiện. Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự thì người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó chỉ người chuẩn bị phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì khoản 1 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

Cấu tạo của Điều 170 không có quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác là tình tiết định khung hình phạt, do đó nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người bị hại hoặc người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134. Ví dụ: sau khi đã cưỡng đoạt được tài sản, người phạm tội bỏ đi thì bị phát hiện nên đã dùng vũ lực tấn công người bị hại hoặc người đuổi bắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của những người này.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: để trả thù anh Đinh Văn Q, nên Đỗ Cao Th đã viết đơn vu khống anh Q dùng bằng tốt nghiệp phổ thông giả nhằm ngăn cản việc anh Q sắp được đề bạt. Hành vi của Đỗ Cao Th là hành vi phạm tội vu khống quy định tại Điều 156.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: trong trường hợp của Đỗ Cao Th vừa nêu ở trên, sau khi đã viết đơn vu khống, Đỗ Cao Th lại yêu cầu anh Q phải giao cho y một khoản tiền thì y mới rút đơn, bãi nại cho anh Q thì hành vi của H đã chuyển hóa từ tội vu khống thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc đã xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Tiến D có thù với anh Trịnh Quốc H nên D đã rủ Đỗ Văn S và Lê Thị T viết thư cho vợ anh H vu khống anh H có quan hệ bất chính với một cô sinh viên để trả thù, nhưng khi bàn với S và T thì S và T nói: “Chúng tao cần tiền”. Sau khi đã viết thư vu khống anh H, S và T điện thoại cho anh H phải nộp 10.000.000 đồng nếu không sẽ gửi tiếp thư cho cơ quan anh H, D biết việc làm của S và T nhưng không nói gì. Trong trường hợp này, lúc đầu Nguyễn Tiến D chỉ có ý định trả thù anh H, nhưng khi bàn bạc với đồng bọn, D đã tiếp nhận mục đích của S và T, nên D cũng phải chịu trách nhiệm về tội cưỡng đoạt tài sản cùng với S và T.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Phạm tội cưỡng đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 170, có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là cấu thành cơ bản, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật hình sự (từ Điều 50 đến Điều 59). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng.

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có thể được áp dụng dưới mức một năm tù hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 thì cũng có thể được hưởng án treo.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170

a) Có tổ chức

Trường hợp phạm tội này tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17. Tuy nhiên, đối với phạm tội cưỡng đoạt tài sản có tổ chức còn có những đặc điểm riêng sau:

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; chuyển lời đe dọa, thư từ hoặc những tài liệu có nội dung uy hiếp tinh thần đến chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; tiếp nhận tài sản do chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản giao cho người phạm tội…

Người thực hành trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng có thể có hành vi thái quá trong quá trình thực hiện tội phạm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc giao cho C đến nhà chị H đe dọa chị H phải chia cho chúng một phần tiền trúng xổ số, nếu không chúng sẽ nói với chồng của chị H về việc chị H có quan hệ bất chính với anh T. Khi C đến thực hiện kế hoạch mà chúng đã bàn bạc từ trước, thì bị chị H khước từ và thách thức sẽ báo cho Công an biết về hành vi tống tiền của bọn chúng. Một phần sợ bị phát hiện, một phần vì muốn chiếm đoạt được tiền của chị H nên C đã rút dao trong người khống chế chị H buộc chị H phải mở tủ lấy tiền đưa cho C. Trong lúc chị H đang mở tủ thì lực lượng cảnh sát đã kịp thời đến bắt C. Trong trường hợp này, hành vi của C không còn là hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần chị H như lúc đầu chúng đã bàn mà đã trở thành hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nên hành vi của C là hành vi thái quá của người thực hành, C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản còn A và B bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu hành vi thái quá của đó chỉ nhằm thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực mà những người đồng phạm khác mong muốn thì hành vi thái quá của người thực hành làm tất cả những đồng phạm khác phải chịu. Ví dụ: Nguyễn Tất N, Lê Văn T và Nguyễn Xuân H bàn bạc thống nhất viết thư cho chị Trần Thị X với nội dung: nếu đúng 5 giờ ngày mai không giao cho chúng 4 lượng vàng 9999 thì chúng sẽ đưa bức ảnh mà chúng đã chụp lén được cảnh chị H cùng với anh Nguyễn Văn B đang ôm hôn nhau cho chồng chị X. Theo kế hoạch, thì Lê Văn T có nhiệm vụ chuyển thư cho chị X và cho chị X xem bức ảnh mà chúng chụp lén được. Nhưng khi T đưa thư và ảnh cho chị X xem, chị X không hề tỏ ra lo sợ mà còn nói với T: “Các chú không dọa nổi tôi đâu! Tôi và chồng tôi đã ly hôn rồi và tôi sắp kết hôn với người trong ảnh”. Thấy không dọa được chị X, T liền nghĩ ngay ra một cách khác để dọa tiếp chị X: “Nếu chị không đưa tiền thì con trai chị sẽ bị bắt cóc”. Chị X không sợ lời đe dọa về bức ảnh nhưng lại lo sợ con trai mình bị bắt cóc, nên đã hứa với T đúng 5 giờ ngày mai chúng sẽ nhận được vàng. Sau khi T đi khỏi, chị X đã nhờ lực lượng cảnh sát can thiệp, nên N, T và H đều bị bắt. Trong trường hợp này tuy T có hành vi thái quá nhưng hành vi này nhằm mục đích chung mà các đồng phạm khác đặt ra và hành vi thái quá của T cũng là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản nên N và H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của T.

Người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.

Người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản thường là những người có mâu thuẫn với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nhưng không có khả năng tổ chức, thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, cũng như không có khả năng tự mình dùng những thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nên xúi giục người khác thực hiện việc cưỡng đoạt, đồng thời có một số hành vi giúp sức cho việc thực hiện tội phạm như: chỉ mặt, chỉ nhà, cung cấp quy luật đi về của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản…

Người giúp sức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản như: cho đồng bọn dùng điện thoại của mình để gọi điện thoại cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, chuyển thư, nhắn tin cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản về nội dung lời đe dọa; nhận tiền hoặc tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản chuyển giao cho đồng bọn…

b) Có tính chất chuyên nghiệp

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, nhưng trường hợp phạm tội này là trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp.

Cưỡng đoạt có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội chủ yếu lấy việc cưỡng đoạt tài sản là nguồn sống chính của bản thân và gia đình mình, nếu người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính, nhưng mới phạm tội cưỡng đoạt tài sản một lần thì không thuộc trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170, mà thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

Đây là bổ sung của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999. Khi áp dụng các tình thiết này, cần chú ý: (i) Người dưới 16 tuổi là người chưa đủ 16 tuổi.Việc xác định tuổi của người bị hại được thực hiện theo quy định của pháp luật; (ii) Đối với phụ nữ mà biết có thai là trường hợp người phạm tội biết người bị hại là phụ nữ có thai (như thấy được, nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau); (iii) Người già yếu (chưa có quy định cụ thể) là người từ đủ 70 tuổi trở lên và đang ở trong tình trạng ốm đau hoặc không trong tình trạng ốm đau nhưng là người yếu; (iv) Người không có khả năng tự vệ là người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang ngủ say, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được,… 

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 171; điểm e khoản 2 Điều 169. Việc chiếm đoạt được hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định trường hợp phạm tội này mà chỉ cần chứng minh người phạm tội có ý định chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 170.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là gây ra những tác động xấu đến tình hình an ninh, tác động tiêu cực đến trật tự, an tòa xã hội. Khi áp dụng tình tiết này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòa xã hội.

e) Tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 53 và bất kỳ trường hợp tái phạm nguy hiểm nào được quy định trong Bộ luật hình sự. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 53. Tuy nhiên, phạm tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm khi:

– Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 170, nếu chỉ phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

-Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản không phân biệt phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 170.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ khác ở chỗ tài sản bị chiếm đoạt ở mức từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội có chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt đặc biệt lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp: tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

  1. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt chiếm đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 170 thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt tiền là hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể nói đây là khung hình phạt tiền đối với tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 35 thì mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cưỡng đoạt tài phải chú ý đến các quy định tại Điều 45 về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để lại cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

—–***——

Trích từ nguồn:

Bình Luận Khoa Học BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II (Từ trang 361 đến trang 385), Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế.

Điều 123. Tội giết người (căn cứ bộ luật hình sự 2015)

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI

  1. Về phía người phạm tội

a) Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm cả hành động và không hành động

Trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống, v.v..

Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ một y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để người bệnh chết mặc dù người y tá này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc.

b) Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật cấm mà cứ làm, luật buộc phải làm mà không làm

Như vậy, sẽ có trường hợp cướp tước đoạt tính mạng người khác được pháp luật cho phép như: hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành một mệnh lệnh hợp pháp của nhà chức trách. Ví dụ người cảnh sát thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội.

Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Vì vậy, khi xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phải xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả với những đặc điểm sau:

– Hành vi là nguyên nhân gây ra chết người phải là hành vi xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Ví dụ: sau khi bị bắn, nạn nhân chết. Tuy nhiên không phải bất cứ hành vi nào xảy ra trước hậu quả chết người đều là nguyên nhân mà chỉ những hành vi có mối quan hệ nội tại, tất yếu với hậu quả thì mới là nguyên nhân. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi cả người phạm tội; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được. Ví dụ: một người dùng súng bắn vào đầu của người khác tất yếu sẽ dẫn đến cái chết cho người này.

Nếu một hành vi đã mang trong đó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân, nhưng hành vi đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả đó chưa xảy ra, thì người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ: A có ý định bắn vào đầu B nhằm tước đoạt tính mạng của B, nhưng đạn không trúng đầu của B mà chỉ trúng tay nên B không chết.

– Hậu quả chết người có trường hợp không phải do một nguyên nhân gây ra mà do nhiều nguyên nhân gây ra, thì cần phải phân biệt nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân nào là thứ yếu. Nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà nếu không có nó thì hậu quả không xuất hiện, nó quyết định những đặc trưng tất yếu chung của hậu quả ấy, còn nguyên nhân thứ yếu là nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời cá biệt, không ổn định của hậu quả; khi nó tác dụng vào kết quả thì chỉ có tính chất hạn chế và phục tùng nguyên nhân chủ yếu.

Ví dụ: có nhiều người cùng đánh một người, người bị đánh chết là do đòn tập thể, nhưng trong đó có hành vi của một người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết cho nạn nhân, còn hành vi của người khác chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Dù là chủ yếu hay thứ yếu thì tất cả những người có hành vi đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nhưng mức độ có khác nhau.

– Trong thực tế chúng ta còn thấy hậu quả chết người xảy ra có nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp. Nguyên nhân trực tiếp là nguyên nhân tự nó sinh ra kết quả, nó có tính chất quyết định rõ rệt đối với hậu quả, còn nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân chỉ góp phần gây ra hậu quả. Thông thường, hành vi là nguyên nhân trực tiếp mới phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả, còn đối với hành vi là nguyên nhân gián tiếp thì không phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả. Ví dụ: A cho B mượn súng để đi săn, nhưng B đã dùng súng đó để bắn chết người. Tuy nhiên, trong vụ án có đồng phạm thì hành vi của tất cả những người đồng phạm là nguyên nhân trực tiếp.

– Khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cần phân biệt nguyên nhân với điều kiện. Điều kiện là những hiện tượng khách quan hoặc chủ quan, nó không trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng nó đi với nguyên nhân trong không gian và thời gian, ảnh hưởng đến nguyên nhân và đảm bảo cho nguyên nhân có sự phát triển cần thiết để sinh ra hậu quả. Nếu một người có hành vi không liên quan đến việc giết người và người đó không biết hành vi của mình đã tạo điều kiện cho người khác giết người, thì không phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Ví dụ: A cho B đi nhờ xe Honda, nhưng A không biết B đi nhờ xe của mình để đuổi kịp C và giết C.

c) Hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý

Cố ý giết người là trường hợp trước khi có hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết.

Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người được biểu hiện khác nhau:

Dạng biểu hiện thứ nhất là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó phát sinh. Loại biểu hiện này rõ nét. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che dấu tội phạm,… còn gọi là cố ý do dự mưu.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp trước khi hành động, người phạm tội không có thời gian chuẩn bị nhưng họ vẫn thấy trước được hậu quả tất yếu xảy ra và cũng mong muốn cho hậu quả phát sinh. Ví dụ: A và B cãi nhau, sẵn có dao trong tay (vì A đang thái thịt lợn) A dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu B làm B chết ngay tại chỗ. Trường hợp này gọi là cố ý đột xuất.

– Dạng biểu hiện thứ hai là trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. Ví dụ: A gài lựu đạn nhằm giết B vì A đã theo dõi hàng ngày B thường đi qua đoạn đường này, nhưng A không tin vào khả năng gây nổ của lựu đạn hoặc chưa chắc B nhất định đi qua và có đi qua chưa chắc B đã vấp phải lựu đạn do A gài.

– Dạng biểu hiện thứ ba là trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ A mắc điện trần vào cửa chuồng gà với ý thức để kẻ trộm không dám vào lấy cắp gà, nhưng lại làm chết người.

Người phạm tội giết người đều có chung một mục đích là tước đoạt tính mạng con người, nhưng động cơ thì khác nhau. Động cơ không phải là yếu tố định tội giết người, nhưng trong một số trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt.

Những dấu hiệu khác như: thời gian, địa điểm, hoàn cảnh.. chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm đối với hành vi giết người, chứ không có ý nghĩa định tội.

Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người có đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. Về phía nạn nhân

Người bị giết phải là người còn sống, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người. Nếu một người đã chết, thì mọi hành vi xâm phạm đến xác chết đó không phải là hành vi giết người, nhưng giết một người sắp chết vẫn là giết người.

Giết một đứa trẻ mới ra đời cũng là giết người, nhưng phá thai, dù cái thai đó ở tháng thứ mấy cũng không gọi là giết người, vì vậy giết một phụ nữ đang có thai không phải là giết nhiều người.

Trường hợp người phạm tội tưởng nhầm xác chết là người đang vi như bắn, đâm, chém,với ý thức giết thì vẫn phạm tội giết người. Khoa học luật hình gọi là sai lầm về đối tượng.

 

B. NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI

  1. Giết 02 người trở lên ( điểm a khoản 1 Điều 123)

Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội có ý định giết từ hai người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra.

Về trường hợp phạm tội này hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ coi là giết nhiều người nếu có từ hai người chết trở lên, nếu người phạm tội có ý định giết nhiều người, nhưng chỉ có một người chết thì không coi là giết nhiều người.

Quan điểm này không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vì, thực tiễn xét xử không ít trường hợp không có ai bị giết cả nhưng vẫn có người bị xét xử về tội giết người. Đó là trường hợp giết người chưa đạt. Trong trường hợp giết nhiều người cũng vậy, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không nhất thiết phải có nhiều người chết mới là giết nhiều người. Ví dụ: A có mâu thuẫn với gia đình B, nên A có ý định giết cả nhà B. Nhằm lúc gia đình B đang quây quần bên mâm cơm, A rút chốt lựu đạn ném vào chỗ cả nhà B đang ăn cơm, nhưng lựu đạn không nổ.

Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ hai người chết trở lên mới gọi là giết nhiều người.

Như vậy, nhiều người bị giết phải đều thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 thì người phạm tội mới bị coi là giết nhiều người và bị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.

Nếu có hai người chết, nhưng lại có một người do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết nhiều người mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “giết người” và “vô ý làm chết người”. Ví dụ: A và B cùng uống rượu ở nhà A, “rượu vào lời ra” dẫn đến hai người cãi lộn, A bực tức rút súng bắn B. Thấy A rút súng bắn mình, B hoảng sợ bỏ chạy ra cửa; vừa lúc đó, con của A thấy hai người to tiếng chạy vào, A nổ súng, đạn xuyên qua ngực B trúng vào đầu con của A; cả B và con của A đều bị chết.

Nếu có có hai người chết, nhưng chỉ có một người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ thì không thuộc trường hợp giết nhiều người mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 và một tội khác (giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng..).

2. Giết người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 123)

Giết người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của Tội giết người, vì hành vi này không những “phá vỡ” hạnh phúc của gia đình, làm “thui chột”, “lụi tàn” một “chủ nhân” là thế hệ tương lai của đất nước mà còn thể hiện bản tính hèn hạ và độc ác của can phạm (nhắm đến những người không có khả năng tự vệ). Theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em. Khi áp dụng trường hợp phạm tội này cần chú ý một số điểm sau:

– Việc xác định tuổi của người bị hại là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại là trẻ em, nếu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người chưa đến 16 tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp việc xác định tuổi của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng hết mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được tuổi của người bị hại. Vậy trong trường hợp này tính tuổi của người bị hại như thế nào?

– Hiện nay có hai ý kiến trái ngược nhau: ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này là không có lợi cho người phạm tội. Còn ý kiến thứ hai thì cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng đầu tiên của năm đó, cách tính này theo hướng có lợi cho người phạm tội. Để có căn cứ xác định tuổi của người bị hại nhất là người bị hại lại là trẻ em, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.

– Phạm tội đối với trẻ em nói chung và giết trẻ em nói riêng không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan người phạm tội mà là tình tiết khách quan, do đó không cần người phạm tội phải nhận thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là tình tiết tăng nặng, mà chỉ cần xác định người bị xâm phạm là trẻ em thì người phạm tội đã bị coi là phạm tội đối với trẻ em rồi.

Xuất phát từ cơ sở giết người dưới 16 tuổi có tính nguy hiểm cao hơn so với giết những đối tượng bình thường khác, BLHS năm 1999 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng giết trẻ em vào Tội giết người và BLHS năm 2015 đã kế thừa quy định đó (chỉ thay cụm từ “trẻ em” bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi”). Quy định này không chỉ nhằm trừng trị nghiêm những người có hành vi giết trẻ em, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm tính mạng của trẻ em đang có xu hướng gia tăng mà còn nhằm bảo đảm thực hiện các quy định trong Công ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoặc ký kết về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

3. Giết phụ nữ mà biết là có thai (điểm b khoản 1 Điều 123)

Là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình giết là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu nạn nhân là người tình của người phạm tội thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn.

Nếu người bị giết có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội giết phụ nữ là biết là có thai. Ví dụ: A là khách qua đường vào ăn phở trong tiệm phở của chị H. A chê phở không ngon, chị H cũng chẳng vừa bèn nói lại: “ít tiền mà cũng đòi ăn ngon, đồ nhà quê”! A bực tức lao vào đấm đá chị H liên tiếp. Do bị đá đúng chỗ hiểm chị H đã chết sau đó vài giờ. Khi khám nghiệm tử thi mới biết chị H đang có thai hai tháng.

Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ bị giết không có thai, nhưng người phạm tội tưởng lầm là có thai và sự lầm tưởng này của người phạm tội là có căn cứ, thì người phạm tội vẫn bị xét xử về tội giết người trong trường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai”.

Ví dụ: K là tên lưu manh cùng đi một chuyến ô tô với chị M. Do tranh giành chỗ ngồi nên hai bên cãi nhau. K đe dọa: “Về tới bến biết tay tao”! Khi xe đến bến, K thấy chị M đi khệnh khạng, bụng lại hơi to, K tưởng M có thai, vừa đánh chị M, K vừa nói “Tao đánh cho mày trụy thai để mày hết thói chua ngoa”. Mọi người thấy K đánh chị M bèn can ngăn và nói “Người ta bụng mang dạ chửa đừng đánh nữa phải tội”. Nhưng K vẫn không buông tha. Bị đá vỡ lá lách nên chị M bị chết. Sau khi chị M chết mới biết là chi không có thai mà chị giấu thuốc lá 555 trong người giả vờ là người có thai để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Biên bản khám nghiệm tử thi cũng kết luận là chị M không có thai.

Giết phụ nữ mà biết là có thai là dấu hiệu thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải dấu hiệu khách quan như trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48. Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 chỉ cần xác định người bị hại là phụ nữ có thai là đủ căn cứ xác định là tình tiết tăng nặng rồi không cần phải xác định người phạm tội có biết hay không biết rõ người phụ nữ có thai hay không.

4. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm d khoản 1 Điều 123)

Đây là trường hợp người bị giết là người đang thi hành công vụ, tức là người bị giết đang thực hiện một nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao phó. Nhiệm vụ được giao có thể là đương nhiên do nghề nghiệp quy định: cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo vệ, thầy thuốc đang điều trị tại bệnh viện; thầy giáo đang giảng bài hoặc hướng dẫn học sinh tham quan, nghỉ mát; thẩm phán đang xét xử tại phiên tòa; cán bộ thuế đang thu thuế; thanh niên cờ đỏ, dân quân tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự ở nơi công cộng, v.v..

Cũng có thể được coi là giết người đang thi hành công vụ trong một số trường hợp nạn nhân là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội hoặc nạn nhân tuy không phải là những công dân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, nhưng đã tự guyện tham gia vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định như: đuổi bắt người phạm tội bỏ trốn; can ngăn, hòa giải những vụ đánh nhau ở nơi công cộng, v.v..

Khác với trường hợp giết người đang thi hành công vụ (nạn nhân bị chết phải là lúc họ đang làm nhiệm vụ), giết người vì lý do công vụ của nạn nhân là trường hợp giết nạn nhân không phải lúc họ đang thi hành công vụ mà có thể trước hoặc sau đó. Thông thường, nạn nhân là người đã thi hành một nhiệm vụ và vì thế đã làm cho người phạm tội thù oán nên đã giết họ. Ví dụ: A buôn thuốc phiện, bị tổ công tác của B (đội đặc nhiệm) bắt giữ, A đã dùng mọi cách để B bỏ qua hành vi phạm tội của A, nhưng B đã không đồng ý nên A đã giết B nhằm trốn tránh pháp luật.

Tuy nhiên, có một số trường hợp người bị giết chưa kịp thi hành nhiệm vụ được giao, nhưng người có hành vi giết người cho rằng nếu để người này sống, nhiệm vụ mà họ thực hiện sẽ gây ra thiệt hại cho mình, nên đã giết nạn nhân trước. Ví dụ: A làm nhà trái phép, Ủy ban nhân dân quận B ra quyết định dỡ bỏ và giao cho Ủy ban nhân dân phường K thi hành. A đến nhà ông Chủ tịch phường xin hoãn, nhưng không được, nên đã bực tức lấy dao đâm chết ông Chủ tịch phường tại nhà riêng của ông.

Nạn nhân bị giết phải là người thi hành nhiệm vụ đúng pháp luật, nếu trái với pháp luật mà bị giết thì người có hành vi giết người không phải là “giết người đang thi hành công vụ”. Ví dụ: một người tự xưng là công an đòi khám nhà của người khác; chủ nhà yêu cầu xuất trình lệnh khám nhà, nhưng người này không đưa, dẫn đến hai bên xô xát và chủ nhà đâm chết người này.

5. Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm đ khoản 1 Điều 123)

Đây là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc; giết người mà người bị giết đáng lẽ người phạm tội phải có nghĩa vụ kính trọng. Việc nhà làm luật coi trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự (tình tiết định khung tăng nặng) là xuất phát từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo.

Bộ luật hình sự năm 1985 không coi trường hợp phạm tội này là tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu người phạm tội giết người có tính chất bội bạc phản trắc thì áp dụng tình tiết “giết người vì động cơ đê hèn”. Đến Bộ luật hình sự năm 1999 mới quy định trường hợp giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là tình tiết định khung tăng nặng. BLHS năm 2015 cũng đã kế thừa quy định tình tiết định khung tăng nặng nói trên nhằm trừng trị và giáo dục người phạm tội ý thức tôn trọng ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo; giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội.

Ông, bà bao gồm cả ông, bà nội; ông, bà ngoại. Cha, mẹ bao gồm cả cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng. Người nuôi dưỡng là những người tuy không phải là ông, bà, cha, mẹ nhưng đã nuôi dưỡng người phạm tội từ bé, thường là những người có họ hàng thân thích với người phạm tội như: chú, dì, cô, bác, cậu, mợ… hoặc tuy không phải là người thân thích với người phạm tội, nhưng là người chăm sóc, nuôi dưỡng người phạm tội trong các trại mồ côi, trại điều dưỡng. Thầy, cô giáo của người phạm tội là người đã và đang dạy người phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp giết thầy, cô giáo phải xác định người phạm tội giết thầy, cô giáo với động cơ phản trắc và người thầy, người cô đó phải là người có một quá trình dạy dỗ nhất định đối với người phạm tội. Nếu vì động cơ khác và người thầy, người cô đó không có quá trình nhất định trong việc dạy dỗ người phạm tội thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Ví dụ: Trần Văn Q là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học X. Do có mâu thuẫn với Bùi Đức T là giảng viên của nhà trường, vì T và Q đều yêu Vũ Thị C là học viên cùng lớp với Q. Tuy là giảng viên, nhưng T chỉ hơn Q mấy tuổi và là học viên khóa trước được nhà trường giữ lại làm giảng viên và không giảng ở lớp Q giờ nào. Vì không muốn cho T yêu C, nên Q đã rủ một số học viên cùng lớp gây sự rồi đánh T bị trọng thương, đưa vào bệnh viện cấp cứu thì chết.

6. Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (điểm e khoản 1 Điều 123)

Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp giết người mà liền trước hoặc ngay sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù hoặc một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Ngay sau khi giết nạn nhân, người phạm tội lại thực hiện Tội cướp tài sản của người khác không có quan hệ gì với nạn nhân.

Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là “liền trước đó” hoặc “ngay sau đó”, nhưng qua thực tiễn xét xử chỉ coi là liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó hoặc sau đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc là trong ngày, nếu tội phạm thực hiện trước đó hoặc sau đó có khoảng cách nhất định không còn liền với hành vi giết người thì không coi là giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.Ví dụ liền trước: A vừa sử dụng vũ khí cướp tài sản của B, đang bỏ chạy thì gặp C là người mà y đã thù ghét từ trước, sẵn có vũ khí trong tay, A gây sự và giết chết C.

Ví dụ ngay sau: A vừa giết người, đang chạy trốn thì gặp B đi xe máy Vison, A dùng vũ khí khống chế cướp xe máy của B để chạy trốn.

Trường hợp giết người này khác với trường hợp giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác ở chỗ: Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau khi giết nạn nhân không liên quan đến Tội giết người và phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

7. Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác (điểm g khoản 1 Điều 123)

Giết người để thực hiện tội phạm khác là trường hợp sau khi giết nạn nhân, người phạm tội còn thực hiện tội phạm khác. Tội phạm được thực hiện sau khi giết người phải có liên quan mật thiết với hành vi giết người. Hành vi giết người là tiền đề, là phương tiện để thực hiện tội phạm sau, nếu không giết người thì không thực hiện được tội phạm sau. Ví dụ: Giết người để cướp tài sản, giết người để khủng bố, giết người để trốn đi nước ngoài…

Giết người để che giấu tội phạm khác là trường hợp trước khi giết nạn nhân, người phạm tội đã thực hiện tội phạm khác và để che giấu tội phạm đó, người phạm tội đã giết nạn nhân. Thông thường sau khi phạm một tội có nguy cơ bị lộ, người phạm tội cho rằng chỉ có giết người thì tội phạm mà mình thực hiện mới không bị phát hiện. Người bị giết trong trường hợp này thường là người đã biết hành vi phạm tội hoặc là người cùng thực hiện tội phạm với người phạm tội. Ví dụ: A phạm tội trộm cắp tài sản của C bị B phát hiện. Để che giấu tội phạm trộm cắp tài sản, A đã giết B.

Giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác là trường hợp giết người xuất phát từ động cơ để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác. Tội phạm khác có thể là tội phạm bất kỳ do BLHS quy định, không bắt buộc phải là tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tội phạm khác cũng không bắt buộc phải được thực hiện liền trước đó hoặc ngay sau khi người phạm tội giết nạn nhân.

8. Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm h khoản 1 Điều 123)

Đây là trường hợp giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân thay thế hoặc để bán cho người khác dùng vào việc thay thế bộ phận đó. Trường hợp người này thực tiễn chưa xảy ra, nhưng trên thế giới nhiều nước đã có tình trạng giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân nhằm thay thế bộ phận đó cho mình hoặc cho người thân của mình hoặc bán để người khác thay thế bộ phận đó.

Nếu vì quá căm tức mà người phạm tội sau khi giết người đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân để nhằm mục đích khác cho hả giận thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ sau khi giết người, người phạm tội đã mổ bụng, lấy gan nạn nhân cho chó ăn.

9. Thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i khoản 1 Điều 123)

Tính chất man rợ của hành vi giết người thể hiện ở chỗ, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết như: mổ bụng, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, xẻo thịt, lột da, tra tấn cho tới chết… Các hành vi trên, người phạm tội thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân bị chết.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng đã coi các hành vi nêu trên là những hành vi có tính chất man rợ, nhưng không phải là thực hiện tội phạm mà là để che giấu tội phạm, là trường hợp “thực hiện tội phạm một cách man rợ”. Ví dụ: sau khi đã giết người, người phạm tội cắt xác nạn nhân ra nhiều phần đem vứt mỗi nơi một ít để phi tang.

Đây là vấn đề về lý luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi nếu coi cả những hành vi có tính chất man rợ nhằm che giấu tội giết người cũng là “thực hiện tội phạm một cách man rợ” thì nên quy định trường hợp phạm tội này là “phạm tội một cách man rợ”, vì phạm tội bao hàm cả hành vi che giấu tội phạm, còn thực hiện tội phạm mới chỉ mô tả những hành vi khách quan và ý thức chú quan của cấu thành tội giết người.

10. Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp (điểm k khoản 1 Điều 123)

Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người dễ dàng và cũng dễ dàng che giấu tội phạm, như: bác sĩ giết bệnh nhân, nhưng lập bệnh án là nạn nhân chết do bệnh hiểm nghèo; bảo vệ bắn chết người, nhưng lại vu cho họ là kẻ cướp. Lợi dụng nghề nghiệp để giết người là phạm tội với thủ đoạn ; rất xảo quyệt, nên nhà làm luật không chỉ dừng lại định là tình tiết tăng nặng theo Điều 48 Bộ luật hình sự mà coi thủ đoạn này là tình tiết định khung hình phạt.

Phải xác định rõ người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để giết người thì mới thuộc trường hợp phạm tội này. Nếu người có hành vi giết người bằng phương pháp có tính chất nghề nghiệp, nhưng đó không phải là nghề nghiệp của y mà lại lợi dụng người có nghề nghiệp đó rồi thông qua người này thực hiện ý đồ của mình thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: một kẻ đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật, nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân mà y có thù oán.

11. Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người (điểm l khoản 1 Điều 123)

Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người, như: ném lựu đạn vào chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước nhằm giết một người mà người phạm tội mong muốn.

Hậu quả của hành vi sử dụng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người có thể chết người mà người phạm tội mong muốn và có thể chết người khác, có thể chết người và cũng có thể không ai bị chết. Nhưng người phạm tội vẫn bị coi là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và bị xử lý theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu không có ai bị chết thì người phạm tội được áp dụng Điều 15 Bộ luật hình sự về trường hợp “giết người chưa đạt”.

12. Thuê giết người hoặc giết người thuê (điểm m khoản 1 Điều 123)

Thuê giết người là trường hợp trả cho người khác tiền hoặc lợi ích vật chất để họ giết người mà mình muốn giết. Giết người thuê là trường hợp người phạm tội lấy việc giết người làm phương tiện để kiếm tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Cũng giống như những trường hợp thuê làm một việc, người phạm tội vì không trực tiếp thực hiện hành vi giết người nên đã dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để thuê người khác giết người. Người trực tiếp giết người trong trường hợp này là người giết thuê.

Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra (có người thuê mới có người làm thuê).

Thông thường việc giết người, thuê và thuê giết người đồng thời là trường hợp giết người có tổ chức, nhưng cũng có thể chỉ là trường hợp đồng phạm bình thường.

Ví dụ: Phạm Văn T đến nhà Hoàng Thị X là người yêu chơi. Tại đây, T gặp Hoàng Văn H là anh họ của X và Bùi Công Q đang nói chuyện với X. T biết H rủ Q đến nhà X chơi là để giới thiệu X cho Q. T giả vờ xin phép về, trên đường về T gặp Bùi Đức C và Trần Văn S, T nói với C và S: “chúng mày “làm việc” hai thằng đang ở trong nhà X cho tao, xong việc tao sẽ thưởng”. C và S nhận lời, còn T về nhà chờ kết quả. C và S đã chuẩn bị một đoạn tre dài 1 m có đường kính 3cm ngồi phục sẵn ở gốc cây trước cổng nhà X chờ H và Q ra để đánh. Khi H và Q từ nhà X đi ra, S bấm đèn pin còn C dùng đoạn tre vụt một cái thật mạnh vào đầu Q làm cho Q gục chết tại chỗ. Đánh xong, C và S chạy về báo tin cho T biết là đã đánh một đứa gục rồi. T đưa cho C và S mỗi tên 500.000 đồng và bảo chúng trốn đi một thời gian bao giờ tình hình êm thì hay về.

Việc trừng trị đối với kẻ giết thuê là nhằm ngăn chặn tình trạng “đâm thuê chém mướn”, nhất là trong nền kinh tế thị trường, ở nơi này hoặc nơi khác đã xuất hiện những tên, những nhóm người chuyên hoạt động đâm thuê chém mướn, thì việc trừng trị thật nghiêm đối với bọn người này là rất cần thiết. Người phạm tội phải có ý thức giết thuê thật sự mới là phạm tội vì động cơ đê hèn. Vì nể hoặc sợ nên người phạm tội nhận lời giết người thì không phải là “giết thuê”.

13. Giết người có tính chất côn đồ (điểm n khoản 1 Điều 123)

Là trường hợp khi giết người, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Ví dụ: Đặng Văn T ngồi xem phim trong rạp, mặc dù đã có thông báo “không hút thuốc lá trong rạp” nhưng T vẫn cứ hút thuốc, những người ngồi bên cạnh góp ý. T không những không nghe mà còn gây gổ, chửi tục làm mất trật tự; buổi chiếu phim phải tạm dừng. Khi người bảo vệ đến yêu cầu T tắt thuốc lá và giữ trật tự để buổi chiếu phim tiếp tục, T tỏ thái độ hung hăng buộc người bảo vệ phải mời T ra khỏi rạp. T liền rút dao găm trong người ra đâm vào ngực người bảo vệ làm cho người này chết tại chỗ.

Tuy nhiên, việc xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ không phải bao giờ cũng dễ dàng như các trường hợp giết người khác được quy định tại khoản 1 Điều 123. Thực tiễn xét xử không ít trường hợp giết người không thuộc các trường hợp khác quy định tại khoản 1 Điều 123, thì các Tòa án thường xác định giết người có tính chất côn đồ để áp dụng khoản 1 Điều 123. Nhiều bản án đã bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao sửa bản án sơ thẩm chỉ vì xác định không đúng tình tiết này. Đây cũng là một vấn đề hiện nay còn nhiều vướng mắc và cũng là vấn đề phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau; việc tổng kết kinh nghiệm xét xử về vấn đề này chưa đáp ứng tình hình phạm tội xảy ra. Do đó ảnh hưởng không ít đến việc áp dụng pháp luật.

Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện như: chỉ nhấn mạnh đến nhân thân người phạm tội, hoặc chỉ nhấn mạnh đến địa điểm xảy ra vụ giết người, hay chỉ nhấn mạnh đến hành vi cụ thể gây ra cái chết cho nạn nhân, đâm nhiều nhát dao vào người nạn nhân là có tính chất côn đồ; nhưng có trường hợp người phạm tội chỉ đâm một nhát trúng tim nạn nhân chết ngay cũng là có tính chất côn đồ. Cần xem xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người, v.v..

14. Giết người có tổ chức (điểm o khoản 1 Điều 123)

Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người.

Nếu nhiều người cùng tham gia vào một vụ án giết người, nhưng không có sự câu kết chặt chẽ, mà chỉ có sự đồng tình một cách hời hợt thì không phải là giết người có tổ chức. Ví dụ: một số thanh niên ở xã A đi xem phim, gây gổ đánh nhau với một số thanh niên ở xã B dẫn đến một thanh niên ở xã A bị thanh niên ở xã B đánh chết.

