TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH

TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH ĐIỀU 125 BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
A. NHỮNG DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi giết người là bị kích động mạnh
Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.
Việc xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia; có người bị kích động về tinh thần, thậm chí “điên lên”, nhưng cũng có người vẫn bình thường, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, và cách xử sự của mỗi người cũng rất khác nhau.
Vì vậy, không thể có sẵn một chuẩn mực để “đo” tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của con người, mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân… từ đó xác định mức độ bị kích động về tinh thần có mạnh hay không, mạnh tới mức nào.
2. Đối với người bị giết phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp, v.v..
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.
Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”. Nếu không chết và bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Như vậy, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, vì không thể xác định được mục đích của người phạm tội khi người đó trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có thể xác định người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

3. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động mạnh là mối quan hệ tất yếu nội tại, có cái này thì ắt có cái kia. Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động mạnh rồi giết người cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Nếu nạn nhân là người điên [1] hay trẻ em dưới 14 tuổi [2] có những hành vi làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, thì cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Bởi lẽ, hành vi của người điên và của trẻ em dưới 14 tuổi không bị coi là hành vi trái pháp luật, vì họ không có lỗi do họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do họ thực hiện [3]

4. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với những người thân thích của người phạm tội
Một người bị kích động mạnh về tinh thần ngoài trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với những người thân thích của mình.
Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột; anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu, v.v..
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, Tòa án cũng đã công nhận một số trường hợp tuy không phải là quan hệ huyết thống hay hôn nhân mà chỉ là quan hệ thân thuộc giống như anh em ruột. Ví dụ: Đ và M cùng ở một đơn vị bộ đội; cả hai cùng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, cả hai cùng được phục viên, nhưng gia đình M đã bị bom Mỹ sát hại hết nên Đ đã mời M đến ở chung với gia đình mình. Gia đình Đ coi M như con trong nhà, ngược lại M cũng coi gia đình Đ như gia đình mình. Một hôm, M đang chặt cây thì có người gọi “Về nhà ngay! Mẹ của Đ bị đánh què chân rồi”. M vội cầm dao chạy về thì được biết T là người đánh mẹ Đ, M liền cầm dao sang nhà T chém liên tiếp vào đầu làm T chết tại chỗ.

1. Trường hợp giết một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 125)
Trong trường hợp chỉ có một người bị giết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 125 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
2. Trường hợp giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2 Điều 125)
Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp có từ hai người trở lên bị giết đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.
Nếu chỉ có một người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, còn những người khác không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu về hai tội: “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và “tội giết người” theo quy định tại Điều 123.
Nếu có nhiều người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, nhưng chỉ có một người bị giết chết, còn những người khác chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu về hai tội: tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 và tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135.
Khi xử lý người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ trạng thái tinh thần của người phạm tội trong khi phạm tội và đặc biệt phải làm rõ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Bởi vì hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp này chỉ bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, nếu giết nhiều người mức hình phạt cao nhất cũng chỉ tới 7 năm tù. Nếu không làm rõ hành vi trái pháp luật của nạn nhân sẽ dẫn đến tình trạng thân nhân của người bị hại và những người không am hiểu pháp luật cho rằng giết người sao lại xử nhẹ như vậy.
C. PHÂN BIỆT VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI KHÁC
1. Với trường hợp phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự
Điểm 2 khoản 1 Điều 51 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Điểm khác biệt khi xem xét áp dụng là mức độ bị kích động và mức độ trái pháp luật của nạn nhân, tuy tinh thần có bị kích động nhưng chưa mạnh, chưa tới mức không nhận thức được hành vi của mình. Và hành vi trái pháp luật của nạn nhân chưa phải là nghiêm trọng.
Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 125 nhất thiết phải là hành vi của nạn nhân, còn đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 có thể không phải là của nạn nhân mà có thể là của người khác. Đồng thời hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân không nhất thiết phải là đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội.
2. Với trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng dẫn đến chết người (Điều 135 BLHS)
Việc phân biệt giữa hai trường hợp phạm tội này là rất khó khăn bởi như trên là phân tích, đối với người bị kích động mạnh về tinh thần khi phạm tội không thể xác định được mục đích của họ, họ hành động như người mất trí, nên hậu quả đến đâu người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự tới đó, khó có thể xác định một người bị kích động mạnh về tinh thần lại còn đủ bình tĩnh để giới hạn hành vi phạm tội chỉ ở mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có những trường hợp sau khi bị đánh, người bị hại chưa chết ngay mà phải sau một thời gian nhất định mới bị chết. Nếu như không ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự, nhưng vì người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần nên họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng dẫn đến chết người [4]. Nếu nạn nhân bị chết ngay hoặc sau vài giờ mới chết thì nên truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
(*)Biên tập từ cuốn: Bình Luận Khoa Học BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II (Từ trang 44 đến trang 55) của Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế.
(**) Tham khảo Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” tại:
https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietanle?dDocName=TAND083638

Chú thích:
[1] Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”
[2] Điều 1 Luật trẻ em 2016 quy định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
[3] Điều 12 BLHS 2015 Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2.Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”
[4] Khoản 2 Điều 135 BLHS Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *