Tag: căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG

ThS. TRẦN THỊ CẨM NHUNG

ThS. VÕ NGUYỄN NAM TRUNG

Người nào không có tên trong di chúc nhưng vẫn có quyền thừa kế?

  1. Quy định pháp luật về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Một trong các đặc điểm của quyền hưởng dụng đó là tính tạm thời của quyền này. Cụ thể, quyền hưởng dụng chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, bên hưởng dụng phải có nghĩa vụ trả lại tài sản và duy trì công năng của tài sản. Suy cho cùng việc một người có quyền sử dụng, khai thác và hưởng hoa lợi thông qua quyền hưởng dụng thì vẫn chỉ là hưởng dụng trên tài sản của người khác nên cho dù việc hưởng dụng này diễn ra dài hạn hay ngắn hạn thì cũng phải kết thúc bằng sự kiện hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu’. Theo đó, Điều 265 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã quy định bảy căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng, trong đó, căn cứ thứ bảy là căn cứ mang tính kỹ thuật lập pháp:

Một là, quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt khi thời hạn hưởng dụng đã hết. Thời hạn hưởng dụng có thể là một khoảng thời gian xác định theo sự thỏa thuận giữa các bên hoặc phụ thuộc vào sự tồn tại của một cá nhân hoặc pháp nhân hay là một giới hạn thời gian do luật định. Ví dụ: tối đa là 30 năm đối với pháp nhân. Quyền hưởng dụng là một quyền có thời hạn, do đó, khi kết thúc thời hạn hưởng dụng thì quyền này sẽ chấm dứt để trả lại quyền sở hữu toàn diện cho người chủ sở hữu.

Quy định về quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt bởi cái chết của người hưởng dụng, có sự thống nhất cao về quy định này giữa các quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức, Thái Lan, Nam Phi và cả ở Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 1061 BLDS Đức quy định: “Quyền hưởng dụng sẽ bị chấm dứt bởi cái chết của người có quyền” và Điều 617 BLDS Pháp: “Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Người hưởng hoa lợi, lợi tức chết hoặc bị tước vĩnh viễn các quyền dân sự”. Trái với nguyên tắc quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt bởi cái chết của người hưởng dụng của các quốc gia trên, trong BLDS Bắc và Trung kỳ lại có quy định về vấn đề thừa kế quyền hưởng dụng, cụ thể là nếu người hưởng dụng chết mà kỳ hạn hưởng quyền vẫn chưa hết thì quyền hưởng dụng có thể chuyển giao cho người thừa kế của người chết để hưởng dụng cho đến khi kết thúc thời hạn. Nội dung này theo tác giả có sự mâu thuẫn với nguyên tắc của quyền hưởng dụng khi trước đó các Bộ dân luật này có nêu dù quyền hưởng dụng có kỳ hạn hay không có kỳ hạn cũng chỉ hưởng hết đời người hưởng quyền là cùng. Tác giả cũng cho rằng việc quyền hưởng dụng chấm dứt khi người được hưởng quyền chết là hợp lý vì quyền này là một quyền xác định, biểu hiện cho ý chí của người cấp quyền, họ mong muốn từ quyền này sẽ tạo ra lợi ích kinh tế, duy trì cuộc sống cho người được hưởng dụng, còn những người thừa kế của người có quyền hưởng dụng chưa chắc là chủ thể mà bên cấp quyền muốn trao quyền cho họ.

Hai là, khi các bên thỏa thuận với nhau về việc sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ kết thúc. Quyền hưởng dụng cũng là một quyền dân sự hay nói đúng hơn nó là một quyền tài sản, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Theo khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Do đó, nếu các bên thống nhất ý chí về việc chấm dứt quyền hưởng dụng thì quyền này sẽ được chấm dứt trên cơ sở không gây phương hại đến pháp luật, xã hội và chủ thể thứ ba.

Ba là, khi bên hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt. Trong trường hợp bên hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản, lúc này việc khai thác, sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản không phải xuất phát từ việc thực hiện quyền hưởng dụng mà được thực hiện dưới dạng quyền năng của chủ sở hữu. Ví dụ, ông A thỏa thuận xác lập quyền hưởng dụng trong vòng 10 năm cho con trai của ông đối với 1.000m2 đất làm vườn đang thuộc quyền sử dụng của ông, nhưng đến năm thứ 6 thì ông A chết và để phần thừa kế mảnh vườn này lại cho chính người con trai đó, như vậy mảnh vườn đang là đối tượng của quyền hưởng dụng đã trở thành tài sản thuộc sở hữu (quyền sử dụng đất) của người đang hưởng dụng. Trong trường hợp này quyền hưởng dụng bị triệt tiêu.

Bốn là, bên hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định. Quyền hưởng dụng được đặt ra nhằm mục đích chia sẻ lợi ích của tài sản giữa các chủ thể trong xã hội, đồng thời nhằm khai thác tối đa công năng của tài sản, tránh sự lãng phí trong trường hợp có những chủ thể không có nhu cầu sử dụng tài sản. Do đó, việc một người từ bỏ quyền lợi của mình hay không có nhu cầu thực hiện quyền mà mình có thì nên chấm dứt quyền đó để tạo cơ hội cho người khác khai thác tài sản.

Năm là, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn. Vì quyền hưởng dụng là một quyền mang tính trực tiếp trên tài sản, do đó, khi tài sản là đối tượng của quyền không còn thì không thể nào buộc chủ sở hữu phải chuyển giao một tài sản mới hoặc tái tạo tài sản hưởng dụng để bên hưởng dụng tiếp tục hưởng dụng.

Sáu là, quyền hưởng dụng có thể bị chấm dứt theo quyết định của Tòa án. Tùy vào từng trường hợp, Tòa án có thể quyết định truất quyền hưởng dụng của một chủ thể. Hiện nay BLDS năm 2015 chưa xây dựng một quy chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để Tòa án giải quyết các trường hợp làm chấm dứt quyền hưởng dụng, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, theo yêu cầu của chủ sở hữu tài sản về việc vi phạm nghĩa vụ của bên hưởng dụng và người chủ sở hữu có thể chứng minh được sự vi phạm này theo các quy định về thủ tục tố tụng hoặc quyền hưởng dụng gây phương hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người khác thì Tòa án có thể ra quyết định truất quyền hưởng dụng. Dù vậy thì khi tước đi quyền lợi của một người thì cần có sự bù đắp thiệt hại cho người đó, ví dụ Bộ Dân luật năm 1972 quy định trong trường hợp Tòa án truất quyền huởng dụng và giao trả tài sản cho chủ sở hữu thì buộc người chủ sở hữu phải trả một số tiền định kỳ cho bên hưởng dụng hay còn gọi là dụng ích cho đến khi thời hạn dụng ích kết thúc.

  1. Hậu quả của việc chấm dứt quyền hưởng

Quyền hưởng dụng chấm dứt sẽ làm phát sinh hậu quả về mặt pháp lý và về mặt lợi ích vật chất.

– Về mặt pháp lý: Quyền hưởng dụng chấm dứt đồng thời làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của bên hưởng dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với bên hưởng dụng, khi chấm dứt quyền hưởng dụng, bên hưởng dụng phải hoàn trả lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng cho chủ sở hữu theo quy định tại Điều 266 BLDS năm 2015, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác (chẳng hạn trong trường hợp đổi tượng của quyền hưởng dụng không còn). Quyền hưởng dụng chấm dứt đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ của bên hưởng dụng cũng chấm dứt. Bên hưởng dụng sẽ không được tiếp tục sử dụng, khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, không được cho thuê quyền bởi quyền đã chấm dứt và không được thực hiện một số quyền khác theo quy định của luật. Song song đó, bên hưởng dụng không còn bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ liên quan đến quyền hưởng dụng.