Khi đã xác định giết người có tổ chức thì tất cả những người cùng tham gia vụ giết người dù ở vai trò nào (chủ mưu hay giúp sức, chỉ huy hay thực hành..) đều bị coi là giết người có tổ chức. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt (cá thể hóa hình phạt) phải căn cứ vào vai trò, vị trí của từng người tham gia vào vụ án. Có thể kẻ bị tử hình, nhưng có người chỉ bị phạt ba hoặc bốn năm tù.

15. Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm (điểm p khoản 1 Điều 123)

Là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã bị kết về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích hoặc đã tái phạm và chưa được xóa án tích (khoản 2 Điều 49). Ví dụ: A đã bị kết án 10 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa chưa được xóa án tích lại phạm tội giết người.

Tái phạm là trường hợp bị đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do vô ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý (khoản 1 Điều 49).

Về trường hợp phạm tội này, cũng có ý kiến cho rằng không nên coi trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết phạm tội phải bị xử phạt theo khoản 1 Điều 123, vì trong nhiều trường hợp không thể hiện tính chất nguy hiểm cao của hành vi giết người. Các quan hệ (đặc điểm) về nhân thân chỉ nên coi là tình tiết tăng nặng theo Điều 48 Bộ luật hình sự là đủ. Nếu coi trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội giết người thì chỉ nên coi trường hợp tái phạm về tội này, tức là đã bị kết án về tội giết người chưa được xóa án tích mà còn giết người.

16. Giết người vì động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123)

Động cơ đê hèn của người phạm tội giết người được xác định qua việc tổng kết kinh nghiệm xét xử nhiều năm ở nước ta. Thực tiễn xét xử đã coi những trường hợp sau đây là giết người vì động cơ đê hèn:

a) Giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ hoặc chồng khác

Vì muốn tự do lấy vợ hoặc chồng khác nên người phạm tội đã giết vợ hoặc giết chồng của mình. Phải có căn cứ xác định người phạm tội vì muốn lấy vợ hoặc lấy chồng khác mà phải buộc giết vợ hoặc giết chồng mình thì mới coi là giết người vì động cơ đê hèn. Nếu vì một lý do khác, người phạm tội đã giết vợ hoặc giết chồng sau đó mới có ý định lấy vợ hoặc lấy chồng khác thì không phải là giết người vì động cơ đê hèn.

Ví dụ: Nguyễn Văn T đi làm về, chưa thấy vợ liền nổi giận đá vợ mấy cái vào bụng. Do bị đá vỡ lá lách nên vợ T bị chết sau 4 tiếng đồng hồ. T hoảng sợ lấy thuốc sâu đổ vào miệng vợ rồi nói với mọi người rằng vợ y tự tử. Với hành động đó, T đã che giấu tạm thời hành vi phạm tội của mình. Sau khi chôn cất vợ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại phải nuôi con nhỏ nên sau một năm T lấy vợ khác để chăm sóc con cái và giúp y trong việc nội trợ. Lấy vợ được 6 tháng thì hành vi giết vợ của T bị phát hiện.

b) Giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân

Thông thường, trong trường hợp này giữa người có hành vi giết người với vợ hoặc chồng nạn nhân có quan hệ thông gian với nhau. Tuy nhiên, có trường hợp cá biệt không có quan hệ thông gian từ trước, nhưng trước khi giết nạn nhân người có hành vi giết người đã có ý định lấy vợ hoặc chồng nạn nhân. Trường hợp có quan hệ thông gian từ trước và cả hai đều là thủ phạm thì một người phạm tội thuộc trường hợp “giết vợ hoặc chồng để tự do lấy vợ, lấy chồng khác” còn một người phạm tội thuộc trường hợp “giết chồng để lấy vợ hoặc giết vợ để lấy chồng nạn nhân”.

Ví dụ: Phạm Văn K là nhân viên bảo vệ trường dạy nghề của tỉnh Q. K đã nhiều lần quan hệ bất chính với M là vợ của anh H. Để lấy được nhau, K và M đã bàn bạc giết anh H. Theo kế hoạch đã định, M rủ anh H vào rừng lấy nấm, khi anh H đi qua chỗ K phục sẵn, M ra hiệu để K nổ súng bắn chết anh H. Trường hợp này K giết anh H là để lấy vợ của anh H, còn M giết H là để tự do lấy K.

c) Giết người tình mà biết họ đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm

Đây là trường hợp giết phụ nữ mà biết là có thai, nhưng nạn nhân là người tình với người phạm tội.

Trách nhiệm mà người phạm tội trốn tránh là trách nhiệm làm bố đứa trẻ, do có trách nhiệm này mà có thể làm cho người phạm tội bị ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống như: bị kỷ luật, bị xã hội lên án, bị gia đình, vợ con ruồng bỏ xa lánh, v.v..

Nạn nhân có thai là yếu tố bắt buộc để xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp này. Nhưng nếu nạn nhân không có thai mà nói dối với bị cáo là đã có thai nhằm thúc ép bị cáo phải cưới mình và bị cáo vì sợ trách nhiệm nên đã giết nạn nhân thì vẫn bị coi là phạm tội vì động cơ đê hèn.

d) Giết chủ nợ để trốn nợ

Nhân dân ta có truyền thống đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ vay mượn cũng là một biểu hiện của tinh thần đó, khi gặp khó khăn, túng thiếu đã được người khác cưu mang giúp đỡ, lẽ ra phải biết ơn, ngược lại kẻ được cưu mang giúp đỡ lại giết người cưu mang, giúp đỡ mình nhằm trốn nợ.

Bị cáo giết nạn nhân chủ yếu nhằm trốn nợ, nhưng không phải cứ có vay mượn, nợ nần mà đã vội xác định người phạm tội giết người vì động cơ đê hèn, mà phải xác định việc vay mượn đó có xuất phát từ tình cảm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau không? Nếu nạn nhân là người cho vay lại nặng có tính chất bóc lột thì không thuộc trường hợp phạm tội vì động cơ đê hèn.

đ) Giết người để cướp của

Là trường hợp người phạm tội muốn chiếm đoạt tiền của do nạn nhân trực tiếp quản lý (chiếm hữu) nên đã giết họ. Tính chất đê hèn của trường hợp giết người này cũng là vì tiền.

Người phạm tội giết người trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản… Riêng tội giết người, người phạm tội đã có hai tình tiết định khung tăng nặng đó là “vì động cơ đê hèn và để thực hiện một tội phạm khác”, người có hành vi giết người để cướp của thường bị phạt với mức án cao như: tù chung thân hoặc tử hình nếu họ đã đủ 18 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ít có Tòa án xác định người phạm tội giết người để cướp của là trường hợp “giết người vì động cơ đê hèn” mà chỉ coi là “giết người để thực hiện tội phạm khác”, vì như trên đã nêu người có có hành vi giết người cướp của đã phạm một lúc hai tội nghiêm trọng và hình phạt đối với họ cũng rất nghiêm khắc, nên ít ai bàn đến việc có cần phải áp dụng thêm tình tiết “giết người vì động cơ đề hèn” hay không? Chính vì vậy mà không ít người cho rằng giết người để cướp của không phải là vì động cơ đê hèn.

e) Giết người là ân nhân của mình

Được coi là ân nhân của người phạm tội trong trường hợp nạn nhân là người đã có công giúp đỡ người này trong lúc khó khăn mà bản thân không thể tự mình khắc phục được. Việc giúp đỡ của nạn nhân đối với người phạm tội lẽ ra y phải chịu ơn suốt đời, nhưng đã bội bạc phản trắc, đã giết người giúp mình, chứng tỏ sự hèn hạ cao độ.

Khi xác định nạn nhân có phải là ân nhân của người có hành vi giết người hay không xét trong hoàn cảnh cụ thể; mối quan hệ phải rõ ràng, được dư luận xã hội thừa nhận và không trái pháp luật. Nếu hành vi trái pháp luật của nhân làm cho kẻ giết người phải chịu ơn thì không coi là giết người là ân nhân của mình. Ví dụ: một giám thị đưa bài cho thí sinh chép trong phòng thi, một cán bộ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa rồi đem tài sản đó giúp người khác, một cán bộ quản giáo tha thứ phạm nhân trái pháp luật, một thẩm phán cố tình đưa ra một bản án trái pháp luật có lợi cho người phạm tội, v.v..

Ngoài các trường hợp đã nêu trên, thực tiễn xét xử còn có các trường hợp sau đây cũng nên coi là giết người vì động cơ đê hèn. Đó là trường hợp người có hành vi giết người không có khả năng giết được người mình muốn giết nên giết người thân của họ mà những người này không hề có mâu thuẫn gì với người có hành vi giết người, họ yếu đuối không có khả năng tự vệ như ông bà già, người bị bệnh nặng và các em nhỏ, họ là bố mẹ, vợ con của người mà người có hành vi giết người định giết nhưng không giết được.

Ví dụ: do làm ăn buôn bán với nhau nên A có thù tức với B. A tìm B để giết nhưng không được, A liền đến nhà B chém chết mẹ của B đang bị bệnh nằm trên giường. Mặc dù hành vi giết người này bị coi là có tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người ở trong tình trạng không tự vệ được” (điểm k khoản 1 Điều 52), nhưng chúng tôi cho rằng cần phải coi trường hợp này là giết người vì động cơ đê hèn và người có hành vi giết người phải bị trừng trị theo khoản 1 Điều 123.

Trường hợp phạm tội giết người đã phân tích trên, theo quy định, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 123 có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc xử phạt ở mức độ nào là tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng trường hợp, đồng thời phải cân nhắc, đánh giá nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều 51 và 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thực tiễn xét xử cho thấy có bị cáo giết người chỉ thuộc một trong 16 trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 123 nhưng vẫn có thể bị phạt tử hình. Trong khi đó có bị cáo giết người thuộc hai, ba trường hợp quy định ở khoản 1 Điều 123 nhưng chỉ bị xử phạt dưới 20 năm tù. Vì vậy, không nên căn cứ vào số lượng các trường hợp phạm tội mà phải căn cứ vào tính chất nguy hiểm của từng trường hợp để quyết định hình phạt đối với người phạm tội như Điều 3 và Điều 50.

Nếu giết người không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 123 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. Đây là trường hợp giết người thông thường, không có các tình tiết tăng nặng định khung tăng nặng. Lẽ ra trường hợp phạm tội này phải là cấu thành cơ bản, nhưng do kỹ thuật và truyền thống lập pháp nên đối với tội giết người nhà làm luật xây dựng cấu thành tăng nặng trước, sau đó mới đến cấu thành cơ bản.

Không nên coi khoản 2 Điều 123 là cấu thành giảm nhẹ như trong một số tội xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ luật hình sự năm 1985 khi quy định về tội giết người đã chia thành 4 trường hợp, trong đó có hai trường hợp giết người thuộc cấu thành giảm nhẹ, đó là “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh” (khoản 3 Điều 101) và “giết con mới đẻ” (khoản 4 Điều 101). Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015 không quy định hai trường hợp giết người này cùng chung với tội giết người nữa mà quy định thành hai tội riêng.

Khoản 3 Điều 123 BLHS quy định: Người chuẩn bị phạm tội giết người, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Chuẩn bị phạm tội giết người là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm giết người. Khoản 3 Điều 123 là cách quy định mới của BLHS năm 2015. Bởi lẽ, trong BLHS năm 1999, hành vi chuẩn bị phạm tội giết người chỉ được quy định chung (với nội dung là: Chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện) trong phần chung của BLHS, không được quy định trong một khoản của từng tội phạm, phần các tội phạm của BLHS. Cách quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và áp dụng quy định của BLHS nói chung và quy định của BLHS về Tội giết người nói riêng.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 123 thì người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Đây là hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính Tòa án có thể áp dụng trong những trường hợp cần thiết.

Đối với tội giết người, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thì không thể áp dụng hình phạt bổ sung vì các hình phạt bổ sung là hình phạt phải thi hành sau khi chấp hành xong hình phạt tù, nếu áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị án tử hình sẽ trở thành vô nghĩa.

Riêng đối với hình phạt tù chung thân cũng có ý kiến cho rằng, Tòa án có thể áp dụng hình phạt bổ sung, vì người bị phạt tù chung thân có thể được giảm thời hạn tù và trên thực tế chưa có người nào bị phạt tù chung thân lại ở tù suốt đời, việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ là cần thiết và như vậy mới bảo đảm tính công bằng với người bị phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, hình phạt tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, nếu Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội thì khi tuyên án Tòa án không thể quyết định cấm cư trú hoặc quản chế người phạm tội mấy năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù, quyết định như vậy xét về góc độ pháp lý là không chính xác, không ai biết được người phạm tội bị phạt tù chung thân đến khi nào thì họ chấp hành xong hình phạt tù.

Trừ trường hợp Bộ luật hình sự quy định “người bị phạt tù chung thân nếu được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn thì Tòa án sẽ áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ” hoặc “hình phạt bổ sung nếu áp dụng với người bị phạt tù chung thân thì hình phạt bổ sung sẽ được thi hành nếu người bị kết án được giảm hình phạt xuống tù có thời hạn theo quy định của Bộ luật hình sự”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào về việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân, nên Tòa án không thể áp dụng hình phạt bổ sung đối với họ.

—–***——

Tham khảo:

Bình Luận Khoa Học: BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II (Từ trang 7 đến trang 40) – Đinh Văn Quế

Bình luận tội giết người theo BLHS năm 2015 – Tạp chí Kiểm sát số 13,14/2018 – Đỗ Đức Hồng Hà – Ngô Duy Thi

Điều 168. Tội cướp tài sản

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Định nghĩa: Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản.

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

  1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Người phạm tội cướp tài sản phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

  1. Các dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm

Đối với tội cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ánh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm sở hữu” mà nên xếp vào Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích.

Cách lý giải này có nhiều yếu tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải được vì sao tội tham ô lại xếp vào Mục A “các tội phạm về tham nhũng” trong Chương “các tội phạm chức vụ”, mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản? Trong khi đó, xét về góc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” nhưng cũng có nước xếp vào Chương “các tội xâm phạm sở hữu” như Việt Nam. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào chương này hay chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội cướp tài sản.

Do tội cướp tài sản cùng lúc xâm phạm đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.

  1. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm

c) Hành vi dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém… Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỷ lệ thương tật). Ví dụ: Lê Xuân H dùng tay bóp cổ bà M để chiếm đoạt chiếc dây chuyền vàng và một đôi hoa tai của bà M trong lúc bà M đang ngủ. Tuy bà M bị H bóp cổ nhưng không để lại thương tích, cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe và không có tỷ lệ thương tật, nhưng hành vi của H vẫn được coi là hành vi dùng vũ lực.

Nói chung, người phạm tội dùng vũ lực chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội cho rằng họ cản trở việc cướp tài sản. Người có trách nhiệm về tài sản có thể có mặt tại nơi xảy ra vụ cướp, nhưng cũng có thể không có mặt ở nơi xảy ra vụ cướp tài sản, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Ví dụ: Đặng Hải Q, Nguyễn Lâm B và Lưu Ngọc C bàn bạc vào kho của Công ty vật tư thương mại khống chế thủ kho để chiếm đoạt hàng hóa trong kho. Khi đi Q mang theo súng K54, B mang theo một dao găm, còn C lái xe lam để chuyên chở tài sản chiếm đoạt được. Khi đến kho, chúng không gặp thủ kho nên đã phá khóa vào kho khuân tài sản ra xe lam do C lái. Trong khi chúng đang khuân tài sản lên xe thì thấy có hai người đi xe máy qua, sợ bị phát hiện, Q đã dùng súng bắn về phía hai người đi xe máy làm hai người này sợ hãi phải quay xe chạy. Sau đó chúng tiếp tục lấy thêm một số tài sản rồi tẩu thoát. Trong trường hợp này, tuy B, Q và C không trực tiếp dùng vũ lực với người có trách nhiệm về tài sản và người có trách nhiệm về tài sản cũng không có ở nơi xảy ra vụ án, nhưng hành vi của các bị cáo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản vì chúng đã có hành vi dùng vũ lực với người mà chúng cho rằng cản trở việc thực hiện tội phạm của chúng.

Đối với những vụ cướp có nhiều người cùng tham gia (đồng phạm), không nhất thiết tất cả những người tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe dọa dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là dùng vũ lực. Ví dụ: Đào Văn T, Trần Văn H và Bùi Công D rủ nhau chặn đường để cướp xe máy. Khi anh Đinh Văn K là người làm nghề xe thồ (xe ôm) đi qua, H và D đến giả vờ hỏi anh K, còn T dùng thanh sắt mang theo đánh mạnh vào đầu anh K rồi cả bọn cướp xe bỏ chạy. Mặc dù chỉ một mình T có hành vi dùng vũ lực, nhưng hành vi của H và D cũng bị coi là hành vi dùng vũ lực, cả T, H và D đều phạm tội cướp với vai trò cùng là người thực hành. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, gặp phải trường hợp này, nhiều người cho rằng chỉ có T là người thực hành còn D và H chỉ là người giúp sức.

b) Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc

Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức.

Đe dọa dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe dọa, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe dọa người bị hại, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực. Ví dụ: Nguyễn Văn L gặp chị Trần Thị H trên một đoạn đường vắng, L lao ra chặn chị H lại, túm cổ áo chị H, đồng thời rút dao trong người ra dí vào cổ buộc chị H phải cởi dây chuyền, hoa tai đưa cho L. Hành vi của L phải coi là hành vi dùng vũ lực chứ không phải là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc.

Việc xác định thế nào là đe dọa dùng vũ lực không khó bằng việc xác định thế nào là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu đe dọa dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không trong trường hợp người bị hại không giao tài sản lại là một vấn đề phức tạp. Thông thường người phạm tội không bao giờ nhận là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để người phạm tội lấy tài sản. Vì vậy để xác định trường hợp người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hay không, ngoài lời khai của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào các tình tiết khác của vụ án như: không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc; công cụ, phương tiện phạm tội người phạm tội sử dụng… Ví dụ: trong đêm tối, trên một đoạn đường vắng, một người dùng dao dí vào cổ người khác, yêu cầu người này phải giao tài sản cho mình, nếu không sẽ giết. Ngay lúc đó có tổ tuần tra phát hiện nên bắt được người phạm tội. Trong trường hợp dù người phạm tội có khai rằng, chỉ có ý định dọa chứ không có ý định dùng vũ lực với người bị hại thì cũng không có căn cứ để tin lời khai của người phạm tội là đúng, mà trường hợp này phải xác định người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc.

c) Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi không phải dùng vũ lực, cũng không phải đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Để xác định hành vi này, trước hết phải xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị tấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được.

Ví dụ: A bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để B uống, sau khi uống nước, B đã ngủ say không biết gì, do đó A mới chiếm được tài sản của B. Thực tiễn xét xử, không chỉ xảy ra trường hợp người phạm tội cho người hại uống thuốc ngủ, mà nhiều trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn nguy hiểm như xịt ete, cho người bị hại uống thuốc mê, thậm chí cả thuốc độc làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp người phạm tội tìm cách chuốc rượu cho người bị hại uống thật say để chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xác định hành vi này là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, các văn bản pháp luật hình sự, cũng như các hướng dẫn về tội cướp tài sản (tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng của công dân) chỉ quy định cướp là dùng bạo lực để chiếm mà không quy định trường hợp đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Tại Điều 4 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970 và tại Điều 3 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21-10-1970 đều chỉ quy định “kẻ nào dùng bạo lực để chiếm đoạt…”.

Do thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội không dùng bạo lực (vũ lực), mà dùng những thủ đoạn cũng rất nguy hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cưỡng đoạt hoặc tội trộm cắp thì không tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nên khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985, nhà làm luật đã đưa vào cấu thành của tội cướp (cướp tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân) một số hành vi là dấu hiệu khách quan của cấu thành, như: đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015 vẫn giữ nội dung này, chỉ hoán vị từ “dùng ngay tức khắc vũ lực” thành “dùng vũ lực ngay tức khắc”.

Theo quan niệm truyền thống thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, không cần có hậu quả xảy ra là tội phạm đã hoàn thành. Quan niệm này chỉ đúng đối với trường hợp tội cướp tài sản được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực hoặc bằng hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, nhưng đối với trường hợp bằng hành vi khác thì tội cướp tài sản không hẳn là tội phạm có cấu thành hình thức.

Ví dụ: A muốn chiếm đoạt tài sản của B bằng cách bỏ thuốc mê vào trong cốc nước cho B uống với ý thức sau khi uống, B sẽ bị mê không biết gì nữa, A sẽ gỡ dây chuyền vàng, nhẫn vàng, đồng hồ của B; nhưng B phát hiện trong nước có mùi lạ nên không uống, do đó A không chiếm đoạt được tài sản của B. Trong trường hợp này, A đã thực hiện hết các hành vi khách quan của cấu thành, nhưng hậu quả không xảy ra ngoài ý thức chủ quan của A.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nếu coi trường hợp phạm tội này là tội phạm đã hoàn thành rõ ràng không phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm. Ở một số nước, trong đó có những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, không coi hành vi dùng thuốc mê, thuốc ngủ… làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được để chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản mà coi hành vi này là tội trộm cắp với thủ đoạn xảo quyệt hoặc nguy hiểm. Nếu coi hành vi này là hành vi phạm tội trộm cắp tài sản thì rõ ràng trường hợp phạm tội của A đối với B vừa nêu trên phải coi là phạm tội chưa đạt.

Nếu như trước đây, việc xác định tội phạm chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc quyết định hình phạt, vì theo khoản 3 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng”. Nhưng theo quy định tại Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015, việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Theo khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Việc nhà làm luật đưa vào cấu thành tội cướp tài sản dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” đã làm cho việc xác định thời điểm hoàn thành của tội cướp có những quan điểm trái ngược nhau.

Có ý kiến cho rằng, dù có đưa thêm vào trong cấu thành dấu hiệu mới cũng không làm thay đổi bản chất của tội cướp tài sản, nên tội cướp tài sản không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, mà chỉ có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, do nhà làm luật thêm vào cấu thành tội cướp dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” nên tội cướp tài sản vừa là tội có cấu thành hình thức, vừa là tội có cấu thành vật chất. Nếu người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức; còn nếu người phạm tội có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất và như vậy tội cướp tài sản có giai đoạn phạm tội chưa đạt, đó là trong trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành nhưng vì lý do khách quan nên tội phạm vẫn không xảy ra theo ý muốn của người phạm tội.

d) Hậu quả của tội phạm

Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

Do khách thể của tội cướp là hai quan hệ xã hội (quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân) nên tội cướp tài sản được gọi là tội ghép và do đó hậu quả của tội cướp tài là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A dùng dao đâm B bị thương để cướp chiếc xe máy của B, trong trường hợp này, hậu quả do A gây ra cho B vừa là tài sản (chiếc xe máy) vừa là sức khỏe (B bị thương tích). Cũng có trường hợp thiệt hại gây ra vừa là tài sản vừa là danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A có ý định chiếm đoạt chiếc dây chuyền vàng của chị H, A đã nấp trong bụi cây chờ chị H đi qua, A lao ra ôm vật chị H và giật chiếc dây chuyền vàng trên cổ của chị H. Trong lúc vật lộn, A đã xé rách áo ngoài, áo lót của chị H, làm chị H phải ở trần chạy về trước sự chứng kiến của nhiều người.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản, nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người. Tuy nhiên, nếu sau khi đã cướp tài sản bị đuổi bắt mà người phạm tội giết người để tẩu thoát thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khỏe thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.

Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về nhân phẩm, danh dự mà hành vi xâm phạm của người phạm tội không có liên quan gì đến mục đích chiếm đoạt thì ngoài tội cướp tài sản, người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc đón đường, nếu ai đi xe máy qua sẽ cướp. Khi thấy chị L đi xe máy qua, chúng chặn xe rút dao găm ra để đe dọa buộc chị L phải giao xe cho chúng. Sau khi cướp được xe, và C lấy xe chở nhau bỏ chạy, còn A ở lại dùng dao khống chế chị L để B và C chạy thoát. Trong khi khống chế chị L A nảy ý định giao cấu với chị L nên A buộc chị L phải cho A giao cấu nếu không A sẽ giết. Do quá sợ hãi nên chị L buộc phải để cho A giao cấu.

  1. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu có hành vi tấn công nhưng động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tùy vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo cáo tội tương ứng. Riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những trường hợp khi tấn công, người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản mà vì động cơ mục đích khác như để trả thù, nhưng sau khi đã thực hiện hành vi tấn công, người bị tấn công bỏ chạy để lại tài sản, người có hành vi tấn công lấy tài sản đó, đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cướp tài sản trong trường hợp này rõ ràng là không chính xác.

Ví dụ: khoảng 21 giờ ngày 15-10-1996, trên đường từ thôn Trung Đức, xã Hợp Đức về xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Phạm Văn Hiếu gặp Đặng Bá Hùng; Hiếu rủ Hùng về nhà Hiếu chơi, Hùng đồng ý. Hiếu chở Hùng bằng xe đạp của mình, khi đến ngang khu vực kho lương thực xã Hòa Nghĩa, theo lời khai của Hùng và Hiếu thì do đường xấu nên Hiếu vấp phải ổ gà làm cho xe đạp bị đổ, Hùng ngồi sau bị ngã. Cùng lúc đó có một thanh niên mà sau này Hiếu và Hùng mới biết là Nguyễn Văn Mạnh người cùng xóm, đi xe đạp mini Nhật từ phía sau đâm vào xe của Hiếu. Hùng ở phía sau túm tóc và đánh Mạnh, Hiếu thấy vậy cũng lao vào đấm đá Mạnh làm Mạnh lao xuống bờ ruộng, Hùng lao theo đấm đá và dùng tay bóp cổ Mạnh. Anh Mạnh chống cự quyết liệt và hô “Cướp! Cướp!”. Hiếu thấy xe của Mạnh để trên đường nên đã lấy đạp đi luôn, còn Hùng ở lại vẫn đánh nhau với Mạnh và bị Mạnh dùng gạch đập vào đầu làm Hùng bị choáng. Nhân dân trong làng nghe tiếng hô cướp liền chạy ra đưa cả hai đi cấp cứu ở trạm xá. Sau khi điều trị, kết quả giám định pháp y kết luận anh Mạnh bị giảm sức khỏe 2%. Về phần Hiếu, sau khi lấy được xe đạp của anh Mạnh, Hiếu đem đến chòi cá cách nơi xảy ra sự việc khoảng 1km cất giấu và ngủ luôn ở chòi cá. Sáng hôm sau nghe tin Hùng bị bắt, Hiếu đã ra tự thú và nộp lại chiếc xe đạp để trả lại cho anh Mạnh; gia đình Hiếu đã bồi thường cho anh Mạnh 500.000 đồng tiền thuốc điều trị vết thương.

Tại bản án sơ thẩm số 19 ngày 30-1-1997, Tòa án nhân dân thành phố H áp dụng điểm c khoản 2 Điều 151; điểm h khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985, phạt Đặng Bá Hùng 4 năm tù, Phạm Văn Hiếu bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm, đều về tội cướp tài sản của công dân.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Đặng Bá Hùng kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cho mình vì Hùng cho rằng y không có ý định chiếm đoạt chiếc xe đạp của anh Mạnh mà việc này là ý đồ riêng của Hiếu.

Tại bản án phúc thẩm số 1007 ngày 28-6-1997, Tòa án phúc thẩm giảm hình phạt cho Đặng Bá Hùng xuống còn 3 năm tù và cho hưởng án treo về tội cướp tài sản của công dân.

Các bị cáo đánh anh Mạnh không phải nhằm mục đích lấy chiếc xe đạp của anh mà là vì anh Mạnh đụng xe vào xe của các bị cáo. “Do đường xấu nên Hiếu và Hùng dắt xe đi bộ. Cùng lúc đó anh Nguyễn Văn Mạnh đi xe đạp mini Nhật từ phía sau đến, bánh trước xe đạp của anh Mạnh va vào bánh sau xe đạp của Hiếu. Từ việc này Hùng đã đánh anh Mạnh, Hiếu cũng xông vào đánh anh Mạnh.” Như vậy cả Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công, do đó cũng không có căn cứ để xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo là hành vi thuộc dấu hiệu khách quan của cấu thành tội cướp. Việc Hiếu lấy xe của anh Mạnh là do Hiếu lợi dụng lúc anh Mạnh đang đánh nhau với Hùng không thể giữ được xe, nên Hiếu mới lấy đi và khi phát hiện thấy Hiếu đã lấy xe của mình, anh Mạnh hô cướp cũng là lẽ thường tình. Hành vi của Hiếu chỉ là hành vi thái quá của một người cùng gây thương tích cho anh Mạnh và hành vi này không cấu thành tội cướp tài sản của công dân, mà là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với Đặng Bá Hùng, sau khi Hiếu đã lấy xe đạp của anh Mạnh, Hùng còn tiếp tục tấn công anh Mạnh để Hiếu chạy thoát, thì cũng không vì thế mà cho rằng Hùng đồng phạm với Hiếu về tội công nhiên chiếm đoạt với vai trò giúp sức, vì giúp cho kẻ phạm tội tẩu thoát không có nghĩa là đồng phạm với họ về hành vi phạm tội mà họ thực hiện, vì ý định chiếm đoạt của Hiếu cũng như hành vi chiếm đoạt của Hiếu, Hùng chỉ chứng kiến mà không được bàn bạc từ trước.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Đặng Bá Hùng và Phạm Văn Hiếu về tội cướp tài sản rõ ràng là không chính xác, không đúng với ý thức chủ quan của người phạm tội.

Đối với trường hợp sau khi giết người, người phạm tội mới thấy tài sản của nạn nhân nên đã chiếm đoạt tài sản đó, thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đều truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tài sản này là tội cướp tài sản. Ví dụ: Nguyễn Văn M ngoại tình với Lê Thị H là vợ của anh Đặng Văn N. M và H bàn bạc giết anh N để hai người được tự do “quan hệ” với nhau. Một hôm anh N đi làm về, M và H nấp ở bụi cây ven đường chờ sẵn, thấy N liền xông qua dùng dao găm đâm chết anh N. Hành động xong, H bỏ về nhà, còn M ở lại giấu xác nạn nhân nhằm trốn tránh pháp luật. Trong lúc giấu xác nạn nhân, M thấy trong túi anh N có 5 triệu đồng và một đồng hồ Seiko nên M đã chiếm đoạt số tài sản này của nạn nhân. Trong vụ án này, lúc đầu M chỉ có ý định giết nạn nhân, thấy nạn nhân có tài sản M mới nảy sinh ý định chiếm đoạt, do đó không thỏa mãn dấu hiệu chủ quan của cấu thành tội cướp tài sản.

Một số nước, trong đó có Liên Xô (cũ) coi hành vi chiếm đoạt tài sản của người đã chết là hành vi trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản, thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự coi trường hợp này là trường hợp “chuyển hóa” từ tội phạm này sang tội phạm khác. Ví dụ: Tuấn, Thảo và Hùng rủ nhau đến nhà anh Q để trộm cắp. Khi bọn chúng đang bê chiếc tivi ra khỏi nhà, bị anh Q phát hiện lao ra giằng lại chiếc tivi thì bị tên Hùng dùng dao găm đâm vào tay anh Q một nhát, sau đó chúng tiếp tục bê chiếc tivi bỏ chạy.

Như vậy, mục đích giữ lại tài sản sau khi đã chiếm đoạt được bằng cách dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được cũng là cướp tài sản. Tuy nhiên thực tiễn xét xử, việc phân biệt thế nào là hành hung để tẩu thoát với hành hung để cố tình giữ lại tài sản trong một số trường hợp rất khó, vì nó xảy ra một cách đan xen liên tiếp nhau, nhất là đối với tài sản gọn nhẹ có thể bỏ túi được.

Theo quan niệm truyền thống và thực tiễn xét xử thì được coi là chuyển hóa từ tội phạm khác sang tội cướp tài sản nếu người phạm tội đã có tài sản trong tay, bị chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản giành giật lại tài sản mà người phạm tội cố tình dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ bằng được tài sản đã chiếm được. Đối gọn nhẹ, người phạm tội có thể bỏ túi được, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết tài sản người phạm tội chiếm đoạt trước đó để ở đâu nhưng vẫn đuổi theo nhằm bắt người phạm tội, đồng thời lấy lại tài sản bị chiếm đoạt. Trong quá trình đuổi bắt, bị người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với người đuổi bắt thì không bị coi là chuyển hóa thành tội cướp tài sản, mà chỉ coi hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi hành hung để tẩu thoát.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan niệm và thực tiễn xét xử như vậy không phù hợp với lý luận về sự chuyển hóa, vì xét từ khía cạnh nào thì người phạm tội cũng không chịu bỏ lại tài sản để tẩu thoát, nên phải coi việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để tẩu thoát có mang theo tài sản là chuyển hóa thành tội cướp tài sản; chỉ coi là hành hung để tẩu thoát khi người phạm tội vứt bỏ lại tài sản, chỉ chạy thoát thân.

Trường hợp người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực vừa nhằm mục đích trả thù vừa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, nếu hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng người bị hại thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội giết người.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Cướp tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Theo quy định tại khoản 1 Điều 168, thì người phạm tội cướp tài sản không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 168 thì bị phạt từ 03 đến 10 năm tù. Khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự là sự cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản, là tội phạm rất nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật hình sự (từ Điều 50 đến Điều 59). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

– Người phạm tội dùng vũ lực phải bị phạt nặng hơn người chỉ đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc;

– Người phạm tội dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của nạn nhân có tỷ lệ thương tật dưới 11% phải bị phạt nặng hơn người phạm tội không gây thương tích hoặc không gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân;

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội không có tình tiết tăng nặng;

– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm được tài sản.

  1. Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình

a) Cướp tài sản có tổ chức

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự).

Trong vụ án cướp tài sản có tổ chức, cũng như trong các vụ án hình sự khác có tổ chức, tùy thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Lý luận cũng như thực tiễn xét xử đã khẳng định, hành vi thái quá của người thực hành trong vụ án có đồng phạm và hậu quả do hành vi thái quá đó gây ra chỉ người thực hành phải chịu trách nhiệm hình sự còn những người đồng phạm khác không phải chịu về việc “thái quá” đó. Như vậy, khi nghiên cứu tình trạng loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác đối với hành vi thái quá của người thực hành, chúng ta chỉ có thể nghiên cứu nội dung của sự “thái quá” mà người thực hành đã gây ra, từ đó xác định trách nhiệm hình sự của người thực hành về hành vi thái quá đó mà loại trừ trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm khác.

Hành vi thái quá của người thực hành là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi tội phạm mà những người đồng phạm khác không mong muốn. Ví dụ: Trần Q A, Nguyễn Văn C, Bùi Quốc T, Bùi Quốc L vì thua bạc nên Bùi Quốc T bàn bạc với đồng bọn về nhà mình dọa mẹ của T để buộc mẹ của T phải đưa chìa khóa mở tủ lấy tiền tiếp tục đi đánh bạc, cả bọn đồng ý. Vì T và L là anh em và là con của bà M, nên chúng giao cho A và C trực tiếp thực hiện. Trước khi đi cả bọn thống nhất chỉ dọa bà M để bà đưa chìa khóa tủ chứ không được làm bất cứ điều gì gây đau đớn cho bà. T và L còn nói, nếu má tao có sao chúng mày đừng có trách. Sau khi đã bàn bạc thống nhất, vào lúc nửa đêm A và C lẻn vào nhà bà M, lợi dụng lúc bà M đang ngủ, A dùng tay chẹn vào cổ bà M, còn C dọa: “Chìa khóa tủ để ở đâu không đưa ngay chúng tao sẽ giết!”. Bị tấn công bất ngờ, bà M không kịp trở tay buộc phải đưa chùm chìa khóa cho C. Trong lúc C đang mở tủ để lục soát tìm tiền, thì A dùng một quả chanh nhét vào miệng bà M và lấy khăn bịt miệng bà M lại, nhưng vì bà M giãy giụa làm quả chanh trong miệng bật ra, đồng thời bà M kêu cứu. Sợ bị lộ, A vật bà M xuống rồi ngồi lên bụng bà, rồi dùng tay bóp cổ bà cho đến khi bà M không còn giãy giụa nữa y mới bỏ tay ra. C thấy A hành động như vậy, hỏi sao mày làm như vậy, thì A trả lời, bà ấy chỉ xỉu thôi không chết đâu mà sợ, cùng lúc này C đã lục tủ lấy được bọc tiền của bà M rồi cả hai bỏ chạy ra điểm hẹn với T và L. Thấy A và C tới, T hỏi ngay má tao có sao không, cả A và C đều trả lời không việc gì hết. T bảo L về nhà xem tình hình, còn T, A và C tiếp tục đi đánh bạc. Khi L về nhà thấy má mình bất động đã đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng bà M đã chết. Trong ví dụ này, ngay từ khi bàn bạc phạm tội cướp tài sản, chúng thống nhất chỉ làm cho bà M sợ để bà đưa chìa khóa tủ, nhưng trong khi thực hiện tội phạm, A đã có hành vi thái quá làm cho bà M bị chết, vì vậy chỉ có A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, còn C, T L chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi thái quá của người thực hành không chỉ đơn giản mà nó được thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau như: lúc đầu chỉ bàn cướp nhưng khi thực hiện lại giết người; lúc đầu chỉ bàn đánh cho một trận nhưng khi thực hiện lại lấy tài sản của người bị đánh. Chính vì tội phạm xảy ra muôn hình muôn vẻ nên khoa học luật hình sự chia hành vi thái quá ra làm hai loại chính: thái quá về chất lượng của hành vi và thái quá về số lượng của hành vi.