Thứ hai, đối với chủ sở hữu, từ khi quyền hưởng dụng chấm dứt, chủ sở hữu sẽ có toàn quyền năng đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Chủ sở hữu sẽ được tự do thực hiện các giao dịch dân sự mà không bị ràng buộc bất cứ nghĩa vụ gì liên quan đến quyền hưởng dụng, cũng như bảo đảm được giá trị tài sản khi giao dịch. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt.

Về mặt vật chất: Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Khi bàn về hoàn trả tài sản, dự thảo Bộ luật Dân sự mà Chính phủ trình Quốc hội năm 2015 để thông qua có một Điều luật với tiêu đề Hoàn trả tài sản khi hết thời hạn của quyền hưởng dụng có nội dung “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả chủ sở hữu khi quyền hưởng dụng chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo tại Quốc hội, Ban soạn thảo cho rằng “quy định trên có tiêu đề với phạm vi áp dụng rất hẹp là chỉ khi hết thời hạn nhưng nội hàm thì có thể áp dụng với bất kỳ trường hợp chấm dứt quyền hưởng dụng nào. Thực tế, còn những trường hợp khác cũng phải hoàn trả như khi các bên có thỏa thuận chấm dứt quyền hưởng dụng. Do đó, đề xuất thay cụm từ “khi hết thời hạn” bằng “khi chấm dứt quyền hưởng dụng”. Ngoài ra, để hoàn thiện câu từ theo tiếng Việt, đề xuất thêm từ “cho” sau từ “hoàn trả” và trước từ “chủ sở hữu”. Đề xuất nêu trên đã được tiếp thu và hiện nay tại Điều 266 BLDS năm 2015 đã được ghi nhận với tiêu đề Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng và nội dung “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đối với quyền hưởng dụng, không đòi hỏi lúc nào cũng hoàn trả nguyên trạng ban đầu, mà tùy theo từng loại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mà áp dụng những hình thức hoàn trả khác nhau. Ở đây quy định của luật về vấn đề hoàn trả tài sản hưởng dụng còn khá đơn giản khi quy định nghĩa vụ hoàn trả mà không quy định việc hoàn trả sẽ diễn ra như thế nào đối với từng loại tài sản.

Về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản hưởng dụng, khi hoàn trả tài sản đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thu lợi từ tài sản đó. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa kị, lợi tức thu được tung ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

  1. Một số bất cập về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Thứ nhất, về việc bên hưởng dụng không thực hiện quyền trong một thời hạn.

Căn cứ này cũng tương tự với việc từ bỏ quyền sở hữu sẽ dẫn đến chấm dứt quyền sở hữu theo khoản 2 Điều 237 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay BLDS năm 2015 và các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ và phát triển rừng không quy định người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn bao lâu thì sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng.

Theo Hiến pháp năm 2013, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 265 BLDS năm 2015 chỉ có thể được thực hiện khi có luật điều chỉnh, bởi chỉ có luật mới có thể giới hạn quyền của một chủ thể.

Về nội dung này, BLDS Bắc và Trung kỳ cũng có đề cập đến việc tước quyền hưởng dụng do không hưởng dụng trong một thời gian, cụ thể Điều 604 BLDS Trung kỳ quy định: “Những khi như sau này thời quyền hưởng dụng tiêu hết: khi người được hưởng dụng thu lợi từ chối quyền ấy, hay không dùng quyền ấy trong thời hạn mười lăm năm”. Như vậy, trong các văn bản trước đây đã đề cập đến việc chấm dứt quyền hưởng dụng khi chủ thể hưởng dụng không thực hiện quyền của mình nhưng thời điểm này các văn bản trên lại chi tiết hơn khi đưa ra một khoảng thời gian là 15 năm để tước quyền hưởng dụng của người không thực hiện quyền này. Khoản 4 Điều 438 Bộ Dân luật năm 1972 cũng có quy định tương tự với khoảng thời gian là 20 năm cho trường hợp bất hưởng dụng và BLDS Pháp quy định sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng trong trường hợp quyền hưởng dụng không được thực hiện trong 30 năm. Tương tự như các BLDS thời kỳ cận đại của Việt Nam và BLDS Pháp, BLDS Quebec (Canada) cũng quy định về quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt do không thực hiện quyền, nhưng khoảng thời gian của BLDS này quy định chỉ là 10 năm 15. BLDS Nhật Bản quy định về thời hiệu làm tiêu hủy quyền như sau: “Một trái quyền sẽ mất hiệu lực, nếu không được cưỡng chế thực hiện trong phạm vi 10 năm; vật quyền khác không thuộc dạng trái quyền hoặc quyền sở hữu sẽ hết hiệu lực, nếu không được thực hiện trong vòng 20 năm”.

Thứ hai, về đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao.

Thực tế, có một số quan điểm cho rằng tài sản tiêu hao không thể là đối tượng của quyền hưởng dụng, điều này phù hợp với bản chất của tài sản tiêu hao và đặc thù của quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của BLDS năm 2015 không có quy định giới hạn cụ thể về tài sản hưởng dụng bao gồm những loại tài sản nào, do vậy, có thể dẫn đến quan điểm cho rằng tài sản tiêu hao vẫn có thể trở thành đối tượng của quyền hưởng dụng. Cụ thể là tài sản tiêu hao nằm trong sản nghiệp được hưởng dụng, không phải tài sản tiêu hao độc lập. Bởi vì, căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì tài sản tiêu hao không thể là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu việc hưởng dụng diễn ra trên một tài sản tiêu hao độc lập, bởi tài sản tiêu hao là loại tài sản sẽ tiêu biến trong quá trình sử dụng, do đó, nếu cho phép hưởng dụng đối với tài sản này thì bên hưởng dụng sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản thì mới có thể khai thác, sử dụng tài sản đó”. Điều này dẫn đến hậu quả quyền hưởng dụng lúc này sẽ giống với trường hợp hợp đồng vay tài sản, mà hợp đồng vay tài sản lại là một dạng biểu hiện của việc sử dụng tài sản của người không phải chủ sở hữu. Đồng thời, nếu đã có hợp đồng vay tài sản điều chỉnh vấn đề này thì pháp luật không cần đặt ra quy định về quyền hưởng dụng và ý nghĩa của quyền hưởng dụng là giải quyết các vấn đề mà trường hợp sử dụng tài sản của người không phải chủ sở hữu không giải quyết được. Tuy nhiên, nếu tài sản tiêu hao được đặt trong trường hợp hưởng dụng một sản nghiệp và trong sản nghiệp đó bao gồm nhiều tài sản thì có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng. Ví dụ, ông A cho em ruột của mình là B hưởng dụng trong vòng 10 năm đối với một cửa hàng bán vải đã có sẵn hàng hóa trong đó, như vậy, quyền hưởng dụng được xác lập trên bất động sản là kết cấu của cửa hàng đó và cả những kệ tủ, vải vóc có trong cửa hàng. Lúc này, vải vóc là hàng hóa sẽ luân chuyển trong hoạt động kinh doanh, người hưởng dụng có thể bán số vải vóc có trong cửa hàng và nhập hàng khác về tiếp tục kinh doanh. Chỉ cần khi chấm dứt quyền hưởng dụng, B hoàn trả cho ông A cửa hàng có sẵn hàng hóa là vải vóc như lúc đầu, còn sự hao mòn đối với kết cấu cửa hàng hay kệ tủ dưới dạng những hư hao tự nhiên do thời gian sử dụng thì còn lại hiện trạng thế nào B trả như thế ấy.

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì hiện không có điều khoản nào giới hạn về tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng nên có thể thấy tài sản tiêu hao khi là một phần của tổng thể sản nghiệp vẫn có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, khi tài sản tiêu hao trong tổng sản nghiệp được hưởng dụng và bị mất đi thông qua việc sử dụng của bên hưởng dụng có làm chấm dứt quyền hưởng dụng hay không? bởi khi tài sản tiêu hao thuộc về tổng thể sản nghiệp thì tài sản tiêu hao không còn thì vẫn tồn tại các tài sản hưởng dụng khác trong khối sản nghiệp đó. Mối liên hệ chặt chẽ giữa các tài sản trong sản nghiệp đã tạo ra vấn đề bất cập khi các đặc tính vật lý của các tài sản này khác nhau thông qua thời gian hưởng dụng. Đây cũng là một vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền hưởng dụng.

Thứ ba, quy định về việc hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng chưa rõ ràng, cụ thể. Vấn đề hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng, mặc dù đã được quy định trong Điều 266 BLDS năm 2015, nhưng mới dừng lại ở hành vi hoàn trả của bên hưởng dụng khi quyền hưởng dụng bị chấm dứt theo các căn cứ tại Điều 265 BLDS năm 2015, mà vẫn chưa chi tiết hóa việc hoàn trả cụ thể như thế nào với từng loại tài sản được hưởng dụng. Có thể do phần về đối tượng của quyền hưởng dụng không được quy định rõ dẫn đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quyền trên các đối tượng đó cũng không được nêu ra trong luật. Trong khi đó các BLDS thời kỳ Pháp thuộc có nêu rằng khi hoàn trả tài sản hưởng dụng thì không buộc hoàn trả như ban đầu mà sau khi hưởng dụng còn thế nào thì hoàn trả thế ấy. Cụ thể, trường hợp nếu như tài sản hưởng dụng là súc vật thì bên hưởng dụng có thể bán súc vật đó nhưng khi hoàn trả thì hoàn trả như số lượng đã nhận ban đầu, bán đi bao nhiêu thì hoàn trả lại bấy nhiêu, trường hợp nếu như đàn súc vật không còn do tai biến hoặc bệnh tật mà không phải do lỗi của bên hưởng dụng thì bên hưởng dụng phải hoàn lại da hoặc giá tiền da ấy cho người hư chủ, nếu trong đàn đó có những con mới sinh thì sẽ được lấy thế vào những con đã chết. Nếu đối tượng của quyền hưởng dụng là những tài sản như đất đai, nhà cửa, vải vóc, đồ gia dụng, đồ trang trí thì khi chấm dứt quyền hưởng dụng tài sản còn lại thế nào thì hoàn trả thế ấy trừ trường hợp do lỗi của bên hưởng dụng dẫn đến làm mất hoặc hư hỏng tài sản hưởng dụng. Đối với cây cối nếu khi kết thúc quyền hưởng dụng mà cây chết đi hoặc gãy đổ thì bên hưởng dụng trồng lại cây khác thế vào cho chủ sở hữu hoặc phải hoàn trả gỗ nếu như không muốn trồng lại.

Bên cạnh đó, Điều 266 BLDS chỉ quy định về việc người hưởng dụng có nghĩa vụ hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng mà các bên không có thỏa thuận gì khác hoặc không có quy định khác”, ngoài ra các vấn đề khác trong trường hợp quyền hưởng dụng bị chấm dứt như việc hoàn trả tài sản không đúng tình trạng ban đầu thì luật lại không quy định những vấn đề thuộc quyền chủ sở hữu như: tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng tài sản so với ban đầu, bồi thường thiệt hại,… Vì thực tế, khi tiến hành hoàn trả tài sản có thể xảy ra nhiều vấn đề: tài sản hư hỏng, mất mát, suy giảm chức năng, công dụng đáng kể vì thế phải đặt ra vấn đề tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng tài sản so với ban đầu. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bị thiệt hại có thể do quá trình khai thác công dụng tài sản, cũng có thể do lỗi của người hưởng dụng, người thứ ba, hay thiệt hại vì lý do bất khả kháng, do vậy việc hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu phải kèm theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người hưởng dụng về xử lý vấn đề tài sản bị thiệt hại.