Cần chú ý rằng, khi đã xác định vụ án được thực hiện có tổ chức thì tất cả những người trong vụ án đều bị áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức”. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với từng người còn tùy thuộc vào vai trò của họ trong vụ án như đã phân tích ở trên.

b) Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp

Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho mình.

Bộ luật hình sự coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và trong một số tội phạm quy định là tình tiết định khung hình phạt. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.

Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở nay không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, có tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: Hoàng Văn N là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên trộm, cướp để sinh sống. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp. Ví dụ: Trần Văn Đ là học sinh lớp 12, bị kỷ luật đuổi học, Đ đã rủ Bùi Văn C dùng dao nhọn Thái Lan liên tiếp gây ra hai vụ cướp xe đạp trước cổng công viên. Hành vi của Đ và C chỉ bị coi là phạm tội nhiều lần chứ không bị coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội nhiều lần đều giống nhau ở điểm, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (từ hai lần trở lên), nhưng khác nhau là khi phạm tội nhiều lần, người phạm tội không lấy việc phạm tội là phương tiện kiếm sống và họ chỉ phạm một tội, nhưng tội phạm đó được thực hiện nhiều lần. Còn phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có phạm tội có thể chỉ phạm một tội, nhưng có thể phạm nhiều tội với nhiều lần khác nhau, nhưng lại lấy việc phạm tội là phương tiện kiếm sống thường xuyên.

Cũng có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp một người chỉ phạm một tội, nhưng được thực hiện nhiều lần trong một thời gian nhất định mà hành vi phạm tội đó được lặp đi, lặp lại thì cũng phải coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội phải lấy việc phạm tội làm phương tiện kiếm sống. Quan điểm này không có cơ sở khoa học, và nếu cứ coi trường hợp phạm tội nhiều lần nào cũng là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì không thể lý giải được sự khác nhau giữa phạm tội có tính chất chuyên nghiệp với phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp không chỉ phạm tội cướp tài sản nhiều lần, mà người phạm tội còn phải lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho bản thân. Do đó, sự khác nhau giữa tình tiết là yếu tố định khung với tình tiết tăng nặng về trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp chính là ở điểm này.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

Người phạm tội cướp tài sản nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm phạm đến người bị hại mà có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 168.

Thương tích của người bị hại hoặc của người khác bao gồm cả thương tích do hành vi dùng vũ lực hoặc do hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản và thương tích do hành vi hành hung để tẩu thoát gây nên. Ví dụ: A dùng một đoạn cây chọc vào bánh xe đạp của B làm cho B bị ngã xe nhằm cướp xe của B, nhưng vì có nhiều người, nên A chưa lấy được xe của B thì phải bỏ chạy. B cùng mọi người đuổi bắt A, nên đã bị A dùng đoạn cây đánh mạnh vào đầu B làm cho B bị thương. Thương tích của B khi bị ngã xe chỉ có 4% nhưng thương tích bị A dùng cây đánh vào đầu là 21%, tổng thương tích của B là 25%.

Nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 11% đến 30% thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm đ khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự.

Tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc của người khác phải do Hội đồng giám định pháp y xác định. Vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định pháp y nếu người bị hại và những người khác bị thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe để làm căn cứ xác định người phạm tội bị truy cứu theo khoản nào của Điều 168.

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác

Trong các vụ án cướp tài sản, có trường hợp người phạm tội chỉ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản mà không cần sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy có nhiều trường hợp người phạm tội cướp tài sản sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm đối với người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc người phạm tội sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại được coi như một trường hợp phạm tội cướp tài sản có tính chất và mức độ nguy hiểm hơn người phạm tội không sử dụng vũ khí, sử dụng phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác đối với người bị hại.

Vũ khí, theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định 1996 của Chính phủ) bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể h số 47/CP ngày 12-8- thao, súng săn và vũ khí thô sơ.

Vũ khí quân dụng là các loại súng trường, súng ngắn, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hóa chất độc và nguồn phóng xạ; các loại đạn, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ quân dụng, hỏa và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng – an ninh.

Vũ khí thể thao là các loại súng trường, súng ngắn thể thao chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

Vũ khí thô sơ là dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại ba, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định. Tuy nhiên, cho đến nay ngoài các loại vũ khí thô sơ được quy định tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như trên thì Bộ Công an chưa có quy định thêm các loại vũ khí thô sơ khác.

Khi áp dụng tình tiết sử dụng vũ khí đối với người phạm tội cướp tài sản cần lưu ý:

– Nếu người phạm tội có mang vũ khí nhưng không sử dụng vũ khí trong khi thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì không coi là sử dụng vũ khí để cướp. Ví dụ: A luôn có một khẩu súng K54 giấu trong người, trong lúc đang ngồi uống bia với B và C, cả ba rủ nhau ra bến xe để hoạt động phạm tội. Khi ra bến xe, chúng phát hiện một phụ nữ bế con nhỏ vào nhà vệ sinh công cộng, cả ba bám theo. B đến gần nói” cho chúng tao ít tiền”. Chị M thấy A, B, C đứng vây quanh mình, định kêu cứu thì bị B dùng tay bịt miệng chị M, còn A ôm chị M để C lục soát lấy được 3.000.000 đồng của chị M. Trong trường hợp này, tuy A có vũ khí trong người, nhưng không sử dụng vũ khí để dọa chị M, nên trường hợp phạm tội cướp tài sản của A, B, C không phải là sử dụng vũ khí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự, mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 168.

– Nếu người phạm tội sử dụng loại vũ khí đã mất tính năng tác dụng như súng hỏng, lựu đạn đã tháo kíp nổ.. nhưng người bị hại không biết thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội có sử dụng vũ khí, kể cả trường hợp người phạm tội biết vũ khí đó mất tác dụng nhưng vẫn có ý thức sử dụng để đe dọa người bị hại. Ví dụ: Võ Minh Tân và Võ Đức An (bị cụt cả hai chân và là hai bác cháu). Tân nghe nói anh Ngô Văn Nghĩa trúng số đề nên bảo An đến nhà anh Nghĩa “xin” tiền. An đồng ý. Đúng 19 giờ, ngày 17-6-1989, Tân đến nhà An, An lấy súng Colt 45 giấu vào người rồi bảo Tân bồng y lên xe lăn và nay đến nhà anh Nghĩa. Đến nơi, An gọi anh Nghĩa ra bảo phải đưa cho bọn y 20.000 đồng. Anh Nghĩa không đưa mà mời An vào nhà uống nước. An không vào mà rút súng ra chĩa thẳng vào người anh Nghĩa buộc anh Nghĩa phải đưa tiền. Anh Ngô Bá Hành thấy vậy đã khuyên can An không được làm thế, nhưng An càng làm hung dữ, la chửi, đe dọa bắt anh Nghĩa phải đưa tiền. Bà con cạnh nhà anh Nghĩa thấy vậy đã đánh kẻng báo động; nhân dân trong xóm kéo đến vây bắt quả tang cùng với khẩu súng Colt 45 đã gỉ, không có băng đạn và cũng không có đạn. Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, An thừa nhận khẩu súng Colt 45 y nhặt được đem về giấu cất trong nhà, đã lâu không lau chùi nên đã gỉ, súng không có băng đạn và không có đạn. Khi được Tân rủ đi xin tiền, y lấy đem theo để dọa anh Nghĩa bắt phải đưa tiền. Mặc dù không có đạn, nhưng người bị hại và những người khác vẫn tin rằng súng đó có đạn và quá sợ hãi thì hành vi sử dụng súng đó thực sự đã gây nguy hiểm cho xã hội. Nếu người bị hại biết súng của An không có đạn thì cũng không có việc sợ hãi và bà con trong xóm cũng không việc gì phải đánh An và đồng bọn.

– Nếu người phạm tội sử dụng vũ khí giả như súng nhựa, súng gỗ để đe dọa người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản và người bị hại cũng tưởng súng thật nên quá sợ hãi mà giao tài sản cho người phạm tội thì không thuộc trường hợp cướp có sử dụng vũ khí, vì súng giả không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 168 nhưng thuộc trường hợp “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác”.

– Người phạm tội sử dụng vũ khí để cướp tài, ngoài việc bị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 168, nếu vũ khí đó là vũ khí quân dụng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 230.

Phương tiện nguy hiểm là những vật mà người phạm tội sử dụng khi cướp tài sản có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại như: các loại dao (dao bầu, dao nhọn, dao rựa, dao quắm, dao phát bờ, lưỡi lam, móc sắt.); các loại chất độc, chất cháy (ete, thuốc mê, thuốc ngủ, axít, chất phóng xạ..)…

Sử dụng phương tiện nguy hiểm là hành vi của người phạm tội thông qua những vật chứa đựng tính nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Việc đánh giá những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người không phụ thuộc vào cách sử dụng những vật đó như thế nào, mà chỉ cần xác định tính năng, tác dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, là người phạm tội cướp tài sản đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 168.

Thực tiễn xét xử cho thấy, các vụ cướp tài sản, người phạm tội có sử dụng phương tiện nguy hiểm, nhưng các phương tiện đó hầu hết là vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, do Bộ Công an chưa có quy định các loại vũ khí thô sơ ngoài quy định tại Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ, nên vẫn còn nhiều vật chứa đựng tính nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người mà người phạm tội sử dụng khi thực hiện hành vi cướp tài sản. Do đó, khi áp dụng tình tiết này cần chú ý:

– Nếu các vật đã được quy định tại Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ là vũ khí thô sơ thì cần xác định là người phạm tội sử dụng vũ khí. Chỉ coi là sử dụng phương tiện nguy hiểm nếu những vật đó chưa được Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996 của Chính phủ quy định là vũ khí thô sơ.

– Mặc dù điều luật quy định phương tiện nguy hiểm, nhưng không vì thế mà cho rằng chỉ những vậy dùng vào việc chuyên chở mới là phương tiện, mà phương tiện còn bao gồm cả những vật mà người phạm tội thông qua đó mà tác động người bị hại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dùng thuật ngữ phương tiện nguy hiểm dễ làm cho mọi người hiểu rằng đó là những phương tiện chuyên chở như xe máy, ô tô, tàu thuyền chứ không phải những vật dụng. Theo ý kiến này thì nên dùng thuật ngữ sử dụng công cụ nguy hiểm để không bị nhầm với phương tiện chuyên chở.