  1. Một số kiến nghị hoàn thiện về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, tác giả đề xuất nên ghi nhận chính thức thời gian chấm dứt quyền hưởng dụng khi chủ thể không thực hiện quyền trong BLDS. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 265 như sau: “Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn 10 năm đối với bất động sản và 03 năm đối với động sản”. Vì lý do việc không thực hiện quyền hưởng dụng của một chủ thể có thể do yếu tố khách quan nào đó, nếu như chúng ta quy định một khoảng thời gian quá ngắn sẽ dẫn đến các chủ thể này sau khi khắc phục được sự kiện khách quan đó thì cũng không còn đủ thời gian để thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, cũng không nên quy định thời gian quá dài cho trường hợp này vì quyền hưởng dụng được đặt ra trên mục đích tiết kiệm tài sản trong xã hội nên nếu người có quyền không khai thác thì nên chấm dứt quyền của người đó để giành quyền khai thác cho người khác, do đó không nên quy định khoảng thời gian quá dài cho trường hợp này như BLDS Pháp.

Thứ hai, kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, nhà làm luật cần bổ sung một điều luật cụ thể quy định về tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng tương tự như quy định về tài sản bảo đảm tại Điều 295 BLDS năm 2015. Theo đó, điều luật mới cần ghi nhận cụ thể, rõ ràng đối với tài sản tiêu hao độc lập thì không là đối tượng của quyền hưởng dụng. Còn đối với tài sản tiêu hao là một phần trong tổng tài sản như phân tích ở trên thì là đối tượng của quyền hưởng dụng. Cách xử lý trong trường hợp này khi chấm dứt quyền hưởng dụng tham khảo học thuyết pháp lý tại Pháp’ việc quyền hưởng dụng được áp đặt lên tài sản tiêu hao thực chất không phải là một quyền hưởng dụng toàn diện mà việc hưởng dụng này được xem là chuẩn quyền hưởng dụng (Quasi-usufruit). Quy định về dạng chuẩn quyền hưởng dụng này bắt đầu được thừa nhận trong BLDS Pháp từ ngày 17/5/1960 ở Điều 587: “Nếu quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản là vật tiêu hao như tiền, thóc gạo, ngũ cốc, rượu, thì người hưởng hoa lợi, lợi tức có quyền dùng tài sản đó, nhưng khi quyền hưởng hoa lợi, lợi tức chấm dứt thì phải hoàn trả tài sản bằng hiện vật theo đúng số lượng và chất lượng vật đó hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị vật đó vào thời điểm hoàn trả”.

Việc sửa đổi, bổ sung này giúp cho việc áp dụng quy định về quyền hưởng dụng trong thực tế được rõ ràng và thống nhất hơn.

Thứ ba, tác giả kiến nghị khoản 5 Điều 265 BLDS năm 2015 về chấm dứt quyền hưởng dụng nên được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn, trừ trường hợp đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao”. Đồng thời, việc hoàn trả tài sản hưởng dụng chỉ phải tiến hành khi thời hạn quyền hưởng dụng đã hết cho dù có việc sử dụng tài sản tiêu hao trước thời điểm hết thời hạn của quyền hưởng dụng. Nếu tài sản bị hưởng dụng là tài sản tiêu hao thì khó có thể trả lại đúng vật đó, vì vậy logic của vấn đề là người hưởng dụng trả lại giá trị tương ứng của tài sản hoặc trả lại tài sản khác cùng số lượng, chất lượng.

Đồng thời, theo quan điểm của tác giả thì pháp luật dân sự liên quan đến quyền hưởng dụng cũng nên nêu rõ việc tài sản sau khi hưởng dụng như thế nào thì hoàn trả thế ấy, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bởi không phải lúc nào tài sản hưởng dụng cũng còn nguyên vẹn như lúc bắt đầu hưởng dụng”.

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 24 (kỳ II tháng 12/2022)

Từ trang 50 đến trang 55

Do ThS. Trần Thị Cẩm Nhung – ThS. Võ Nguyễn Nam Trung biên soạn