Thủ đoạn nguy hiểm là cách thức người phạm tội sử dụng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại và những người khác như: bỏ thuốc độc vào bể nước uống; dùng dây siết cổ nạn nhân; dìm nạn nhân xuống nước; dùng dây chăng qua đường khi người bị hại đi xe máy qua vướng vào dây bị ngã để cướp xe máy; dùng khóa dây, xích sắt vụt nạn nhân để cướp tài sản…

Tính nguy hiểm của những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng không phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, có thể phương tiện sử dụng không chứa đựng khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe nhưng do người phạm tội biết cách sử dụng những phương tiện đó nên tạo ra khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác. Ví dụ: quả chanh và chiếc khăn mùi soa, bản thân nó không chứa đựng khả năng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại nhưng người phạm tội dùng quả chanh nhét vào mồm nạn nhân và lấy khăn mùi soa bịt chặt lại thì khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại sẽ nhiều hơn. Một chiếc dây thừng, bản thân nó không chứa đựng khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người nhưng nếu người phạm tội dùng nó để siết cổ nạn nhân thì lại rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, đối với một số loại vũ khí, tính nguy hiểm cũng phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, nhưng nếu người phạm tội sử dụng nó để cướp tài sản thì vẫn thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168. Ví dụ: một viên đạn súng trường nếu để rời không lắp vào nòng súng thì không chứa đựng khả năng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người, nhưng người phạm tội sử dụng để tấn công người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản thì vẫn bị coi là sử dụng vũ khí để cướp và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự.

đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

Trong nhiều trường hợp, người phạm tội cướp tài sản mới thực hiện hành vi vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người phạm tội cướp đã lấy được tài sản. Nhưng dù người phạm tội có lấy được tài sản hay không mà tài sản đó (tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt) có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 168.

Đối với trường hợp người phạm tội lấy được tài sản, thì căn cứ vào giá bán tài sản đó tại địa phương xảy ra tội phạm để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chứ không căn cứ vào giá người bị hại mua hoặc giá người phạm tội bán cho người khác. Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành định giá để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nhất là đối với tài sản có giá trị xấp xỉ 50 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng hoặc tài sản không được lưu thông trên thị trường.

Đối với trường hợp người phạm tội chưa lấy được tài sản thì việc xác định giá trị tài sản cần phải phân biệt:

– Nếu có căn cứ xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt một loại tài sản nào đó như: định cướp chiếc xe máy của người khác, biết người bị hại vừa lĩnh 100 triệu đồng ở Ngân hàng nên chặn đường để cướp.. thì căn cứ vào giá của tài sản định cướp để xác định giá trị tài sản bị cướp.

– Nếu có căn cứ xác định người phạm tội không biết tài sản mình cướp có giá trị bao nhiêu, gồm những tài sản gì thì cũng căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để xác định giá trị tài sản bị cướp. A, B và C chặn đường xem có ai đi qua thì cướp tài sản. Bọn chúng gặp một người mặc quần áo bộ đội, đeo ba lô đi qua, cả bọn xông ra đấm đá định cướp chiếc ba lô, nhưng bị người này chống cự quyết liệt nên chúng không lấy được chiếc ba lô. Sau khi xảy ra sự việc thì biết trong ba lô của người bị hại có nhiều tài sản có giá trị lên tới 190 triệu đồng.

Tuy nhiên, có trường hợp người phạm tội bắt trói người bảo vệ và đột nhập vào kho chứa hàng trăm chiếc ti vi màu, nhưng chưa lấy được chiếc ti vi nào thì bị phát hiện. Nếu căn cứ vào giá trị toàn bộ số tivi có trong kho để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 168, nên có ý kiến cho rằng, trong trường hợp người phạm tội không xác định rõ mục đích chiếm đoạt (có gì cũng cướp) hoặc không biết rõ giá trị tài sản mà mình chiếm đoạt mà chưa lấy được tài sản thì chỉ nên truy cứu người phạm tội theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự. Vấn đề này, chắc chắn các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải thích hoặc hướng dẫn, nhưng chúng tôi cho rằng nên căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để làm căn cứ xác định giá trị tài sản bị cướp. Bởi lẽ, đối với những người phạm tội cướp tài sản, nhất là những vụ cướp có tổ chức với quy mô lớn, dùng cả ô tô, tàu thủy để làm phương tiện hàng hóa cướp được mà không căn cứ vào giá trị tài sản thật mà chúng định cướp thì không góp phần vào việc đấu tranh phòng và chống loại tội phạm nguy hiểm này.

g) Gây hậu quả nghiêm trọng

Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nói chung và phạm tội cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng là trường hợp hành vi phạm tội gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác phi vật chất. Tất nhiên những hậu quả này không phải là những tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 168, nhưng nó cũng phải tương đương với các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 168 vì nó cũng là một tình tiết được quy định trong cùng một khung hình phạt.

Đây là vấn đề không phải ai cũng nhận thức như nhau, vì có quan điểm muốn đưa ra một đại lượng chung cho tất cả các trường hợp phạm tội mà không thấy rằng mỗi tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau, cùng là gây ra hậu quả chết người, nhưng nếu do vô ý gây ra thì tính chất, mức độ nguy hiểm không thể bằng hành vi do cố ý gây ra. Nếu do vô ý làm chết một người có thể được coi là hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu do cố ý gây chết một người lại là hậu quả rất nghiêm trọng, trong một số trường hợp còn là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy khi đánh giá hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng cần phải căn cứ vào hành vi phạm tội cụ thể được quy định trong một điều khoản cụ thể; không thể có một hậu quả chung cho tất cả các tội phạm.

Căn cứ vào các quy định tại khoản 2 Điều 168, qua thực tiễn xét xử có thể coi trường hợp sau đây là trường hợp cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng:

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% không phải là do hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được (không phải là hậu quả do hành vi khách quan của cấu thành tội cướp tài sản gây nên);

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người bị thương tích từ 11% đến 30%;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật dưới 11% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, ngoài tài sản bị chiếm đoạt;

– Ngoài những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cướp tài sản gây ra, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định làm cho nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán. Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ cướp tài sản cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ: Đây là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản của những người bị hại do độ tuổi, mang thai hoặc già yếu, bệnh tật mà không có khả năng tự vệ hoặc tuy có nhưng khả năng tự vệ không cao. Việc xác định tuổi của người bị hại là người dưới 16 tuổi do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật; phụ nữ mà biết là có thai: được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Về người già yếu: hiện chưa có quy định hướng dẫn, thống nhất giải thích về đối tượng “Người già yếu”. Theo Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP thì Người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên. Còn theo quy định tại Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP thì Người già yếu là người: Từ 70 tuổi trở lên; Hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Người không có khả năng tự vệ: là người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang say ngủ, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được…

h) Tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự).

Tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội cướp tài sản hay bất cứ tội phạm nào khác giống với tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Chỉ cần xác định lần phạm tội cướp này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo đúng các quy định về tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự là được, mà không cần phải xác định lần phạm tội trước nay có phải là tội cướp tài sản hay không.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm h khoản 2 Điều 168, người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Khi áp dụng hình phạt theo khoản 2 Điều 168 đối với người phạm tội cần chú ý:

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì:

– Nếu người phạm tội cướp tài sản có nhiều tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 168, thì hình phạt phải cao hơn người phạm tội có ít tình tiết định khung hình phạt;

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì hình phạt phải nhẹ hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng thì hình phạt phải nặng hơn người không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

– Thiệt hại gây ra càng lớn thì hình phạt càng nặng và ngược lại.

Trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 168 nhưng không được dưới ba năm tù, vì theo quy định tại Điều 54 thì “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”.

  1. Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật hình sự

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 168 chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đây là tài sản có giá trị rất lớn, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 168 có khung hình phạt cao hơn khoản 2 Điều này.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%

Trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 168 chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc của những người khác từ 31% đến 60%. Đây là tỷ lệ thương tật thuộc loại rất nặng, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 168 có khung hình phạt cao hơn khoản 2 Điều này.

Tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 168, nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 31% đến 60% thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm b khoản 3 Điều 168.

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Đây là tình tiết mới được quy định so với BLHS năm 1999, tình tiết này được áp dụng không phụ thuộc vào phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 3 Điều 168 người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 168, khi áp dụng hình phạt theo khoản 3 Điều 168 đối với người phạm tội cần chú ý:

Nếu các tình tiết khác của vụ án khác như nhau thì khi quyết định hình phạt cần lưu ý đến các tình tiết khác tương tự như đã nêu ở mục 2 phần này.

Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 168, trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 168 nhưng không được dưới bảy năm tù.

  1. Cướp tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 168, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 500 triệu đồng trở lên. Đây là tài sản có giá trị đặc biệt lớn, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 168.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 168, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật của người bị hại hoặc những người khác từ 61% trở lên. Đây là trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 168.

Tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 và điểm v khoản 3 Điều 168, nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 61% trở lên thì người phạm tội cũng bị truy cứu theo điểm a khoản 4 Điều 168.

c) Làm chết người;

Cần phân biệt tình tiết này với trường hợp giết người để cướp tài sản. Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội không có ý thức giết người, hành vi dùng vũ lực của người phạm tội chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc sau khi đã cướp được tài sản, người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên người bị tấn công bị chết. Ví dụ: A, B, C trói người bảo vệ kho để cướp tài sản, nhưng sau khi chúng bỏ đi, do kho nằm ở khu vực xa dân nên người bảo vệ không được ai mở trói đã bị chết do bị khát và đói.

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi đất nước bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội cướp tài sản là trường hợp người phạm tội dựa vào các hoàn cảnh nêu trên để thực hiện tội phạm. Mức độ nguy hiểm của hành vi cướp tài sản trong trường hợp này phụ thuộc vào tính chất của hoàn cảnh chiến tranh; tính chất, mức độ của tình trạng khẩn cấp.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d khoản 4 Điều 168, người phạm tội bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân. Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168, khi áp dụng hình phạt theo khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội cần chú ý:

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì khi quyết định hình phạt cần lưu ý đến các tình tiết tương tự như đã nêu ở mục 2 phần này.

Cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168, trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 4 Điều 168 nhưng không được dưới mười hai năm tù.

  1. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội cướp tài sản, thì tại khoản 5 Điều 168 BLHS quy định người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS, thì chuẩn bị phạm tội cướp tài sản là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

  1. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp tài sản

Theo quy định tại khoản 6 Điều 168 thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cướp tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Hình phạt tiền là loại hình phạt được quy định lần đầu tại BLHS năm 1999 đối với tội cướp tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, có thể nói nay là khung hình phạt tiền đối với tội cướp tài sản. Vì vậy, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 35 mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

Tuy nhiên vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng, hình phạt bổ sung không thể có nhiều khung hình phạt, không có quy định một khung hình phạt, không có khung hình phạt nhẹ nhất và không có quy định việc chuyển sang khung hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, nên dù người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng không được áp dụng dưới mức thấp nhất mà điều luật quy định. Quan điểm này, chỉ đúng với các loại hình phạt bổ sung khác, nhưng đối với hình phạt bổ sung là hình phạt tiền thì không hẳn là như vậy, vì hình phạt tiền dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung bao giờ cũng quy định một mức từ… đồng đến… đồng, nên phải coi đó là khung hình phạt tiền và không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng quy định mức tối thiểu và mức tối đa như nhau, do đó có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt tiền.

Mặt khác, hình phạt bổ sung cũng là hình phạt nên khi quyết định hình phạt cũng phải tuân theo các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt. Đối với các loại hình phạt bổ sung khác không có trường hợp quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là vì mức tối thiểu và mức tối đa của loại hình phạt được quy định ở Phần chung Bộ luật hình sự và trong từng tội phạm ở phần điều luật đều như nhau (từ một năm đến năm năm). Ví dụ: thời hạn quản chế quy định tại Điều 43 và tại khoản 6 Điều 168 về tội cướp tài sản đều từ một năm đến năm năm, nếu quyết định hình phạt dưới một năm là trái với Điều 43. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì chỉ có thể được áp dụng một năm (mức thấp nhất của khung hình phạt) hoặc không bị áp dụng hình phạt quản chế.

Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cướp tài sản phải chú ý đến các quy định tại Điều 45 về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, nhưng là tài sản ngoài tài sản bị cướp; không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Khi áp dụng hình phạt cấm cư trú đối với người phạm tội cướp tài sản, cần quyết định hình phạt rõ cấm cư trú ở địa phương cụ thể nào (xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, tỉnh, thành phố) không nên cấm một cách chung chung là “cấm bị cáo cư trú ở thành phố, thị xã.”. Nói chung nếu đã áp dụng hình phạt quản chế đối với người phạm tội thì không áp dụng hình phạt cấm cư trú đối với họ nữa vì nội dung của hình phạt quản chế là cư trú bắt buộc, dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương, không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

—–***——

Trích từ nguồn:

Bình Luận Khoa Học

BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II

(Từ trang 283 đến trang 331)

Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế