Category: BÀI VIẾT

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CƯỠNG BỨC LAO ĐỘNG

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CƯỠNG BỨC LAO ĐỘNG

TS. NGUYỄN THỊ THANH THÙY

Tóm tắt: Cưỡng bức lao động là hành vi bị nghiêm cấm trong quy định pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Xét về bản chất, đây là một trong những hình thức nô lệ thời hiện đại, gắn với việc bóc lột sức lao động của người khác dưới hình thức “lao động gán nợ”, “ép buộc trong việc làm”, “mua bán người…, gây nhiều hệ lụy xấu trong xã hội. Nhằm tạo khung pháp lý làm cơ sở cho phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 29 ngày 28/6/1930 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Lao động cưỡng bức (Công ước số 29) và Công ước số 105 ngày 25/6/1957 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105), đồng thời ghi nhận cưỡng bức lao động là một tội phạm quy định tại Điều 279 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, quá trình áp dụng pháp luật hình sự trong phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải sớm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Từ khóa: tội phạm; cưỡng bức lao động; pháp luật hình sự.

  1. Đặt vấn đề

Theo thống kê của ILO, đến nay, trên thế giới có khoảng 49,6 triệu người bị cưỡng bức, bóc lột như một hình thức nô lệ thời hiện đại với 27,6 triệu người bị cưỡng bức lao động. Trong số đó, 17,3 triệu người bị bóc lột trong khu vực tư nhân như lao động giúp việc gia đình, ngành xây dựng và nông nghiệp; hơn 6,3 triệu nạn nhân bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại (chiếm 12,7%) và hơn 4 triệu người bị cưỡng bức lao động do các cơ quan nhà nước áp đặt (chiếm 8,1%). Khoảng 5,95 triệu trẻ em bị cưỡng bức lao động (chiếm 12%), trong đó hơn một nửa số trẻ em này bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương có số người bị cưỡng bức lao động chiếm tỷ lệ cao nhất với 15,1 triệu người, khoảng 30,44%. Trong số hơn 2,4 triệu nạn nhân của tội phạm mua bán người ở bất cứ thời điểm nào, ít nhất có 1/3 số nạn nhân bị mua bán vì mục đích kinh tế hơn là bóc lột tình dục. Ước tính tổng số lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hành vi cưỡng bức lao động số nạn nhân của nạn mua bán người là khoảng 32 tỷ USD mỗi năm. Ở cấp độ toàn cầu, trong khu vực tư nhân, lao động cưỡng bức tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD.

Để bảo đảm việc thực thi công lý, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống lao động cưỡng bức và tội phạm cưỡng bức lao động, sau khi phê chuẩn Công ước số 29 và Công ước số 105 của ILO, Việt Nam đã nội luật hóa các Công ước này trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp đến ban hành luật và các văn bản dưới luật. Cụ thể: Khoản 3 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định về việc nghiêm cấm cưỡng bức lao động; Bộ luật Lao động năm 2019 ngoài việc đưa ra định nghĩa về cưỡng bức lao động tại khoản 7 Điều 3 và quy định cấm cưỡng bức lao động tại khoản 2 Điều 8, còn có nhiều quy định nhằm phòng, chống cưỡng bức lao động tại Điều 17 (quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động), Điều 35 (quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động), Điều 102 (khấu trừ tiền lương), khoản 2 Điều 107 (quy định về điều kiện người lao động làm thêm giờ), Điều 124 (quy định về các hình thức xử lý kỷ luật), Điều 127 (các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động); Điều 27 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ) quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hướng dẫn về chế độ lao động của người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; khoản 3 Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các điều 31, 32, 33, 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định cụ thể về một trong những trường hợp ngoại lệ của lao động cưỡng bức, đó là lao động của phạm nhân.

Dưới góc độ hình sự, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành lần đầu tiên ghi nhận tội cưỡng bức lao động tại Điều 297, đồng thời cũng quy định dẫn chiếu đến tội mua bán người (điểm b khoản 1 Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 1 Điều 151) để phòng ngừa tội cưỡng bức lao động. Bên cạnh đó, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012; Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự… cũng có những quy định cụ thể trong xác định nạn nhân mua bán người bị cưỡng bức lao động.

  1. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội cưỡng bức lao động

Mặc dù hiện nay các quy định của pháp luật liên quan đến tội cưỡng bức lao động tương đối đầy đủ, đã góp phần bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức và áp dụng pháp luật phòng, chống cưỡng bức lao động nói chung, tội phạm cưỡng bức lao động nói riêng, nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được làm sáng tỏ, từ đó tạo căn cứ cho các nhà làm luật nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Một là, bất cập trong quy định về chủ thể của tội phạm cưỡng bức lao động. Theo quy định tại Điều 12, khoản 1 Điều 297 BLHS hiện hành thì chủ thể của tội cưỡng bức lao động là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn tội phạm đã núp bóng doanh nghiệp, sử dụng danh nghĩa công ty để thực hiện hành vi cưỡng bức lao động, mua bán người xuyên quốc gia (núp bóng công ty môi giới hôn nhân, môi giới nuôi con nuôi, công ty xuất khẩu lao động…) nhằm che mắt cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 02 năm 2022 và 2023, cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với Campuchia đưa 1.583 người Việt Nam bị cưỡng bức lao động từ Campuchia về nước. Số này phần lớn bị lừa sang làm việc tại các cơ sở kinh doanh như casino robot, casino online hay các cơ sở hoạt động lừa đảo trên không gian mạng tại khu vực cửa khẩu O-Smach (giáp biên giới Thái Lan) với lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng trên thực tế, họ bị ép thực hiện các chỉ tiêu về số lượng tiền người tham gia đánh bạc hoặc số tiền lừa đảo trong tháng, bị quản thúc, bố trí người canh gác, không cho liên lạc về với gia đình, thậm chí bị bỏ đói, bị đánh đập… với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hay nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động, để ràng buộc và cưỡng bức lao động đã sử dụng nhiều biện pháp như: giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân của người lao động; yêu cầu người lao động đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản tiền khi ký hợp đồng lao động. Thậm chí, khi người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có những doanh nghiệp sử dụng những biện pháp trái pháp luật để buộc người lao động tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp trái ý muốn như: không trả sổ bảo hiểm xã hội; giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân của người lao động… Những hành vi cưỡng bức lao động do pháp nhân thương mại thực hiện có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với cá nhân thực hiện, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có chế tài hình sự đối với pháp nhân thương mại dẫn đến tình trạng cưỡng bức lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn không được xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng c nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Hai là, khó khăn, vướng mắc trong việc xác định dấu hiệu “thủ đoạn khác” trong tội cưỡng, bức lao động. Mặc dù hiện nay, nhiều địa phương thừa nhận và áp dụng các dấu hiệu được mô tả trong tài liệu “Các dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức của Tổ chức lao động quốc tế”, bao gồm: lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động, lừa gạt, hạn chế đi lại, cô lập, giữ giấy tờ tùy thân, giữ tiền lương, lệ thuộc vì nợ, lạm dụng điều kiện sống và việc làm, làm thêm giờ quá quy định, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về các thủ đoạn này. Điều đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất tại các đơn vị, địa phương đối với từng vụ việc cụ thể. Điển hình, trong vụ việc em Vàng Mí D (14 tuổi) cùng 45 trẻ em được một công ty môi giới làm việc tại Công ty TNHH I. Các em bị ép làm việc từ 7 giờ 30 đến 22 giờ hằng ngày, được trả lương thấp, bị cấm ra khỏi cơ sở…. Đây là những biểu hiện của hành vi cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, vì không đủ yếu tố xác định trách nhiệm hình sự nên cơ quan công an chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý lao động để xử phạt hành chính về hành vi sử dụng lao động trẻ em.

Bên cạnh đó, những biểu hiện cưỡng bức lao động thường hướng đến nhóm người lao động yếu thế hơn những nhóm khác như: người lao động di cư, đặc biệt là người lao động di cư bất hợp pháp; người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức gồm những người lao động tại nhà và những người lao động ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, làm việc trong những cơ sở kinh doanh bất hợp pháp; thanh thiếu niên, lao động phổ thông, người bị hạn chế về trình độ, hiểu biết hoặc những người lao động mù chữ…. Về hành vi ép buộc làm thêm giờ đối với người lao động, có 4,46% người lao động bị ép buộc làm thêm giờ, 27,3% người lao động phải làm thêm quá 200 giờ/năm, trong đó 54,54% phải làm thêm giờ thường xuyên; 18% người lao động phải làm thêm giờ do định mức lao động quá cao… Đây là một trong những biểu hiện của hành vi cưỡng bức lao động, làm suy giảm về sức khỏe cũng như tinh thần của người lao động nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ba là, thiếu sự tương thích trong quy định về chế tài hình sự giữa tội cưỡng bức lao động và tội mua bán người với tình tiết “cưỡng bức lao động” trong tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi dẫn đến việc xử lý hành vi phạm tội chưa thể hiện đầy đủ tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Xét về bản chất, hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và cưỡng bức lao động đều là hình thức bóc lột, nô lệ thời hiện đại, xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền con người cơ bản và có tính chất nguy hiểm cho xã hội tương đương nhau. Thậm chí, trong trường hợp hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi để cưỡng bức lao động là hành vi mang tính chất trung gian, tội phạm nguồn của tội cưỡng bức lao động. Do đó, hành vi cưỡng bức lao động đối với người bị mua bán nguy hiểm hơn so với tội mua bán người, là nguyên nhân hình thành đường dây mua bán người.

Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với tội cưỡng bức lao động lại thấp hơn so với tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Cụ thể: Hành vi mua bán người để cưỡng bức lao động bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm đối với người trưởng thành (điểm b khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015) và 07 đến 12 năm đối với người dưới 16 tuổi (điểm b khoản 2 Điều 151 BLHS năm 2015), dấu hiệu hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, bản thân hành vi cưỡng bức lao động lại đòi hỏi phải gây ra hậu quả là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, hoặc phải có tiền án, tiền sự về hành vi này và hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (khoản 1 Điều 297 BLHS năm 2015) cũng chưa tương xứng với tính chất hành vi. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm do các đối tượng tìm mọi cách che giấu tội phạm nguồn là tội mua bán người và sử dụng “thủ đoạn khác” không dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị cưỡng bức lao động để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Bốn là, quy định mức hình phạt tiền trong hình phạt chính và hình phạt bổ sung chưa bảo đảm tính nghiêm minh, phân định với hành vi vi phạm hành chính. Theo quy định của pháp luật, những hành vi bị coi là tội phạm phải có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với các vi phạm pháp luật khác, đó là mức độ “nguy hiểm đáng kể”. Điều đó đương nhiên dẫn đến hậu quả pháp lý của tội phạm cũng phải được áp dụng nghiêm khắc hơn so với các vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 297 BLHS năm 2015 thì mức hình phạt thấp nhất đối với tội cưỡng bức lao động là phạt tiền 50 triệu đồng, hình phạt này lại bằng mức chế tài hành chính thấp nhất với hành vi cưỡng bức lao động. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, hành vi cưỡng bức lao động bị xử phạt hành chính từ 50 – 75 triệu đồng. Điều này không tạo ra mức phân hóa trách nhiệm pháp lý tương ứng với tính chất hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó, hành vi cưỡng bức lao động xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, bóc lột sức lao động của người lao động, do đó, chế tài hình sự không đủ nghiêm khắc sẽ không tạo ra tính răn đe, ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

  1. Đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật hình sự liên quan đến tội cưỡng bức lao động

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật đối với tội phạm cưỡng bức lao động, trong thời gian tới, tác giả đề xuất hoàn thiện quy định về tội phạm cưỡng bức lao động theo hướng như sau:

Một là, bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại đối với tội cưỡng bức lao động trong quy định tại Điều 297 BLHS năm 2015 để tránh bỏ lọt tội phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Đồng thời, bổ sung quy định về hình phạt tương ứng với pháp nhân thương mại theo phương án bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 như sau:

“3a. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chi hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Hai là, đề xuất Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn quy định về dấu hiệu “thủ đoạn khác” trong tội cưỡng bức lao động. Căn cứ theo tinh thần Công ước về Lao động cưỡng bức năm 1930 của ILO (Công ước số 29) và những dấu hiệu về lao động cưỡng bức theo hướng dẫn của ILO, có thể hướng dẫn “thủ đoạn khác” trong tội cưỡng bức lao động theo phương án sau:

“Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 297 của Bộ luật Hình sự gồm: lừa đảo trong tuyển chọn lao động; xâm phạm quyền tự do đi lại của người lao động; giữ giấy tờ tùy thân hoặc tài sản có giá trị khác của người lao động; cô lập người lao động; bóc lột tình dục; vi phạm quy định về tiền lương; ép buộc người lao động làm thêm giờ quá quy định; lạm dụng tình trạng khó khăn, lệ thuộc của người lao động.

Lừa đảo trong tuyển chọn lao động là hành vi đưa ra lời hứa hẹn hoặc cố ý đưa ra thông tin sai sự thật hoặc thông tin không đầy đủ về điều kiện làm việc, mức lương, loại hình công việc, điều kiện sinh hoạt và làm việc, địa điểm làm việc… khiến người lao động tin tưởng, nhận lời làm việc, từ đó ép buộc họ làm việc trong môi trường, điều kiện không bảo đảm.

Xâm phạm quyền tự do đi lại của người lao động là hành vi kiểm soát, hạn chế việc tự do đi đến và rời khỏi nơi làm việc của người lao động; hạn chế quyền được khám bệnh của người lao động; vi phạm quy định về an toàn lao động tại những nơi làm việc độc hại.

Giữ giấy tờ tùy thân hoặc tài sản có giá trị khác của người lao động là hành vi thu giữ căn cước công dân, hộ chiếu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vàng, bạc, trang sức… của người lao động để ràng buộc, ép buộc họ tiếp tục làm việc tại nơi làm việc của người sử dụng lao động, tước bỏ quyền tự do lao động của người khác.

Cô lập người lao động là hành vi nhốt, giữ người lao động tại nơi làm việc cách xa hoặc biệt lập với khu dân cư, môi trường xã hội; hoặc tịch thu phương tiện liên lạc của người lao động, không để cho người lao động có điều kiện liên lạc, tiếp xúc với người khác; hoặc tổ chức sử dụng người lao động bất hợp pháp tại nơi làm việc bất hợp pháp hoặc không được đăng ký kinh doanh.

Bóc lột tình dục là hành vi ép buộc người lao động quan hệ tình dục với người sử dụng lao động hoặc với thành viên khác trong gia đình họ hoặc ép buộc tham gia vào hoạt động mại dâm.

Vi phạm quy định về tiền lương là hành vi của người sử dụng lao động trả lương thấp hơn so với định mức tối thiểu; chiếm đoạt tiền lương; chậm trả lương hoặc trả lương không đầy đủ theo quy định.

Ép buộc người lao động làm thêm giờ quá quy định là hành vi buộc người lao động làm việc ngoài giờ liên tục hoặc làm việc nhiều ngày ngoài thời gian được theo quy định của luật lao động hoặc theo hợp đồng lao động.

Lạm dụng tình trạng khó khăn, lệ thuộc của người lao động là hành vi lợi dụng tình trạng khó khăn của người lao động như thiếu lựa chọn về việc làm, lợi dụng sự lệ thuộc của người lao động về tiền nợ, về công việc, về nơi ở, về việc lao động để trả nợ cho người thân để áp đặt thời gian làm việc quá nhiều hoặc giữ tiền lương, chiếm đoạt tiền lương hoặc trả lương thấp hơn so với mức định mức tối thiểu.”

Ba là, nâng định mức hình phạt chính và hình phạt bổ sung trong quy định về tội cưỡng bức lao động tương thích với mức hình phạt trong tội mua bán người và tội mua bán trẻ em. Theo đó, bên cạnh đề xuất bổ sung khoản 3a vào Điều 297 như phân tích ở trên, tác giả đề xuất sửa đổi và cơ cấu lại Điều 297 BLHS hiện hành thành 02 tội là tội cưỡng bức lao động và tội cưỡng bức lao động đối với người dưới 18 tuổi theo phương án sau:

“Điều 297. Tội cưỡng bức lao động

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thế của những người này từ 31% đến 60%;

d) Đối với 02 đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương co thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thế bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

“Điều 297a. Tội cưỡng bức lao động đối với người dưới 18 tuổi

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người dưới 18 tuổi phải lao động thì bị phạt phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;

d) Đối với 02 đến 05 người;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thế của những người này từ 61% trở lên;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thế bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Đồng thời, chuyển tội cưỡng bức lao động từ Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng sang Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người để bảo đảm tính thống nhất về khách thể bảo vệ của luật hình sự cũng như thể hiện đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Bốn là, bỏ hình phạt tiền là hình phạt chính trong tội cưỡng bức lao động để phân định với hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, nâng mức phạt tiền trong hình phạt bổ sung của tội này theo hướng nâng cả mức phạt tiền tối thiểu và mức phạt tiền tối đa cao hơn so với vi phạm hành chính. Theo đó, nâng mức phạt tiền trong tội cưỡng bức lao động là từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và mức phạt tiền trong tội cưỡng bức lao động đối với người dưới 18 tuổi là từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (như đã thể hiện tại dự thảo Điều 297 và Điều 297a nêu trên).

Kết luận

Phòng, chống cưỡng bức lao động là hoàn toàn cấp thiết trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Hoàn thiện pháp luật Việt Nam theo hướng vừa phù hợp với pháp luật quốc tế, vừa bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là việc làm cần được quan tâm thường xuyên. Bài viết đã tập trung phân tích một số khó khăn, vướng mắc của luật thực định liên quan đến quy định về tội cưỡng bức lao động, từ đó đề xuất góp phần hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tội phạm cưỡng bức lao động trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

  1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  2. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  3. Bộ luật Lao động năm 2019.
  4. Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012.
  5. Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
  6. Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  7. Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
  1. Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Báo cáo công tác năm 2022, 2023.
  1. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác Tòa án năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.
  2. Đinh Lành Cao, Mai Đăng Lưu, Xóa bỏ lao động cưỡng bức theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và thực tiến, số 39/2019.
  3. International Labour Organization, Labour and social trends in Vietnam 2021, outlook to 2030, 2022.
  4. Phan Thị Nhật Tài, Chống lao động cưỡng bức trong pháp luật về bảo vệ quyền con người của một số quốc gia, https://khoaluat.duytan.edu.vn/goc-hoc-tap/chong-lao-dong-cuong-buc-trong-phap-luat-ve-bao-ve-quyen-con-nguoi-cua-mot-so-quoc-gia/, truy cập ngày 11/4/2024.
  1. ILO, Các dấu hiệu nhận biết lao động cưỡng bức của Tổ chức lao động quốc tế, Chương trình Hành động đặc biệt Phòng, chống lao động cưỡng bức.
  2. Vụ bóc lột sức lao động trẻ chưa thành niên: Trắng trợn hành vi làm giả giấy tờ, https:/laodongcongdoan.vn/vu-boc-lot-suc-lao-dong-tre-chua-thanh-nien-trang-tron-hanh-vi-lam-gia-giay-to-101636.html, truy cập ngày 03/5/2024.
  3. Văn Linh, Hoàn thiện quy định về tội “Cưỡng bức lao động” theo Điều 297 BLHS 2015, https://svn.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-toi-cuong-buc-lao-dong-theo-dieu-297-bo-luat-hinh-su-20151650036106.html, truy cập ngày 12/4/2024.

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 11 (Kỳ I tháng 6 năm 2024)

Từ trang 20 đến trang 28

Do TS. Nguyễn Thanh Thùy biên soạn

 

TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH

TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH

Dễ bị kích động là vì sao và nên xử lý bằng cách nào

 Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (căn cứ bộ luật hình sự 2015)

  1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

A. NHỮNG DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

  1. Trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi giết người là bị kích động mạnh

Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.

Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên họ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Việc xác định một người có bị kích động mạnh về tinh thần hay không là một vấn đề phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia; có người bị kích động về tinh thần, thậm chí “điên lên”, nhưng cũng có người vẫn bình thường, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, và cách xử sự của mỗi người cũng rất khác nhau. Ví dụ: anh A quan hệ bất chính với người khác, liền chạy về nhà lấy dao đến đâm chết tình nhân của vợ, nhưng anh B gặp trường hợp này lại gọi vợ về giáo dục, sau đó vợ chồng vẫn sống chung với nhau, còn anh C gặp trường hợp tương tự lại làm đơn ly hôn.

Vì vậy, không thể có sẵn một chuẩn mực để “đo” tình trạng kích động mạnh hay chưa mạnh về tinh thần của con người, mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân… từ đó xác định mức độ bị kích động về tinh thần có mạnh hay không, mạnh tới mức nào.

  1. Đối với người bị giết phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp, v.v..

Ngoài hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nạn nhân còn có thể có cả những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật khác như: luật hành chính, luật lao động, luật giao thông, luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, v.v..

Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng. Ví dụ: A và B nhà ở cạnh nhau, chung một bức tường. B đục tường từ phía nhà mình sang nhà A trong lúc vợ của A đang bị ốm nặng cần sự yên tĩnh. A đã nhiều lần yêu cầu B chấm dứt hành động đó, nhưng B không nghe, A bực tức giằng búa của B đánh B một cái làm B ngã gục. Trên đường đưa đi cấp cứu thì B chết. Trong trường hợp này, hành vi giết người của A cũng được coi là bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của B.

Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”. Nếu không chết và bị thương có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự. Như vậy, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, vì không thể xác định được mục đích của người phạm tội khi người đó trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có thể xác định người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

  1. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động mạnh là mối quan hệ tất yếu nội tại, có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì không có tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội và vì thế nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

Ví dụ: H đang cỏ lúa ở ngoài đồng, thấy có người gọi: “Về ngay! Con anh bị người ta đánh chết rồi!”. H vác cuốc chạy về. Thấy con mình nằm ở sân trên người dính máu. Mọi người cho biết T, con bà N đánh con H, đã bỏ chạy. H bực tức chạy sang nhà bà N tìm T nhưng không có T ở nhà, H đã dùng cuốc bổ vào đầu bà N một cái làm bà N chết tại chỗ. Trường hợp này chính T mới là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng khiến H bị kích động về tinh thần chứ không phải bà N. Do đó hành vi giết người của H không phải là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động mạnh rồi giết người cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Ví dụ: A và B cãi nhau rồi dẫn đến hai người đánh nhau, A bị B đánh, về nhà bực tức uống rượu say rồi mang dao găm đến nhà B gọi B ra cổng dùng dao đâm chết B.

Nếu nạn nhân là người điên hay trẻ em dưới 14 tuổi có những hành vi làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, thì cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Bởi lẽ, hành vi của người điên và của trẻ em dưới 14 tuổi không bị coi là hành vi trái pháp luật, vì họ không có lỗi do họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do họ thực hiện.

  1. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với những người thân thích của người phạm tội

Một người bị kích động mạnh về tinh thần ngoài trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với những người thân thích của mình.

Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột; anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu, v.v..

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, Tòa án cũng đã công nhận một số trường hợp tuy không phải là quan hệ huyết thống hay hôn nhân mà chỉ là quan hệ thân thuộc giống như anh em ruột. Ví dụ: Đ và M cùng ở một đơn vị bộ đội; cả hai cùng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, cả hai cùng được phục viên, nhưng gia đình M đã bị bom Mỹ sát hại hết nên Đ đã mời M đến ở chung với gia đình mình. Gia đình Đ coi M như con trong nhà, ngược lại M cũng coi gia đình Đ như gia đình mình. Một hôm, M đang chặt cây thì có người gọi “Về nhà ngay! Mẹ của Đ bị đánh què chân rồi”. M vội cầm dao chạy về thì được biết T là người đánh mẹ Đ, M liền cầm dao sang nhà T chém liên tiếp vào đầu làm T chết tại chỗ.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Trường hợp giết một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 125)

Trong trường hợp chỉ có một người bị giết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 125 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

Khung hình phạt của khoản 1 Điều 125 lại bằng khung hình phạt quy định tại điểm b khoản 2 Điều 135 quy định về trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh dẫn đến chết người là không hợp lý, vì cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết một người không thể nghiêm trọng bằng trường hợp giết một người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được.

  1. Trường hợp giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2 Điều 125)

Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là trường hợp có từ hai người trở lên bị giết đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.

Nếu chỉ có một người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, còn những người khác không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu về hai tội: “tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” và “tội giết người” theo quy định tại Điều 123.

Ví dụ: Hoàng Văn T đang ngồi uống bia, thì con trai là Hoàng Văn Q ra nói: “Bố về nhà ngay, mẹ bị người ta đến đánh chảy máu đầu rồi”. T cùng con chạy về nhà thì thấy vợ bị đánh chảy máu đầu đang được mọi người băng bó, T hỏi thì mọi người cho biết Lê Văn H cùng mấy người khác đến đòi nợ và đánh vợ của T. Nghe vậy, T liền cầm dao đi tìm H. Khi gặp H, T hỏi: “Vì sao mi đánh vợ tao”. H thản nhiên trả lời: “Tao đánh đấy, mày làm gì được tao”. Nghe H nói vậy, T liền rút dao giấu trong người ra đâm H, thì anh Vũ Văn K ngăn lại và nói: “Có gì bình tĩnh giải quyết, sao lại đâm chém nhau thế này”. Sẵn dao trong tay, lại cho rằng anh K là người bênh vực H nên đâm luôn anh K một nhát vào bụng và lao đến đâm nhiều cái vào người H rồi bỏ chạy. Mọi người đưa anh K và H đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên cả hai đã bị chết trên đường đến bệnh viện. Hành vi giết hai người của Hoàng Văn T chỉ có một người (Lê Văn H) có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người thân thích của T, còn một người (anh Vũ Văn K) không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nào đối với T hoặc người thân thích của T, nên Hoàng Văn T bị truy cứu trách nhiệm hai tội: tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 và tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nếu có nhiều người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội, nhưng chỉ có một người bị giết chết, còn những người khác chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội bị truy cứu về hai tội: tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 125 và tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135.

Khi xử lý người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ trạng thái tinh thần của người phạm tội trong khi phạm tội và đặc biệt phải làm rõ hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Bởi vì hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp này chỉ bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, nếu giết nhiều người mức hình phạt cao nhất cũng chỉ tới 7 năm tù. Nếu không làm rõ hành vi trái pháp luật của nạn nhân sẽ dẫn đến tình trạng thân nhân của người bị hại và những người không am hiểu pháp luật cho rằng giết người sao lại xử nhẹ như vậy.

C. PHÂN BIỆT VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI KHÁC

  1. Với trường hợp phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự

Cả hai trường hợp, người phạm tội đều bị kích động về tinh thần và đều do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra, nhưng sự khác nhau là mức độ bị kích động và mức độ trái pháp luật của nạn nhân. Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125, người phạm tội phải bị kích động mạnh thì ở trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 tuy tinh thần có bị kích động nhưng chưa mạnh, chưa tới mức không nhận thức được hành vi của mình. Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125, hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, thì ở điểm e khoản 1 Điều 51 hành vi trái pháp luật của nạn nhân chưa phải là nghiêm trọng.

Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 125 nhất thiết phải là hành vi của nạn nhân, còn đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 có thể không phải là của nạn nhân mà có thể là của người khác.

Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, nhưng ở điểm e khoản 1 Điều 51 thì không nhất thiết phải như vậy.

  1. Với trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự

Cả hai trường hợp, nạn nhân đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, nhưng ở trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi trái pháp luật đang xảy ra và chưa kết thúc; còn ở trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đã kết thúc.

Về thái độ tâm lý, người phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị kích động về tinh thần, nhưng cũng có thể không bị kích động về tinh thần vì phòng vệ là quyền được pháp luật công nhận và trong nhiều trường hợp phòng vệ còn là nghĩa vụ của công dân để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, nên họ có thể chủ động ngăn chặn sự xâm hại.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể bằng lời nói, có thể bằng hành động, nhưng hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ có thể là hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phạm tội hoặc của người khác.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chỉ đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, còn hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân trong tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể đối với Nhà nước, tổ chức hoặc người khác.

  1. Với trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng dẫn đến chết người

Phải nói ngay rằng việc phân biệt giữa hai trường hợp phạm tội này là rất khó khăn bởi như trên là phân tích, đối với người bị kích động mạnh về tinh thần khi phạm tội không thể xác định được mục đích của họ, họ hành động như người mất trí, nên hậu quả đến đâu người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự tới đó, khó có thể xác định một người bị kích động mạnh về tinh thần lại còn đủ bình tĩnh để giới hạn hành vi phạm tội chỉ ở mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có những trường hợp sau khi bị đánh, người bị hại chưa chết ngay mà phải sau một thời gian nhất định mới bị chết. Nếu như không ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự, nhưng vì người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần nên họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng dẫn đến chết người. Nếu nạn nhân bị chết ngay hoặc sau vài giờ mới chết thì nên truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

—–***——

Trích từ nguồn: Bình Luận Khoa Học BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II (Từ trang 44 đến trang 55) của Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế (có cập nhật theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

 

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

 Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản (căn cứ bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 1. Dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của loại tội này có hai nhóm tuổi:

Nhóm tuổi thứ nhất, từ đủ 16 tuổi nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất là 5 năm.

Nhóm tuổi thứ hai, từ đủ 14 tuổi trở lên nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 ở khung hình phạt có mức phạt tù cao nhất lần lượt ở các mức 10 năm, 15 năm và 20 năm tù.

Vì vậy, việc xác định chính xác đội tuổi của người thực hiện hành vi tội phạm rất quan trọng trong quá trình xác định khung hình phạt. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 thì chỉ cần xác định người phạm tội đã đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 170 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt giao tài sản. Quan hệ nhân thân thì không phải là những thiệt hại về thể chất (tính mạng, thương tật), mà chỉ có thể là những thiệt hại về tinh thần (sự sợ hãi, lo âu), tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không gây ra thương tích cho người bị hại; tính chất và mức độ xâm phạm đến quan hệ nhân thân ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tội cướp tài sản hoặc tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

  1. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong những hành vi khách quan sau đây:

– Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực

Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi có thể được thực hiện bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói, tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Nhưng dù được thực hiện bằng hình thức nào thì việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt với tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Trong thực tế, có những trường hợp người bị hại bị người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu không giao tài sản cho người phạm tội nhưng người bị hại không sợ và không giao tài sản cho người phạm tội, sau đó người phạm tội đã thực hiện hành vi vũ lực đối với người bị hại thì cũng không phải là hành vi cướp tài sản mà vẫn là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ví dụ: Tạ Phú C đã có hành vi đe dọa cháu Nguyễn Thị O là học sinh lớp 6, nếu không đưa cho C 50.000 đồng thì ngày mai đi học sẽ bị đánh. Cháu O rất lo sợ nhưng không biết lấy đâu ra 50.000 đồng đưa cho C, nên hôm sau cháu 0 rủ thêm bốn bạn khác cùng đi để nếu C có gây sự thì đã các bạn can thiệp. Hôm sau, cháu 0 cùng các bạn trên đường đi đến trường thì bị C chặn đánh vì cháu O không thực hiện yêu cầu của C, các bạn cùng đi với cháu đã kịp báo cho lực lượng bảo vệ bắt C. Việc C thực hiện lời đe dọa của mình đối với người bị hại nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi của C là hành vi phạm tội cướp tài sản, vì sau khi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với cháu O nếu cháu không giao tài sản thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C đã hoàn thành, còn việc C đánh cháu O là hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản của C gây ra cho cháu O chứ không phải là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của cháu O. Tuy nhiên, nếu trước hoặc trong khi đánh cháu O, C vẫn yêu cầu cháu O phải đưa tiền cho C, thì hành vi cưỡng đoạt tài sản của C chuyển hóa thành hành vi cướp tài sản và trong trường hợp này C sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168.

Nói chung, người phạm tội chỉ đe dọa dùng vũ lực, nếu người bị hại không giao tài sản thì người phạm tội cũng không dùng vũ lực. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội vẫn thực hiện lời đe dọa của mình để trả thù như trường hợp của Tạ Phú C đối với cháu O nêu trên.

Nếu người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực và nói rõ ý định của mình buộc người có trách nhiệm về tài sản phải giao tài sản cho người phạm tội trong một thời gian nhất định, thì việc xác định hành vi phạm tội của họ dễ dàng hơn nhiều so với trường hợp người phạm tội đe dọa sẽ dùng vũ lực trực tiếp đối với người có trách nhiệm về tài sản hoặc đối với người khác để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội. Đây cũng là trường hợp thực tiễn xét xử dễ nhầm lẫn với tội cướp tài sản, bởi vì nếu xác định người phạm tội đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì đó là hành vi phạm tội cướp tài sản. Ví dụ: Võ Công L thấy em Trần Mai H 10 tuổi có đeo dây chuyền vàng, L rủ em H đi vào công viên Lênin để chơi. Khi đi qua chỗ vắng, L nói với cháu H cởi dây chuyền đưa cho y nếu không sẽ bị y đẩy xuống hồ, cháu H sợ định bỏ chạy thì L kéo em H lại rồi dùng tay giật chiếc dây chuyền của em H và dọa nếu kêu sẽ bóp cổ, rồi y bỏ đi.

Nếu xác định người phạm tội chỉ đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không có căn cứ cho rằng người phạm tội dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội, thì đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Đào Văn T đang ngồi uống cà phê trong quán nhìn thấy cháu Hoàng Kim D có đeo một chiếc đồng hồ loại đắt tiền liền nảy ý định chiếm đoạt. T đến gần cháu D hăm dọa: “Cởi đồng hồ đưa cho tao nếu không ăn đòn”, cháu D hoảng sợ chạy ra ngoài và hô cướp! Thấy em D hô cướp, T liền bỏ chạy nhưng mọi người trong quán đuổi bắt được y.

Người phạm tội có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhưng cũng có thể đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người khác (chủ yếu là đối với người thân của người có trách nhiệm với tài sản). Ví dụ: Lê Minh Th viết thư cho chị Trần Thị Thu H với nội dung: nếu không giao cho Th 200 triệu đồng thì Th sẽ chặn đường đánh cháu Trần Đức Tr hoặc sẽ bắt cóc cháu Tr đem bán ra nước ngoài. Vì sợ Th thực hiện lời đe dọa nên chị H đã phải giao cho Th số tiền mà Th yêu cầu.

– Những thủ đoạn người phạm tội dùng để uy hiếp tinh thần người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản:

Ngoài hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với người có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội còn có thể thực hiện những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Thông thường người phạm tội dùng những thủ đoạn như:

+ Dọa sẽ hủy hoại tài sản nếu người có trách nhiệm về tài sản không giao tài sản cho người phạm tội. Ví dụ: dọa sẽ đốt nhà, đốt xe; dọa sẽ đập phá nhà, đập phá xe hoặc những tài sản khác…

+ Dọa sẽ tố cáo hành vi sai phạm hoặc những bí mật đời tư của người có trách nhiệm về tài sản mà họ không muốn cho ai biết. Ví dụ: A biết B có ngoại tình C, nên A viết thư yêu cầu B phải giao cho A một số tiền, nếu không y sẽ nói cho vợ của B biết về việc ngoại tình của B.

+ Bịa đặt, vu khống người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: Trần Tuấn A là phóng viên một tờ báo của ngành, viết một bài vu khống ông Nguyễn Văn T là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã quan hệ bất chính với chị Trần Thị M là nhân viên văn thư của huyện. Tuấn A không gửi bài đăng báo mà gửi cho ông T với lời yêu cầu bóng gió “anh nên thu xếp cho êm” và gọi điện thoại gợi ý cho ông T chi một số tiền, y sẽ “dẹp yên” chuyện này. Mặc dù không có việc quan hệ bất chính với chị M, nhưng vì sợ nếu A cho đăng bài báo thì uy tín của mình bị ảnh hưởng, nhất là sắp đến kỳ bầu cử lại Hội đồng nhân dân huyện, nên ông T đã phải giao cho A 5.000.000 đồng. Sau khi nhận được tiền Tuấn A thấy có thể tiếp tục tổng tiền được ông T nên lại gọi điện yêu cầu ông T giao thêm 3.000.000 đồng để lo việc, nhưng ông T đã tố cáo hành vi tống tiền của A.

+ Giả danh là cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, thuế vụ, hải quan… để kiểm tra, bắt giữ, khám người có trách nhiệm về tài sản buộc họ phải giao nộp tiền hoặc tài sản. Ví dụ: Bùi Huy T, Vũ Văn Đ và Hoàng Văn H đã giả danh cảnh sát giao thông để chặn xe tải do anh Đinh Văn Th lái, buộc anh Th phải nộp cho chúng 4.000.000 đồng nếu không sẽ đưa xe về trụ sở. Vì anh Th chở hàng tươi sống nếu để chúng đưa xe về trụ sở thì sẽ hỏng hết hàng nên anh Th đã giao cho bọn chúng số tiền mà chúng yêu cầu.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi được thực hiện một cách công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, sự công khai trắng trợn chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản, còn đối với những người khác, người phạm tội không quan tâm. Nếu hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi công cộng, người phạm tội chỉ công khai trắng trợn với người có trách nhiệm về tài sản còn những người khác thì người phạm tội lại có ý thức lén lút.

b) Hậu quả

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức, điều này được thể hiện ngay điều văn của điều luật “nhằm chiếm đoạt tài sản”, do đó cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.

Nếu hậu quả chưa xảy ra (người phạm tội chưa chiếm được tài sản) thì cũng không vì thế mà cho rằng tội cưỡng đoạt tài sản được thực hiện ở giai đoạn chưa đạt, vì người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan đó là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm đến tài sản. Tuy nhiên, nếu người phạm tội chưa thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội. Ví dụ: A, B, C bàn bạc sẽ viết thư đe dọa D nhằm buộc D phải giao cho chúng một số tiền, nhưng chưa viết thư hoặc đã viết thư rồi nhưng chưa gửi cho D thì bị phát hiện. Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật hình sự thì người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó chỉ người chuẩn bị phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 170 mới phải chịu trách nhiệm hình sự, vì khoản 1 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

Cấu tạo của Điều 170 không có quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác là tình tiết định khung hình phạt, do đó nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người bị hại hoặc người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134. Ví dụ: sau khi đã cưỡng đoạt được tài sản, người phạm tội bỏ đi thì bị phát hiện nên đã dùng vũ lực tấn công người bị hại hoặc người đuổi bắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của những người này.

  1. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản cũng được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác. Ví dụ: để trả thù anh Đinh Văn Q, nên Đỗ Cao Th đã viết đơn vu khống anh Q dùng bằng tốt nghiệp phổ thông giả nhằm ngăn cản việc anh Q sắp được đề bạt. Hành vi của Đỗ Cao Th là hành vi phạm tội vu khống quy định tại Điều 156.

Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản. Ví dụ: trong trường hợp của Đỗ Cao Th vừa nêu ở trên, sau khi đã viết đơn vu khống, Đỗ Cao Th lại yêu cầu anh Q phải giao cho y một khoản tiền thì y mới rút đơn, bãi nại cho anh Q thì hành vi của H đã chuyển hóa từ tội vu khống thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc đã xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn Tiến D có thù với anh Trịnh Quốc H nên D đã rủ Đỗ Văn S và Lê Thị T viết thư cho vợ anh H vu khống anh H có quan hệ bất chính với một cô sinh viên để trả thù, nhưng khi bàn với S và T thì S và T nói: “Chúng tao cần tiền”. Sau khi đã viết thư vu khống anh H, S và T điện thoại cho anh H phải nộp 10.000.000 đồng nếu không sẽ gửi tiếp thư cho cơ quan anh H, D biết việc làm của S và T nhưng không nói gì. Trong trường hợp này, lúc đầu Nguyễn Tiến D chỉ có ý định trả thù anh H, nhưng khi bàn bạc với đồng bọn, D đã tiếp nhận mục đích của S và T, nên D cũng phải chịu trách nhiệm về tội cưỡng đoạt tài sản cùng với S và T.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 Phạm tội cưỡng đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 170, có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù, là cấu thành cơ bản, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII Bộ luật hình sự (từ Điều 50 đến Điều 59). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

– Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;

– Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

– Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng.

– Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, có thể được áp dụng dưới mức một năm tù hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 thì cũng có thể được hưởng án treo.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170

a) Có tổ chức

Trường hợp phạm tội này tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, các dấu hiệu về phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17. Tuy nhiên, đối với phạm tội cưỡng đoạt tài sản có tổ chức còn có những đặc điểm riêng sau:

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc trực tiếp dùng những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; chuyển lời đe dọa, thư từ hoặc những tài liệu có nội dung uy hiếp tinh thần đến chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản; tiếp nhận tài sản do chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản giao cho người phạm tội…

Người thực hành trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng có thể có hành vi thái quá trong quá trình thực hiện tội phạm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc giao cho C đến nhà chị H đe dọa chị H phải chia cho chúng một phần tiền trúng xổ số, nếu không chúng sẽ nói với chồng của chị H về việc chị H có quan hệ bất chính với anh T. Khi C đến thực hiện kế hoạch mà chúng đã bàn bạc từ trước, thì bị chị H khước từ và thách thức sẽ báo cho Công an biết về hành vi tống tiền của bọn chúng. Một phần sợ bị phát hiện, một phần vì muốn chiếm đoạt được tiền của chị H nên C đã rút dao trong người khống chế chị H buộc chị H phải mở tủ lấy tiền đưa cho C. Trong lúc chị H đang mở tủ thì lực lượng cảnh sát đã kịp thời đến bắt C. Trong trường hợp này, hành vi của C không còn là hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần chị H như lúc đầu chúng đã bàn mà đã trở thành hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nên hành vi của C là hành vi thái quá của người thực hành, C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản còn A và B bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, nếu hành vi thái quá của đó chỉ nhằm thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực mà những người đồng phạm khác mong muốn thì hành vi thái quá của người thực hành làm tất cả những đồng phạm khác phải chịu. Ví dụ: Nguyễn Tất N, Lê Văn T và Nguyễn Xuân H bàn bạc thống nhất viết thư cho chị Trần Thị X với nội dung: nếu đúng 5 giờ ngày mai không giao cho chúng 4 lượng vàng 9999 thì chúng sẽ đưa bức ảnh mà chúng đã chụp lén được cảnh chị H cùng với anh Nguyễn Văn B đang ôm hôn nhau cho chồng chị X. Theo kế hoạch, thì Lê Văn T có nhiệm vụ chuyển thư cho chị X và cho chị X xem bức ảnh mà chúng chụp lén được. Nhưng khi T đưa thư và ảnh cho chị X xem, chị X không hề tỏ ra lo sợ mà còn nói với T: “Các chú không dọa nổi tôi đâu! Tôi và chồng tôi đã ly hôn rồi và tôi sắp kết hôn với người trong ảnh”. Thấy không dọa được chị X, T liền nghĩ ngay ra một cách khác để dọa tiếp chị X: “Nếu chị không đưa tiền thì con trai chị sẽ bị bắt cóc”. Chị X không sợ lời đe dọa về bức ảnh nhưng lại lo sợ con trai mình bị bắt cóc, nên đã hứa với T đúng 5 giờ ngày mai chúng sẽ nhận được vàng. Sau khi T đi khỏi, chị X đã nhờ lực lượng cảnh sát can thiệp, nên N, T và H đều bị bắt. Trong trường hợp này tuy T có hành vi thái quá nhưng hành vi này nhằm mục đích chung mà các đồng phạm khác đặt ra và hành vi thái quá của T cũng là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản nên N và H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thái quá của T.

Người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự như đối với người tổ chức trong các vụ án khác, họ cũng là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, người tổ chức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người vạch kế hoạch, chỉ huy việc thực hiện kế hoạch uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản.

Người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Thực tiễn xét xử cho thấy, người xúi giục trong vụ án cưỡng đoạt tài sản thường là những người có mâu thuẫn với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nhưng không có khả năng tổ chức, thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, cũng như không có khả năng tự mình dùng những thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, nên xúi giục người khác thực hiện việc cưỡng đoạt, đồng thời có một số hành vi giúp sức cho việc thực hiện tội phạm như: chỉ mặt, chỉ nhà, cung cấp quy luật đi về của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản…

Người giúp sức trong vụ án cưỡng đoạt tài sản là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nhằm uy hiếp tinh thần của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản như: cho đồng bọn dùng điện thoại của mình để gọi điện thoại cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản, chuyển thư, nhắn tin cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản về nội dung lời đe dọa; nhận tiền hoặc tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản chuyển giao cho đồng bọn…

b) Có tính chất chuyên nghiệp

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, nhưng trường hợp phạm tội này là trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp.

Cưỡng đoạt có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội chủ yếu lấy việc cưỡng đoạt tài sản là nguồn sống chính của bản thân và gia đình mình, nếu người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính, nhưng mới phạm tội cưỡng đoạt tài sản một lần thì không thuộc trường hợp cưỡng đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170, mà thuộc trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

Đây là bổ sung của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999. Khi áp dụng các tình tiết này, cần chú ý: (i) Người dưới 16 tuổi là người chưa đủ 16 tuổi.Việc xác định tuổi của người bị hại được thực hiện theo quy định của pháp luật; (ii) Đối với phụ nữ mà biết có thai là trường hợp người phạm tội biết người bị hại là phụ nữ có thai (như thấy được, nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau); (iii) Người già yếu (chưa có quy định cụ thể) là người từ đủ 70 tuổi trở lên và đang ở trong tình trạng ốm đau hoặc không trong tình trạng ốm đau nhưng là người yếu; (iv) Người không có khả năng tự vệ là người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang ngủ say, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được,… 

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 171; điểm e khoản 2 Điều 169. Việc chiếm đoạt được hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc để xác định trường hợp phạm tội này mà chỉ cần chứng minh người phạm tội có ý định chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 170.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là gây ra những tác động xấu đến tình hình an ninh, tác động tiêu cực đến trật tự, an tòan xã hội. Khi áp dụng tình tiết này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội.

e) Tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại khoản 2 Điều 53 và bất kỳ trường hợp tái phạm nguy hiểm nào được quy định trong Bộ luật hình sự. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 53. Tuy nhiên, phạm tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp tái phạm nguy hiểm khi:

– Người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 170, nếu chỉ phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 170 không phải là tội phạm rất nghiêm trọng.

-Người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cưỡng đoạt tài sản không phân biệt phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 170.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ khác ở chỗ tài sản bị chiếm đoạt ở mức từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt rất lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội có chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Đây là quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

  1. Cưỡng đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 170

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

Đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt đặc biệt lớn và cũng như trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 170, chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa.

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp: tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.

  1. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt chiếm đoạt tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 170 thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hình phạt tiền là hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể nói đây là khung hình phạt tiền đối với tội cưỡng đoạt tài sản. Vì vậy, nếu Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cưỡng đoạt tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 35 thì mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.

Việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội cưỡng đoạt tài phải chú ý đến các quy định tại Điều 45 về loại hình phạt này. Chỉ tịch thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn phải để lại cho người phạm tội và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

—–***——

Trích từ nguồn: Bình Luận Khoa Học BỘ LUẬT HÌNH SỰ – Tập II

(Từ trang 361 đến trang 385)

Tác giả: Thạc sĩ Luật học: Đinh Văn Quế

 

 

 

 

CHẤM DỨT HÔN NHÂN THỰC TẾ THEO ÁN LỆ SỐ 41/2021/AL

CHẤM DỨT HÔN NHÂN THỰC TẾ THEO ÁN LỆ SỐ 41/2021/AL

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI

Điều kiện đơn phương ly hôn, thuận tình ly hôn

  1. Tổng quan 

1.1. Khái quát chung về hôn nhân thực tế

Tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại từ rất lâu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Dưới góc độ pháp lý, tại Việt Nam, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn có thể được hiểu là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội, nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2000 ra đời, trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng có đủ điều kiện kết hôn, nhưng không thực hiện việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn được gọi là “hôn nhân thực tế”.

Thuật ngữ “hôn nhân thực tế” xuất hiện lần đầu tiên trong Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn. Hôn nhân thực tế là hôn nhân được công nhận dựa trên cơ sở thực tế là các bên nam, nữ đã và đang chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn, nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền. Hay theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC BTP ngày 03/01/2001 của TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và Bộ Tư pháp (BTP) hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình”, được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc họ chung sống với nhau được gia đình (một hoặc hai bên) chấp nhận; việc họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng gia đình.

Như vậy, có thể thấy, “hôn nhân thực tế” là một quan hệ thực tế được xác lập giữa một người nam và một người nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưng lại không đăng ký kết hôn. Khái niệm “hôn nhân trên thực tế” được các Thẩm phán Việt Nam và sau đó là nhà lập pháp đưa ra nhằm trao cho một số cặp đôi. chung sống tự do không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tư cách vợ chồng hợp pháp. Điều này có nghĩa là, khi được thừa nhận là hôn nhân thực tế, giữa các bên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như vợ chồng trong hôn nhân hợp pháp dù không đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhằm giải quyết tình trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trong giai đoạn lịch sử trước đây.

Về lịch sử của hôn nhân thực tế, trong một thời gian dài, hôn nhân thực tế được thừa nhận trong thực tiễn xã hội Việt Nam. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế được xem như là một chế định bổ khuyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ hôn nhân. Theo đó, các quy định liên quan đến việc thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế lần lượt được ban hành, cụ thể như sau:

 – Đầu tiên là sự xuất hiện của thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Luật HNGĐ đầu tiên của Việt Nam (năm 1959) không có quy định về hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng, Trước sự “im lặng” của Luật HNGĐ năm 1959, Tòa án có xu hướng “dung thứ” mối quan hệ trên thông qua việc sáng tạo ra tên gọi “hôn nhân thực tế”. Việc này nhằm tạo ra cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Cụ thể, TANDTC đã ban hành hai văn bản điều chỉnh vấn đề này gồm Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn và Thông tư số 81/DS ngày 27/4/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Theo đó, khi việc chung sống như vợ chồng được thừa nhận là hôn nhân thực tế thì sẽ có giá trị tương tự như hôn nhân có đăng ký kết hôn.

– Kế đến là việc thu hẹp các trường hợp được xem là “hôn nhân trên thực tế”. Tương tự Luật HNGĐ năm 1959, Luật HNGĐ năm 1986 vẫn “im lặng” đối với việc vi phạm quy định về hình thức kết hôn. Tuy nhiên, khi quy định về những trường hợp kết hôn trái pháp luật, Điều 9 Luật HNGĐ năm 1986 nêu rõ: “Việc kết hôn vi phạm một trong các điều 5, 6, 7 của Luật này là trái pháp luật”. Điều 8 quy định về hình thức kết hôn không được đề cập ở đó. Điều này đã khiến người dân cho rằng, việc vi phạm Điều 8, tức là kết hôn không đăng ký không trái pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng đã công nhận đối với những trường hợp “hôn nhân thực tế” để giải quyết các hậu quả pháp lý nảy sinh từ việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cụ thể, Mục 2 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP quy định: “Trong thực tế vẫn có không ít trường hợp kết hôn không có đăng ký. Việc này tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn nhưng không coi là việc kết hôn trái pháp luật, nếu việc kết hôn không trái với các điều 5, 6, 7. Trong những trường hợp này, nếu có một hoặc hai bên xin ly hôn, Tòa án không hủy việc kết hôn theo Điều 9 mà xử như việc xin ly hôn theo Điều 40”. Đồng thời, Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 1995 cũng nêu rõ: “Giai đoạn hiện nay chỉ công nhận có hôn nhân thực tế đối với những trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau được hàng chục năm, có con chung, có tài sản chung”. Quy định này có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự, nhất là với phụ nữ, do đó, TANDTC tiếp tục thừa nhận “hôn nhân thực tế” đối với những cặp chung sống như vợ chồng với nhau hàng chục năm mà không đăng ký kết hôn, có tài sản hoặc có con chung. Sau đó, tại Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 giải đáp về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng, TANDTC đã hướng dẫn những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn để được công nhận là “hôn nhân thực tế” phải thỏa mãn thêm một điều kiện, đó là việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn phải được xác lập trước ngày Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực pháp luật (tức là ngày 03/01/1987). Như vậy, có thể thấy, nội dung các quy định liên quan đến việc thừa nhận hôn nhân thực tế có xu hướng ngày càng thu hẹp bằng cách đặt ra nhiều điều kiện hơn. Xu hướng này phần nào thể hiện. “thái độ” không ủng hộ của Nhà nước đối với việc chung sống như vợ chồng. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết những hậu quả phát sinh từ việc chung sống không đăng ký kết hôn cũng như bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

– Tiếp theo là sự không thừa nhận đối với quan hệ chung sống như vợ chồng và sự biến mất của thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Sau thời gian “im lặng”, pháp luật hôn nhân và gia đình đã thể hiện rõ “thái độ” về việc chung sống như vợ chồng. Cụ thể, Luật HNGĐ năm 2000 không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ chung sống như vợ chồng. Theo đó, khoản 1 Điều 11 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng…”. Có thể thấy, Luật HNGĐ năm 2000 đã sử dụng thuật ngữ “chung sống như vợ chồng” để thay thế cho thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Tuy nhiên, để giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân thực tế đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm, các nhà lập pháp đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này như: Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000 NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP. Những văn bản trên đã đưa ra hướng dẫn cụ thể giải quyết đối với những trường hợp vi phạm việc đăng ký kết hôn từ trước ngày 01/01/2001. Còn đối với những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng kể từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng và Luật HNGĐ năm 2000 cũng không đưa ra quy định riêng để giải quyết hậu quả pháp lý đối với những quan hệ phát sinh từ ngày này. Có thể thấy, thông qua quy định của Luật HNGĐ năm 2000, các nhà làm luật Việt Nam đã thể hiện thái độ kiên quyết xóa bỏ hôn nhân thực tế và chỉ đưa ra các quy định để giải quyết hậu quả pháp lý của lịch sử để lại.

– Sự xuất hiện của khái niệm “chung sống như vợ chồng” và các quy định giải quyết các quan hệ phát sinh từ việc chung sống. Luật HNGĐ năm 2014 đã đưa ra khái niệm “chung sống như vợ chồng” cũng như các quy định giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như quan hệ nhân thân, quan hệ cha me con, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng. Về nguyên tắc, Luật HNGĐ năm 2014 vẫn không thừa nhận giá trị pháp lý của việc chung sống như vợ chồng, nhưng đã đưa ra quy định về việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Bởi lẽ, quan hệ hôn nhân dù có giá trị pháp lý hay không thì nó vẫn hình thành nên mối quan hệ gia đình giữa các thành viên”. Bên cạnh đó, để giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân thực tế, Điều 131 Luật HNGĐ năm 2014 đã quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau: “1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết. 2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này. 3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực”. Do đó, các quy định liên quan đến hôn nhân thực tế vẫn được áp dụng. Căn cứ Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 thì những trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HNGĐ năm 2000; trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật HNGĐ năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng; kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng quy định của Luật HNGĐ để giải quyết.

1.2. Khái quát chung về án lệ tại Việt Nam

1.2.1. Khái niệm án lệ

Tại Việt Nam, khái niệm về án lệ lần đầu tiên được chính thức ghi nhận tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 28/10/2015 (có hiệu lực từ ngày 16/12/2015). Điều 1 Nghị quyết này quy định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Theo đó, lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án dùng làm án lệ là: “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể” (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết SỐ 03/2015/NQ-HĐTP). Có thể thấy, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã tạo nên một khái niệm chính thống về “án lệ” tại Việt Nam.

Theo khái niệm này, án lệ trước hết phải là những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và sau đó, phải chứa những phân tích và giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý làm cơ sở cho Tòa án chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng.

Sau một thời gian áp dụng. Nghị quyết số 03/2015/NO-HELP đã được thay thế bởi Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐTP. Khái niệm án lệ vẫn được quy định tương tự như trước đây, nhưng nội hàm đã có sự thay đổi, mở rộng hơn. Cụ thể, lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định không chỉ có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể, mà còn thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ). Theo quy định này thì án lệ không chỉ dừng lại ở việc “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau…” như trong quy định trước đây mà còn “… thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”. Án lệ không chỉ có giá trị làm rõ các quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, mà còn là những bản án thể hiện là công bằng đối với những sự kiện pháp lý mới phát sinh mà pháp luật thành văn bản chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.

1.2.2. Một số giải pháp của Tòa án đối với các quan hệ phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng

Có thể thấy, mặc dù pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam không thừa nhận quan hệ chung sống như vợ chồng, nhưng để bảo đảm tính thống nhất trong xét xử, khắc phục những khó khăn của các Tòa án cấp dưới, TANDTC đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này như đã trình bày ở trên. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân các cấp cũng đã thể hiện quan điểm xét xử của mình xung quanh những tranh chấp phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng thông qua việc thừa nhận một số trường hợp là hôn nhân thực tế nhằm phân biệt với những trường hợp chung sống tạm bợ. Tuy nhiên, trong giai đoạn án lệ chưa được chính thức thừa nhận thì những giải pháp được các Tòa án đưa ra bị giới hạn trong việc áp dụng các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất cho hoạt động xét xử. Đến khi án lệ được chính thức thừa nhận tại Việt Nam và đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực. Án lệ số 41/2021/AL đã được ban hành nhằm đưa ra giải pháp pháp lý liên quan đến việc chấm dứt hôn nhân thực tế.

  1. Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế

2.1. Nội dung cơ bản của Án lệ số 41/2021/AL

– Nguồn án lệ: Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010/DSPT ngày 29/7/2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng về vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung” tại tỉnh Kon Tum giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Trọng P1 với bị đơn là anh Trần Trọng P2 và anh Trần Trọng P3; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

– Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 3, 4 phần “Nhận định của Tòa án”.

– Khái quát nội dung của án lệ:

+ Tình huống án lệ: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.

+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.

– Quy định của pháp luật liên quan đến án lề: Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015); Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Nghị quyết số 02/2000 NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

– Từ khóa của án lệ: “Hôn nhân thực tế”; “Chấm dứt hôn nhân thực tế”.

 2.2. Bình luận Án lệ số 41/2021/AL

Theo quy định của các văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề hôn nhân thực tế nêu trên, có thể thấy, hiện nay chỉ có quy định về cách xác định thời điểm bắt đầu quan hệ hôn nhân thực tế. Cụ thể, điểm c Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định thời điểm nam, nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Tuy nhiên, đối với thời điểm chấm dứt hôn nhân thực tế thì pháp luật hôn nhân và gia đình chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Nhìn chung, hôn nhân thực tế được hình thành từ việc chung sống tự do, nên khi chấm dứt cũng thường được. thực hiện một cách tự do. Mặc dù về nguyên tắc khi việc chung sống như vợ chồng được thừa nhận là hôn nhân thực tế và có giá trị pháp lý tương tự như hôn nhân có đăng ký, nên việc chấm dứt cũng cần buộc phải thông qua con đường tư pháp. Nhưng có thể thấy rằng, khi chấm dứt việc chung sống, không phải lúc nào các bên chung sống như vợ chồng cũng yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Nhiều trường hợp hôn nhân thực tế được chấm dứt trên thực tế, nghĩa là, các bên không còn chung sống với nhau, không còn chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Sau khi chấm dứt việc chung sống, một trong các bên hoặc cả hai bên tiếp tục chung sống như vợ chồng với người khác. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là quan hệ chung sống nào sẽ được thừa nhận là hôn nhân thực tế?

Trước vấn đề này, pháp luật hôn nhân và gia đình đã “im lặng” trong một thời gian dài. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các quan hệ tranh chấp phát sinh từ các quan hệ chung sống này. Nhằm giải quyết vấn đề này, bảo đảm cho hoạt động xét xử được thống nhất cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, ngày 23/02/2021, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế. Án lệ này đã được Chánh án TANDTC công bố theo Quyết định số 42/QĐ-CA vào ngày 12/3/2021. Theo đó, Án lệ số 41/2021/AL đã nêu lên tình huống pháp lý là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, nhưng sau đó, họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế. Trong trường hợp này, giải pháp pháp lý được Tòa án đưa ra là quan hệ hôn nhân thực tế đầu tiên được xác định là đã chấm dứt.

Có thể thấy, khi giải quyết vụ việc nêu trên, Tòa án có thẩm quyền đã áp dụng các quy định về hôn nhân thực tế như đã trình bày ở trên để giải quyết những tranh chấp phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng. Theo đó, những trường hợp chung sống trước khi Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực, có con chung, có tài sản chung mà không có đăng ký kết hôn, thì được thừa nhận là hôn nhân thực tế. Để được thừa nhận là hôn nhân thực tế, thì một trong những điều kiện tiên quyết là họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Do đó, khi các bên không còn chung sống với nhau trên thực tế, không còn chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình, thì quan hệ hôn nhân đó cần phải được xem là đã chấm dứt. Trong trường hợp một hoặc cả hai bên đã chung sống như vợ chồng với người khác, thì quan hệ chung sống sau sẽ được thừa nhận là hôn nhân thực tế nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp quan hệ hôn nhân thực tế được thừa nhận thì giữa các bên có quyền và nghĩa vụ với nhau như vợ chồng hợp pháp, cụ thể là được chia tài sản chung và được hưởng thừa kế di sản của nhau. Có thể thấy, giải pháp pháp lý mà Tòa án có thẩm quyền đã đưa ra để giải quyết vụ việc tranh chấp nêu trên là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với sự thật khách quan, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên.

Tóm lại, có thể thấy hoạt động ban hành và áp dụng án lệ trong thời gian vừa qua tại Việt Nam bước đầu đã có những thành công nhất định. Nhiều vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ ràng thì hiện nay đã có đường lối giải quyết, từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động xét xử. Riêng đối với vấn đề chung sống như vợ chồng thì mặc dù số lượng án lệ vẫn còn hạn chế (Án lệ số 41/2021/AL là án lệ đầu tiên về vấn đề này), nhưng bước đầu đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhiều vấn đề pháp lý về quan hệ chung sống như vợ chồng chưa được quy định một cách đầy đủ hoặc rõ ràng.

————————–

 Tài liệu tham khảo 

  1. Luật Hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1986, 2000, 2014.
  2. Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23/02/2021.
  3. Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.
  4. Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
  5. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
  6. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
  7. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. fillin
  8. Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
  9. Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn.
  10. Thông tư số 81/DS ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế.
  11. Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình”.
  12. Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng.
  13. Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác năm 1995 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 1996 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội, 1995.
  14. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
  15. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Công an nhân dân, 2002.

 

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 21 (kỳ I tháng 11/2022)

Từ trang 01 đến trang 07

Do ThS. Huỳnh Thị Nam Hải biên soạn

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG

MỘT SỐ BẤT CẬP VỀ CĂN CỨ CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC CHẤM DỨT QUYỀN HƯỞNG DỤNG

ThS. TRẦN THỊ CẨM NHUNG

ThS. VÕ NGUYỄN NAM TRUNG

Người nào không có tên trong di chúc nhưng vẫn có quyền thừa kế?

  1. Quy định pháp luật về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Một trong các đặc điểm của quyền hưởng dụng đó là tính tạm thời của quyền này. Cụ thể, quyền hưởng dụng chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, bên hưởng dụng phải có nghĩa vụ trả lại tài sản và duy trì công năng của tài sản. Suy cho cùng việc một người có quyền sử dụng, khai thác và hưởng hoa lợi thông qua quyền hưởng dụng thì vẫn chỉ là hưởng dụng trên tài sản của người khác nên cho dù việc hưởng dụng này diễn ra dài hạn hay ngắn hạn thì cũng phải kết thúc bằng sự kiện hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu’. Theo đó, Điều 265 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã quy định bảy căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng, trong đó, căn cứ thứ bảy là căn cứ mang tính kỹ thuật lập pháp:

Một là, quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt khi thời hạn hưởng dụng đã hết. Thời hạn hưởng dụng có thể là một khoảng thời gian xác định theo sự thỏa thuận giữa các bên hoặc phụ thuộc vào sự tồn tại của một cá nhân hoặc pháp nhân hay là một giới hạn thời gian do luật định. Ví dụ: tối đa là 30 năm đối với pháp nhân. Quyền hưởng dụng là một quyền có thời hạn, do đó, khi kết thúc thời hạn hưởng dụng thì quyền này sẽ chấm dứt để trả lại quyền sở hữu toàn diện cho người chủ sở hữu.

Quy định về quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt bởi cái chết của người hưởng dụng, có sự thống nhất cao về quy định này giữa các quốc gia trên thế giới như Pháp, Đức, Thái Lan, Nam Phi và cả ở Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 1061 BLDS Đức quy định: “Quyền hưởng dụng sẽ bị chấm dứt bởi cái chết của người có quyền” và Điều 617 BLDS Pháp: “Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Người hưởng hoa lợi, lợi tức chết hoặc bị tước vĩnh viễn các quyền dân sự”. Trái với nguyên tắc quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt bởi cái chết của người hưởng dụng của các quốc gia trên, trong BLDS Bắc và Trung kỳ lại có quy định về vấn đề thừa kế quyền hưởng dụng, cụ thể là nếu người hưởng dụng chết mà kỳ hạn hưởng quyền vẫn chưa hết thì quyền hưởng dụng có thể chuyển giao cho người thừa kế của người chết để hưởng dụng cho đến khi kết thúc thời hạn. Nội dung này theo tác giả có sự mâu thuẫn với nguyên tắc của quyền hưởng dụng khi trước đó các Bộ dân luật này có nêu dù quyền hưởng dụng có kỳ hạn hay không có kỳ hạn cũng chỉ hưởng hết đời người hưởng quyền là cùng. Tác giả cũng cho rằng việc quyền hưởng dụng chấm dứt khi người được hưởng quyền chết là hợp lý vì quyền này là một quyền xác định, biểu hiện cho ý chí của người cấp quyền, họ mong muốn từ quyền này sẽ tạo ra lợi ích kinh tế, duy trì cuộc sống cho người được hưởng dụng, còn những người thừa kế của người có quyền hưởng dụng chưa chắc là chủ thể mà bên cấp quyền muốn trao quyền cho họ.

Hai là, khi các bên thỏa thuận với nhau về việc sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ kết thúc. Quyền hưởng dụng cũng là một quyền dân sự hay nói đúng hơn nó là một quyền tài sản, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Theo khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Do đó, nếu các bên thống nhất ý chí về việc chấm dứt quyền hưởng dụng thì quyền này sẽ được chấm dứt trên cơ sở không gây phương hại đến pháp luật, xã hội và chủ thể thứ ba.

Ba là, khi bên hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng thì quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt. Trong trường hợp bên hưởng dụng trở thành chủ sở hữu của tài sản, lúc này việc khai thác, sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản không phải xuất phát từ việc thực hiện quyền hưởng dụng mà được thực hiện dưới dạng quyền năng của chủ sở hữu. Ví dụ, ông A thỏa thuận xác lập quyền hưởng dụng trong vòng 10 năm cho con trai của ông đối với 1.000m2 đất làm vườn đang thuộc quyền sử dụng của ông, nhưng đến năm thứ 6 thì ông A chết và để phần thừa kế mảnh vườn này lại cho chính người con trai đó, như vậy mảnh vườn đang là đối tượng của quyền hưởng dụng đã trở thành tài sản thuộc sở hữu (quyền sử dụng đất) của người đang hưởng dụng. Trong trường hợp này quyền hưởng dụng bị triệt tiêu.

Bốn là, bên hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định. Quyền hưởng dụng được đặt ra nhằm mục đích chia sẻ lợi ích của tài sản giữa các chủ thể trong xã hội, đồng thời nhằm khai thác tối đa công năng của tài sản, tránh sự lãng phí trong trường hợp có những chủ thể không có nhu cầu sử dụng tài sản. Do đó, việc một người từ bỏ quyền lợi của mình hay không có nhu cầu thực hiện quyền mà mình có thì nên chấm dứt quyền đó để tạo cơ hội cho người khác khai thác tài sản.

Năm là, tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn. Vì quyền hưởng dụng là một quyền mang tính trực tiếp trên tài sản, do đó, khi tài sản là đối tượng của quyền không còn thì không thể nào buộc chủ sở hữu phải chuyển giao một tài sản mới hoặc tái tạo tài sản hưởng dụng để bên hưởng dụng tiếp tục hưởng dụng.

Sáu là, quyền hưởng dụng có thể bị chấm dứt theo quyết định của Tòa án. Tùy vào từng trường hợp, Tòa án có thể quyết định truất quyền hưởng dụng của một chủ thể. Hiện nay BLDS năm 2015 chưa xây dựng một quy chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để Tòa án giải quyết các trường hợp làm chấm dứt quyền hưởng dụng, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, theo yêu cầu của chủ sở hữu tài sản về việc vi phạm nghĩa vụ của bên hưởng dụng và người chủ sở hữu có thể chứng minh được sự vi phạm này theo các quy định về thủ tục tố tụng hoặc quyền hưởng dụng gây phương hại đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người khác thì Tòa án có thể ra quyết định truất quyền hưởng dụng. Dù vậy thì khi tước đi quyền lợi của một người thì cần có sự bù đắp thiệt hại cho người đó, ví dụ Bộ Dân luật năm 1972 quy định trong trường hợp Tòa án truất quyền huởng dụng và giao trả tài sản cho chủ sở hữu thì buộc người chủ sở hữu phải trả một số tiền định kỳ cho bên hưởng dụng hay còn gọi là dụng ích cho đến khi thời hạn dụng ích kết thúc.

  1. Hậu quả của việc chấm dứt quyền hưởng

Quyền hưởng dụng chấm dứt sẽ làm phát sinh hậu quả về mặt pháp lý và về mặt lợi ích vật chất.

– Về mặt pháp lý: Quyền hưởng dụng chấm dứt đồng thời làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của bên hưởng dụng. Cụ thể:

Thứ nhất, đối với bên hưởng dụng, khi chấm dứt quyền hưởng dụng, bên hưởng dụng phải hoàn trả lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng cho chủ sở hữu theo quy định tại Điều 266 BLDS năm 2015, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác (chẳng hạn trong trường hợp đổi tượng của quyền hưởng dụng không còn). Quyền hưởng dụng chấm dứt đồng nghĩa với quyền và nghĩa vụ của bên hưởng dụng cũng chấm dứt. Bên hưởng dụng sẽ không được tiếp tục sử dụng, khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, không được cho thuê quyền bởi quyền đã chấm dứt và không được thực hiện một số quyền khác theo quy định của luật. Song song đó, bên hưởng dụng không còn bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ liên quan đến quyền hưởng dụng.

Thứ hai, đối với chủ sở hữu, từ khi quyền hưởng dụng chấm dứt, chủ sở hữu sẽ có toàn quyền năng đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Chủ sở hữu sẽ được tự do thực hiện các giao dịch dân sự mà không bị ràng buộc bất cứ nghĩa vụ gì liên quan đến quyền hưởng dụng, cũng như bảo đảm được giá trị tài sản khi giao dịch. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt.

Về mặt vật chất: Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng. Khi bàn về hoàn trả tài sản, dự thảo Bộ luật Dân sự mà Chính phủ trình Quốc hội năm 2015 để thông qua có một Điều luật với tiêu đề Hoàn trả tài sản khi hết thời hạn của quyền hưởng dụng có nội dung “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả chủ sở hữu khi quyền hưởng dụng chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trong quá trình chỉnh lý Dự thảo tại Quốc hội, Ban soạn thảo cho rằng “quy định trên có tiêu đề với phạm vi áp dụng rất hẹp là chỉ khi hết thời hạn nhưng nội hàm thì có thể áp dụng với bất kỳ trường hợp chấm dứt quyền hưởng dụng nào. Thực tế, còn những trường hợp khác cũng phải hoàn trả như khi các bên có thỏa thuận chấm dứt quyền hưởng dụng. Do đó, đề xuất thay cụm từ “khi hết thời hạn” bằng “khi chấm dứt quyền hưởng dụng”. Ngoài ra, để hoàn thiện câu từ theo tiếng Việt, đề xuất thêm từ “cho” sau từ “hoàn trả” và trước từ “chủ sở hữu”. Đề xuất nêu trên đã được tiếp thu và hiện nay tại Điều 266 BLDS năm 2015 đã được ghi nhận với tiêu đề Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng và nội dung “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đối với quyền hưởng dụng, không đòi hỏi lúc nào cũng hoàn trả nguyên trạng ban đầu, mà tùy theo từng loại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mà áp dụng những hình thức hoàn trả khác nhau. Ở đây quy định của luật về vấn đề hoàn trả tài sản hưởng dụng còn khá đơn giản khi quy định nghĩa vụ hoàn trả mà không quy định việc hoàn trả sẽ diễn ra như thế nào đối với từng loại tài sản.

Về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản hưởng dụng, khi hoàn trả tài sản đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thu lợi từ tài sản đó. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa kị, lợi tức thu được tung ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

  1. Một số bất cập về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Thứ nhất, về việc bên hưởng dụng không thực hiện quyền trong một thời hạn.

Căn cứ này cũng tương tự với việc từ bỏ quyền sở hữu sẽ dẫn đến chấm dứt quyền sở hữu theo khoản 2 Điều 237 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, hiện nay BLDS năm 2015 và các luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ và phát triển rừng không quy định người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn bao lâu thì sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng.

Theo Hiến pháp năm 2013, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quy định tại khoản 4 Điều 265 BLDS năm 2015 chỉ có thể được thực hiện khi có luật điều chỉnh, bởi chỉ có luật mới có thể giới hạn quyền của một chủ thể.

Về nội dung này, BLDS Bắc và Trung kỳ cũng có đề cập đến việc tước quyền hưởng dụng do không hưởng dụng trong một thời gian, cụ thể Điều 604 BLDS Trung kỳ quy định: “Những khi như sau này thời quyền hưởng dụng tiêu hết: khi người được hưởng dụng thu lợi từ chối quyền ấy, hay không dùng quyền ấy trong thời hạn mười lăm năm”. Như vậy, trong các văn bản trước đây đã đề cập đến việc chấm dứt quyền hưởng dụng khi chủ thể hưởng dụng không thực hiện quyền của mình nhưng thời điểm này các văn bản trên lại chi tiết hơn khi đưa ra một khoảng thời gian là 15 năm để tước quyền hưởng dụng của người không thực hiện quyền này. Khoản 4 Điều 438 Bộ Dân luật năm 1972 cũng có quy định tương tự với khoảng thời gian là 20 năm cho trường hợp bất hưởng dụng và BLDS Pháp quy định sẽ chấm dứt quyền hưởng dụng trong trường hợp quyền hưởng dụng không được thực hiện trong 30 năm. Tương tự như các BLDS thời kỳ cận đại của Việt Nam và BLDS Pháp, BLDS Quebec (Canada) cũng quy định về quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt do không thực hiện quyền, nhưng khoảng thời gian của BLDS này quy định chỉ là 10 năm 15. BLDS Nhật Bản quy định về thời hiệu làm tiêu hủy quyền như sau: “Một trái quyền sẽ mất hiệu lực, nếu không được cưỡng chế thực hiện trong phạm vi 10 năm; vật quyền khác không thuộc dạng trái quyền hoặc quyền sở hữu sẽ hết hiệu lực, nếu không được thực hiện trong vòng 20 năm”.

Thứ hai, về đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao.

Thực tế, có một số quan điểm cho rằng tài sản tiêu hao không thể là đối tượng của quyền hưởng dụng, điều này phù hợp với bản chất của tài sản tiêu hao và đặc thù của quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của BLDS năm 2015 không có quy định giới hạn cụ thể về tài sản hưởng dụng bao gồm những loại tài sản nào, do vậy, có thể dẫn đến quan điểm cho rằng tài sản tiêu hao vẫn có thể trở thành đối tượng của quyền hưởng dụng. Cụ thể là tài sản tiêu hao nằm trong sản nghiệp được hưởng dụng, không phải tài sản tiêu hao độc lập. Bởi vì, căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì tài sản tiêu hao không thể là đối tượng của quyền hưởng dụng nếu việc hưởng dụng diễn ra trên một tài sản tiêu hao độc lập, bởi tài sản tiêu hao là loại tài sản sẽ tiêu biến trong quá trình sử dụng, do đó, nếu cho phép hưởng dụng đối với tài sản này thì bên hưởng dụng sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản thì mới có thể khai thác, sử dụng tài sản đó”. Điều này dẫn đến hậu quả quyền hưởng dụng lúc này sẽ giống với trường hợp hợp đồng vay tài sản, mà hợp đồng vay tài sản lại là một dạng biểu hiện của việc sử dụng tài sản của người không phải chủ sở hữu. Đồng thời, nếu đã có hợp đồng vay tài sản điều chỉnh vấn đề này thì pháp luật không cần đặt ra quy định về quyền hưởng dụng và ý nghĩa của quyền hưởng dụng là giải quyết các vấn đề mà trường hợp sử dụng tài sản của người không phải chủ sở hữu không giải quyết được. Tuy nhiên, nếu tài sản tiêu hao được đặt trong trường hợp hưởng dụng một sản nghiệp và trong sản nghiệp đó bao gồm nhiều tài sản thì có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng. Ví dụ, ông A cho em ruột của mình là B hưởng dụng trong vòng 10 năm đối với một cửa hàng bán vải đã có sẵn hàng hóa trong đó, như vậy, quyền hưởng dụng được xác lập trên bất động sản là kết cấu của cửa hàng đó và cả những kệ tủ, vải vóc có trong cửa hàng. Lúc này, vải vóc là hàng hóa sẽ luân chuyển trong hoạt động kinh doanh, người hưởng dụng có thể bán số vải vóc có trong cửa hàng và nhập hàng khác về tiếp tục kinh doanh. Chỉ cần khi chấm dứt quyền hưởng dụng, B hoàn trả cho ông A cửa hàng có sẵn hàng hóa là vải vóc như lúc đầu, còn sự hao mòn đối với kết cấu cửa hàng hay kệ tủ dưới dạng những hư hao tự nhiên do thời gian sử dụng thì còn lại hiện trạng thế nào B trả như thế ấy.

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì hiện không có điều khoản nào giới hạn về tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng nên có thể thấy tài sản tiêu hao khi là một phần của tổng thể sản nghiệp vẫn có thể là đối tượng của quyền hưởng dụng. Tuy nhiên, khi tài sản tiêu hao trong tổng sản nghiệp được hưởng dụng và bị mất đi thông qua việc sử dụng của bên hưởng dụng có làm chấm dứt quyền hưởng dụng hay không? bởi khi tài sản tiêu hao thuộc về tổng thể sản nghiệp thì tài sản tiêu hao không còn thì vẫn tồn tại các tài sản hưởng dụng khác trong khối sản nghiệp đó. Mối liên hệ chặt chẽ giữa các tài sản trong sản nghiệp đã tạo ra vấn đề bất cập khi các đặc tính vật lý của các tài sản này khác nhau thông qua thời gian hưởng dụng. Đây cũng là một vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền hưởng dụng.

Thứ ba, quy định về việc hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng chưa rõ ràng, cụ thể. Vấn đề hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng, mặc dù đã được quy định trong Điều 266 BLDS năm 2015, nhưng mới dừng lại ở hành vi hoàn trả của bên hưởng dụng khi quyền hưởng dụng bị chấm dứt theo các căn cứ tại Điều 265 BLDS năm 2015, mà vẫn chưa chi tiết hóa việc hoàn trả cụ thể như thế nào với từng loại tài sản được hưởng dụng. Có thể do phần về đối tượng của quyền hưởng dụng không được quy định rõ dẫn đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quyền trên các đối tượng đó cũng không được nêu ra trong luật. Trong khi đó các BLDS thời kỳ Pháp thuộc có nêu rằng khi hoàn trả tài sản hưởng dụng thì không buộc hoàn trả như ban đầu mà sau khi hưởng dụng còn thế nào thì hoàn trả thế ấy. Cụ thể, trường hợp nếu như tài sản hưởng dụng là súc vật thì bên hưởng dụng có thể bán súc vật đó nhưng khi hoàn trả thì hoàn trả như số lượng đã nhận ban đầu, bán đi bao nhiêu thì hoàn trả lại bấy nhiêu, trường hợp nếu như đàn súc vật không còn do tai biến hoặc bệnh tật mà không phải do lỗi của bên hưởng dụng thì bên hưởng dụng phải hoàn lại da hoặc giá tiền da ấy cho người hư chủ, nếu trong đàn đó có những con mới sinh thì sẽ được lấy thế vào những con đã chết. Nếu đối tượng của quyền hưởng dụng là những tài sản như đất đai, nhà cửa, vải vóc, đồ gia dụng, đồ trang trí thì khi chấm dứt quyền hưởng dụng tài sản còn lại thế nào thì hoàn trả thế ấy trừ trường hợp do lỗi của bên hưởng dụng dẫn đến làm mất hoặc hư hỏng tài sản hưởng dụng. Đối với cây cối nếu khi kết thúc quyền hưởng dụng mà cây chết đi hoặc gãy đổ thì bên hưởng dụng trồng lại cây khác thế vào cho chủ sở hữu hoặc phải hoàn trả gỗ nếu như không muốn trồng lại.

Bên cạnh đó, Điều 266 BLDS chỉ quy định về việc người hưởng dụng có nghĩa vụ hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng mà các bên không có thỏa thuận gì khác hoặc không có quy định khác”, ngoài ra các vấn đề khác trong trường hợp quyền hưởng dụng bị chấm dứt như việc hoàn trả tài sản không đúng tình trạng ban đầu thì luật lại không quy định những vấn đề thuộc quyền chủ sở hữu như: tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng tài sản so với ban đầu, bồi thường thiệt hại,… Vì thực tế, khi tiến hành hoàn trả tài sản có thể xảy ra nhiều vấn đề: tài sản hư hỏng, mất mát, suy giảm chức năng, công dụng đáng kể vì thế phải đặt ra vấn đề tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng tài sản so với ban đầu. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng bị thiệt hại có thể do quá trình khai thác công dụng tài sản, cũng có thể do lỗi của người hưởng dụng, người thứ ba, hay thiệt hại vì lý do bất khả kháng, do vậy việc hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu phải kèm theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người hưởng dụng về xử lý vấn đề tài sản bị thiệt hại.

  1. Một số kiến nghị hoàn thiện về căn cứ chấm dứt quyền hưởng dụng

Để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, tác giả đề xuất nên ghi nhận chính thức thời gian chấm dứt quyền hưởng dụng khi chủ thể không thực hiện quyền trong BLDS. Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 265 như sau: “Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn 10 năm đối với bất động sản và 03 năm đối với động sản”. Vì lý do việc không thực hiện quyền hưởng dụng của một chủ thể có thể do yếu tố khách quan nào đó, nếu như chúng ta quy định một khoảng thời gian quá ngắn sẽ dẫn đến các chủ thể này sau khi khắc phục được sự kiện khách quan đó thì cũng không còn đủ thời gian để thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, cũng không nên quy định thời gian quá dài cho trường hợp này vì quyền hưởng dụng được đặt ra trên mục đích tiết kiệm tài sản trong xã hội nên nếu người có quyền không khai thác thì nên chấm dứt quyền của người đó để giành quyền khai thác cho người khác, do đó không nên quy định khoảng thời gian quá dài cho trường hợp này như BLDS Pháp.

Thứ hai, kiến nghị khi sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, nhà làm luật cần bổ sung một điều luật cụ thể quy định về tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng tương tự như quy định về tài sản bảo đảm tại Điều 295 BLDS năm 2015. Theo đó, điều luật mới cần ghi nhận cụ thể, rõ ràng đối với tài sản tiêu hao độc lập thì không là đối tượng của quyền hưởng dụng. Còn đối với tài sản tiêu hao là một phần trong tổng tài sản như phân tích ở trên thì là đối tượng của quyền hưởng dụng. Cách xử lý trong trường hợp này khi chấm dứt quyền hưởng dụng tham khảo học thuyết pháp lý tại Pháp’ việc quyền hưởng dụng được áp đặt lên tài sản tiêu hao thực chất không phải là một quyền hưởng dụng toàn diện mà việc hưởng dụng này được xem là chuẩn quyền hưởng dụng (Quasi-usufruit). Quy định về dạng chuẩn quyền hưởng dụng này bắt đầu được thừa nhận trong BLDS Pháp từ ngày 17/5/1960 ở Điều 587: “Nếu quyền hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản là vật tiêu hao như tiền, thóc gạo, ngũ cốc, rượu, thì người hưởng hoa lợi, lợi tức có quyền dùng tài sản đó, nhưng khi quyền hưởng hoa lợi, lợi tức chấm dứt thì phải hoàn trả tài sản bằng hiện vật theo đúng số lượng và chất lượng vật đó hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị vật đó vào thời điểm hoàn trả”.

Việc sửa đổi, bổ sung này giúp cho việc áp dụng quy định về quyền hưởng dụng trong thực tế được rõ ràng và thống nhất hơn.

Thứ ba, tác giả kiến nghị khoản 5 Điều 265 BLDS năm 2015 về chấm dứt quyền hưởng dụng nên được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn, trừ trường hợp đối tượng của quyền hưởng dụng là tài sản tiêu hao”. Đồng thời, việc hoàn trả tài sản hưởng dụng chỉ phải tiến hành khi thời hạn quyền hưởng dụng đã hết cho dù có việc sử dụng tài sản tiêu hao trước thời điểm hết thời hạn của quyền hưởng dụng. Nếu tài sản bị hưởng dụng là tài sản tiêu hao thì khó có thể trả lại đúng vật đó, vì vậy logic của vấn đề là người hưởng dụng trả lại giá trị tương ứng của tài sản hoặc trả lại tài sản khác cùng số lượng, chất lượng.

Đồng thời, theo quan điểm của tác giả thì pháp luật dân sự liên quan đến quyền hưởng dụng cũng nên nêu rõ việc tài sản sau khi hưởng dụng như thế nào thì hoàn trả thế ấy, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bởi không phải lúc nào tài sản hưởng dụng cũng còn nguyên vẹn như lúc bắt đầu hưởng dụng”.

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 24 (kỳ II tháng 12/2022)

Từ trang 50 đến trang 55

Do ThS. Trần Thị Cẩm Nhung – ThS. Võ Nguyễn Nam Trung biên soạn

NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ TỘI MUA BÁN, CHIẾM ĐOẠT NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI

BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT TRONG NHẬN THỨC VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ TỘI MUA BÁN, CHIẾM ĐOẠT NGƯỜI DƯỚI 16 TUỔI

 

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

ThS. LÊ THỊ HƯƠNG GIANG

  1. Thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội giết ngườiBị chê hát dở, thanh niên mang dao đâm chết người tại tiệc cưới

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã cụ thể hóa tình tiết định khung tăng nặng “giết nhiều người” thành “giết 02 người trở lên” và cụ thể hóa tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng” thành “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Để áp dụng thống nhất và chính xác, cần thống nhất trong nhận thức về những tình tiết định khung tăng nặng này.

I.1. Thống nhất trong nhận thức về tình tiết định khung tăng nặng “giết 02 người trở lên”

Giết 02 người trở lên là một trong những tình tiết được xem là nghiêm trọng nhất trong thực tiễn xét xử, vì tình tiết này không những cho thấy mức độ tàn ác rất cao của người phạm tội, mà tác hại gây ra cũng rất lớn, hoặc đã xâm phạm đến những người cần được đặc biệt bảo vệ.

Giết 02 người trở lên là trường hợp người – phạm tội cố ý gây ra cái chết cho 02 người khác trở lên một cách trái pháp luật. Người phạm tội trong trường hợp này có ý định giết từ 02 người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả 02 người chết trở lên xảy ra. Nếu người phạm tội có ý thức bỏ mặc, chấp nhận hậu quả chết người xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ 02 người chết trở lên mới áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này.

Từ lý luận và thực tiễn điều tra, truy tố, xét tội giết người, chúng tôi thấy, việc áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” phụ thuộc vào lỗi và hậu quả của hành vi phạm tội, nhưng cho đến nay, vẫn còn có những cách hiểu trái ngược nhau, cụ thể là:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng: (1) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người, thì dù không có người nào chết (họ) vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” (nhưng chưa đạt); (2) Nếu người phạm tội cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho 02 người trở lên, thì chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi hậu quả chết 02 người trở lên đã xảy ra; nếu hậu quả chết 02 người trở lên chưa xảy ra, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này. Bởi vì, trong trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội không mong muốn hậu quả chết (nhiều) người xảy ra, cho nên hậu quả xảy ra đến đâu, thì xử người phạm tội đến đó; (3) Nếu người phạm tội cố ý trực tiếp gây ra cái chết cho một người (A), đồng thời cố ý gián tiếp gây ra cái chết cho (B) hoặc nhiều người khác (B và C) thì: (i) Áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi B hoặc C chết (đây là trường hợp “giết 02 người trở lên”, nhưng chưa đạt) hoặc khi có từ 02 người chết trở lên (A – B, A – C, B – C hoặc cả A – B và C); (ii) Không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” khi cả A, B và C đều không chết hoặc khi chỉ có A chết.

Cách hiểu thứ hai cho rằng: Không (nên) áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “phạm tội đối với 02 người trở lên” khi hậu quả chết 02 người trở lên chưa xảy ra. Bởi vì, trong trường hợp chưa gây ra hậu quả chết 02 người trở lên thì hành vi giết 02 người trở lên (cho dù là cố ý trực tiếp) cũng chỉ nguy hiểm như những trường hợp giết người thông thường.

Nếu có 02 người chết, nhưng lại có 01 người do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết 02 người trở lên mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “giết người” và “vô ý làm chết người”. Ví dụ: A và B cùng uống rượu ở nhà A, “rượu vào lời ra” dẫn đến hai người tranh cãi, A bực tức rút súng bắn B. Thấy A rút súng bắn mình, B hoảng sợ bỏ chạy ra cửa; vừa lúc đó, con của A thấy hai người to tiếng chạy vào, A nổ súng, đạn xuyên qua ngực B trúng vào đầu con của A; cả B và con của A đều bị chết.

Nếu có 02 người chết, nhưng chỉ có 01 người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ, thì cũng không định tội giết 02 người trở lên, mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội giết người và một tội khác (giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…).

Tuy nhiên, quy định này hiện nay vẫn có 02 cách hiểu khác nhau: Một là, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này khi đã có từ 02 người chết trở lên. Hai là, áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này cả trong trường hợp chưa có người nào chết, nhưng nếu chứng minh được người phạm tội cố ý trực tiếp giết 02 người trở lên (Ví dụ: Dùng ô tô đâm vào 02 người để giết cả 02 nạn nhân thì dù chưa có ai chết, vẫn áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này); chỉ trong trường hợp cố ý gián tiếp giết 02 người trở lên, mới đòi hỏi phải có từ 02 người chết trở lên (Ví dụ: Dùng dao đâm bừa vào 02 người để giết cả 02 nạn nhân, thì cả 02 nạn nhân đã chết mới áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này).

Để việc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” được dễ dàng và thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: Vì tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên” là tình tiết đòi hỏi hai dấu hiệu: Dấu hiệu lỗi (cố ý) và dấu hiệu hậu quả (chết 02 người trở lên) cho nên, chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này khi thỏa mãn 02 điều kiện: (1) Về chủ quan: Người phạm tội cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp) với hậu quả chết 02 người trở lên; và (2) Về khách quan: Đã có 02 người chết trở lên. Nếu hậu quả này chưa xảy ra thì không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên. Bởi vì, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này tăng không đáng kể so với trường hợp giết người thông thường. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội giết 02 người trở lên nếu tất cả những lần giết người chưa bị truy cứu TNHS. Nếu trong các lần phạm tội giết người, chỉ có 01 lần chưa bị xét xử, còn các lần khác đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu TNHS’ thì không được tính để xác định và áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “giết 02 người trở lên”.

1.2. Thống nhất trong nhận thức về tình tiết định khung tăng nặng “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”

Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp giết người mà liền trước hoặc ngay sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù hoặc một tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Ngay sau khi giết nạn nhân, người phạm tội lại thực hiện tội cướp tài sản của người khác không có quan hệ gì với nạn nhân.

Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là liền trước đó hoặc ngay sau đó, nhưng qua thực tiễn xét xử, chỉ coi là liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, nếu như tội phạm được thực hiện trước đó hoặc sau đó về thời gian phải liền kề với hành vi giết người có thể trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc cùng lắm là trong ngày, nếu tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước đó hoặc sau đó có khoảng cách nhất định, không còn liền với hành vi giết người, thì không coi là giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp giết người này khác với trường hợp giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, ở chỗ: Tội phạm mà người phạm tội thực hiện trước hoặc sau khi giết nạn nhân không liên quan đến tội giết người và phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác” tuy đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng trong Bản chuyên đề Tổng kết thực tiễn xét xử loại tội giết người ban hành kèm theo Công văn số 452-HS2 ngày 10/8/1970, nhưng do hướng dẫn chưa cụ thể, chưa thật đầy đủ (nhất là đối với trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác) nên cho đến nay, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác”.

Cách hiểu thứ hai cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác chỉ nên áp dụng (một) tình tiết tăng nặng định khung “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Cách hiểu thứ ba cho rằng: Trường hợp giết người để thực hiện ngay hoặc để che giấu ngay tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác phải bị áp dụng cả hai tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác”“giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Để áp dụng pháp luật hình sự thống nhất và chính xác, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này theo hướng:

Thứ nhất, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác và liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân họ chỉ phạm một tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng thì không áp dụng tình tiết nào trong hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”“giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Thứ hai, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân không nhằm thực hiện cũng không nhằm che giấu tội phạm khác, nhưng liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân, họ lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì chỉ áp dụng một tình tiết tăng nặng định khung “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ ba, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân nhằm thực hiện hoặc nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân, thì chỉ áp dụng một tình tiết tăng nặng định khung “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”.

Thứ tư, nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội giết nạn nhân nhằm thực hiện hoặc nhằm che giấu tội phạm khác và tội phạm khác này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện liền trước hoặc ngay sau khi giết nạn nhân thì (phải) áp dụng cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Bởi vì, trường hợp giết người này không những có mức độ nguy hiểm cao hơn các trường hợp giết người nói trên mà nó còn thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cả hai tình tiết “giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” và “giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác”. Do đó, nếu chỉ áp dụng một trong hai tình tiết sẽ không phản ánh đúng bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi giết người trong trường hợp này.

  1. Thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổiTội Mua Bán Người Dưới 16 Tuổi - LUẬT SƯ BÀO CHỮA GIỎI No.1

Khoản 2, 3 Điều 151 BLHS năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã bổ sung 02 tình tiết định khung tăng nặng của tội mua bán người dưới 16 tuổi là: “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này” (điểm h khoản 2) và “Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm c khoản 3). Khoản 4 Điều 151 BLHS năm 2015 đã bổ sung hình phạt “cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm” đối với người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Khoản 2, 3 Điều 153 BLHS năm 2015, so với BLHS năm 1999, đã bổ sung 02 tình tiết định khung tăng nặng của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vì của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%” (điểm e khoản 2) và “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” (điểm c khoản 3).

Những sửa đổi, bổ sung này không những bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, nhân đạo, công bằng và thống nhất với các quy định khác trong BLHS, lại vừa chặt chẽ, logic về kỹ thuật lập pháp, nhất là việc gộp 02 tình tiết định khung tăng nặng “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”“gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” thành 01 tình tiết “gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”, mà còn không bỏ lọt các trường hợp phạm tội nguy hiểm và nhằm trừng trị nghiêm người phạm tội mua bán trẻ em trong trường hợp đã gây ra những hậu quả nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em. Bởi lẽ, nếu quy định theo hướng tách 02 tình tiết như trên, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng và khó phân định giữa trường hợp vừa “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” lại vừa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên” mà nguyên nhân nạn nhân bị “rối loạn tâm thần và hành vi” lại do chính “thương tích hoặc tổn hại sức khỏe” (nghĩa là 01 tỷ lệ tổn thương của nạn nhân lại (có thể) bị áp dụng 02 lần với 02 tình tiết định khung tăng nặng, vừa vi phạm nguyên tắc của luật hình sự, vừa không bảo đảm tính nhân đạo, công bằng và gây bất lợi cho người phạm tội).

Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại người dưới 16 tuổi, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ hiến những quy định mới của BLHS năm 2015 và những văn bản hướng dẫn áp dụng, nhất là Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự về truy cứu TNHS trong các trường hợp: (1) sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài; (2) sử dụng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài; (3) người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; (4) sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi và (5) truy cứu TNHS trong trường hợp có nhiều hành vi phạm tội. Theo đó, trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn thực hiện các hành vi phạm tội khác, thì ngoài việc bị truy cứu TNHS về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, người phạm tội còn bị truy cứu TNHS về tội khác tương ứng theo quy định của BLHS. Ví dụ: Nguyễn Văn A mua Nguyễn Thị C để bán. Trong quá trình đem C đi bán, A đã đánh C gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 30%. Trong trường hợp này, A bị truy cứu TNHS về 02 tội là mua bán người và cố ý gây thương tích.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi nhằm bảo đảm thống nhất trong nhận thức về những quy định mới của BLHS năm 2015 về tội giết người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại người dưới 16 tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20/6/2017.
  2. Tòa án nhân dân tối cao, Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập 1 (1945 – 1974), Hà Nội, năm 1979, tr. 334, 4. Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

* Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

 

—–***——

Trích từ nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 24 (kỳ II tháng 12/2022)

Từ trang 45 đến trang 49

Do TS. Đỗ Đức Hồng Hà – ThS. Lê Thị Hương Giang biên soạn

PHÁT TÁN TIN GIẢ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

PHÁT TÁN TÍN GIẢ TRÊN KHÔNG GIÀN MẠNG

THỰC TRẠNG, QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

 PGS.TS. PHẠM MINH TUYÊN

Đặt vấn đề

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội đang tiến vào một giai đoạn phát triển toàn diện về nền tảng công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phương thức sinh thái hoạt động và quản trị. Đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số đã đưa các hoạt động từ đời thực lên không gian mạng đã làm biến đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Với khả năng kết nối vô hạn, mạng không gian mở rộng phạm vi không giới hạn lãnh thổ. Mạng lưới không gian cũng sẽ trở thành một phần không gian sống của con người, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực sự của con người. Rất nhiều vấn đề mới được đặt ra từ mạng không gian như: chiến tranh mạng, tội phạm mạng, an ninh mạng… đã được nhiều quốc gia nhận thức và tùy chọn thực tiễn cũng như sự phát triển của chính mình ở mỗi quốc gia gia đều có những biện pháp để giải đáp những vấn đề trên.

Bên rìa những vấn đề đó sẽ hiện ra vấn đề tin giả, tin sai sự thật trên mạng không gian đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể khẳng định mạng gian lận không phải là kênh thông tin mới, thông tin nhanh chóng, đa dạng về nội dung và cung cấp số lượng cũng như không giới hạn số lượng người theo dõi. Do đó, những thông tin được sản xuất và lan truyền trên không gian mạng cũng có tác động tới con người ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Đặc biệt là vấn đề tin giả, tin sai sự thật có tác động xấu đến sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. chặn chặn, xử lý vấn đề tin giả, tin sai sự thật, các quốc gia khác nhau đều có những cách thức đồng bộ cả về khoa học công nghệ và quy định pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng tin giả, tin sai thực sự đã được tạo ra và phát tán khá phổ biến ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội trên nhiều mặt ở nhiều cấp độ, với nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau, có thể là vì mục tiêu kinh tế, chính trị… Có những tin giả, tin sai sự thật được tạo ra nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, có tin giả bôi trơn danh dự, nhân sản phẩm cá nhân, có thiếc giả sử, đó là sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức. Có thể khẳng định, tin giả tin rằng ảnh hưởng thực sự xấu đến sự ổn định và phát triển xã hội về mọi mặt (kinh tế, chính trị, xã hội) và có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Do đó, bên cạnh những giải pháp khoa học công nghệ để ngăn chặn việc phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng thì Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ một số vấn đề về tin già, quy định của pháp luật về tin giả, từ đó đề xuất đưa ra một số kiến ​​nghị hoàn thiện luật.

  1. Một số vấn đề về tin giả, ảnh hưởng tiêu cực của tin giả đến xã hội

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa đưa ra khái niệm về “tin giả”. Thuật ngữ “thông tin giả mạo” xuất hiện 7 lần trong Nghị định số 15/2020/ND-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 15/2020/ND-CP). Tuy nhiên, Nghị định Số 15/2020/ND-CP, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016… chưa đưa ra khái niệm về tin giả. Tuy nhiên, có một số định nghĩa “tin giả” như sau:

Tin giả (tiếng Anh: fake news), còn được gọi là tin rác hoặc tin giả lừa đảo, bao gồm các thông tin cố ý hoặc lừa đảo bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông tin tức truyền thông (trong và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến”. Theo từ điển Cambridge: “Tin giả là những câu chuyện không có thật được truyền tải dưới dạng tin tức trên Internet hoặc các phương tiện truyền thông khác, thường được tạo ra để tác động đến quan điểm chính trị hoặc tạo ra như một trò chơi đùa”. Theo ấn phẩm báo chí của UNESCO: Tin giả ngày nay không chỉ là cái gắn thông tin sai sự thật và gây bối rối, được ngụy trang và phát tán như tin tức. Tin giả hay tin xuyên là một lời nói dối cố ý, có mục tiêu chủ yếu, nhắm vào những kẻ ác ý chủ động lừa dối. Theo Liên minh Châu Âu (EU): Tin giả được hiểu là thông tin sai lệch hoặc thông tin cố ý gây hiểu các nguy cơ có thể kiểm tra được tạo ra, trình bày và phát tán vì lợi ích kinh tế hoặc cố ý lừa dối công khai và có thể gây tổn hại cho cộng đồng.

Trên cơ sở tham khảo các định nghĩa nêu trên và xuất bản phát từ công tác quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra định nghĩa về tin giả trên không gian mạng như sau: “ Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố gắng tải lên, lan truyền mục tiêu không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần thật sự nhưng không hoàn toàn chính xác không được kiểm tra Được chứng minh hoặc phóng đại, suy diễn làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội”.

Hành vi phát tán tin giả trên mạng không gian có thể ảnh hưởng đến an ninh – kinh tế, hoạt động đến an ninh quốc gia; tác động đến niềm tin của dân dân tranh luận với các thông tin trên báo chí chính thống; hoạt động đến sức khỏe cộng đồng.

Như vậy, dựa trên khái niệm cơ bản về tin giả trên mạng không gian, họ đã tìm thấy một số đặc điểm của việc phát tán tin giả trên mạng không gian như sau:

Một là, phát tán tin giả trên không gian mạng là hành vi thực tế của chủ thể có thể thực hiện các hành vi phát tán tin giả;

Hai là, công việc phát tán tin giả là những thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội có thể ở nhiều cấp độ khác nhau (ít nguy hiểm, nguy hiểm, rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm cho xã hội) trong từng thời điểm lịch sử xã hội;

Ba là, chủ nhân có thể phát tán tin giả trên mạng không gian là chủ thể tham gia vào các quan hệ xã hội (có thể là cá nhân, tổ chức) thực hiện với mục tiêu cố gắng;

Bốn là, về động cơ, mục tiêu của hành động phát tán tin giả có thể có nhiều động cơ, mục tiêu khác nhau, có thể là vì kinh tế, mục tiêu chính trị …;

Cuối cùng, tùy thuộc vào tính chất, tốc độ và hậu quả của hành vi phát tán giả tưởng trên không gian mạng, các nước khác nhau có thể quy định hệ thống các quy phạm pháp luật để xử lý hành vi trên (pháp luật có thể xác định các chế độ tài chính chính, chế độ tài chính hoặc cả hai).

  1. Thực trạng phát tán tin giả trên không gian mạng và quy định của pháp luật xử lý phát tán giả tưởng trên không gian mạng

Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin (CNTT), số người sử dụng Internet, mạng xã hội lớn. Những tháng đầu năm 2022 được xác định là gam màu sáng, khi đại dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 và cải thiện đáng kể với tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong khả năng tăng cường chung của toàn nền kinh tế, ngành CNTT tiếp tục duy trì được tăng trưởng. Năm 2021 tổng doanh thu ngành công nghệ thông tin – viễn thông (CNTT-VT) đạt 136.153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số lượng DN công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9 ,5% so với năm 2020. Về doanh thu CNTT-VT, 5 tháng đầu năm 2022 đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Với sự tăng trưởng doanh thu trong 5 tháng đầu năm 2022 , ngành CNTT- VT được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2022, bởi làn sóng chuyển đổi số tiếp theo Tiếp tục diễn ra, đầu tư công nghệ được coi như một nhu cầu tự nhiên, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động vận hành và giảm thiểu chi phí sản xuất trên mọi lĩnh vực. Dự báo của IDC – Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin được tìm thấy, đầu tư chuyển đổi số toàn cầu vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) với dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020-2023. Theo thống kê Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, sử dụng 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% tổng dân số, tăng 7.000.000 người (tăng 11%) trong giai đoạn 2020 -2021…

Bên bờ những lợi ích có được thì mạng xã hội cũng mang lại những tác hại nhất cho cuộc sống con người. Với tính chất đặc thù như dễ xóa đi dấu vết, khó xác định danh tính của người sử dụng trên mạng xã hội dẫn tới tình trạng phát tán tin giả trên Internet với con số đáng báo động và đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng mạnh mẽ để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin… gây nguy hiểm cho xã hội hội ở nhiều cấp độ khác nhau.

– Hướng tới hành vi và mức độ nguy hiểm cho xã hội: Việc phát hiện tin giả trên mạng xã hội được thực hiện với nhiều nội dung khác nhau và gây nguy hiểm cho xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào chất chất, Độ, hậu quả của việc phát tán tin giả. Hành vi phát tán tin giả trên mạng không gian có thể ảnh hưởng đến các hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội… gây mất an toàn cho xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau.

– Về động cơ, mục tiêu khác nhau nhưng chủ yếu là vì mục tiêu kinh tế, để nổi tiếng hoặc rèn luyện nhọ, nói xấu chính quyền… Bên cạnh đó, xuất hiện một số đối tượng xấu vì động cơ lợi kinh tế đã tạo ra tin giả, tin sai sự thật phát tán trên không gian mạng, tốt nhất là mạng xã hội để thu Hút người dùng tương tác nhắm thu lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất… gây hoang mang dư luận. Tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội nhắm kéo người xem để kiếm tiền.

– Về thủ đoạn để thực hiện hành động phát tán tin giả trên không gian mạng hiện nay: Thủ đoạn phổ biến tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo hiểm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các quyền cấp , mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật hướng dẫn dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận. Hoàng chí, một số đối tượng được tìm thấy mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhà sản xuất nội dung phản ánh, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, động kích bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền.

Đã xác định tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phát tán tin giả, Nhà nước đã xây dựng quy tắc hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý tin giả trên mạng xã hội với hệ thống văn bản các quy phạm pháp luật khác nhau (các hành động chính và hình sự) làm cơ sở pháp lý để xử lý hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng. Bên bờ, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, nhanh chóng quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý chất béo của cá nhân, tổ chức chức năng trên địa chỉ bàn có hành động phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm luật. Bộ Công an đã phân phối hợp lý với Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật thúc đẩy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới bình thu pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ phản ứng kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội”.

– Về chế độ tài chính hành chính: Nghị định số 15/2020/ND-CP của Chính phủ quy định chế độ tài chính để xử lý các hành động phát tán tin giả trên không gian mạng gây nguy hiểm cho xã hội và phải đảm bảo chế độ tài hành quy định chính tại các điều 99, 100, 101, 102, cụ thể:

Điểm a khoản 5 Điều 99 Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định: “5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Ngăn chặn việc loại bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn , thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các tài khoản 2 và 3 Điều này” .

Điểm a khoản 3 Điều 100 Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định: “3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Chủ động lưu trữ, truyền thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật , vu vơ, nhẹ nhàng, xúc phạm uy tín nhiệm của tổ chức và danh dự, nhân sản phẩm của cá nhân”.

Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi lợi ích mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên suốt . _

 Điểm n khoản 3 Điều 102 Nghị định số15/2020/ND-CP quy định: “3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: … n) Giả lừa tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả lừa, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Như vậy, Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định các mức xử phạt tương ứng với từng đối tượng, từng nhóm hành vi:

Một là, hành vi đưa thông tin sai thật, xuyên qua, vu bá, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân sản phẩm của cá nhân các Trang điện tử vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Được áp dụng giải pháp giải quyết hậu quả buộc loại bỏ đường dẫn đến sai sót thông tin hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại điểm 3 và điểm 5 tài khoản Điều 99).

Hai là, hành vi chủ động lưu trữ, truyền tải thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu trắng, xuyên sét, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân sản phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, thiết bị truyền thông đưa ra, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng; được áp dụng giải pháp giải quyết hậu quả để loại bỏ sai sót thông tin thực sự hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại điểm 3 và điểm 5 Điều 100) .

Ba là, hành vi lợi ích mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, nhẹ nhàng, vu nguy, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự , nhân sản phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẽ thông tin thiết bị, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; được áp dụng giải pháp giải quyết hậu quả để loại bỏ sai sót thông tin thực sự hoặc gây khó chịu hoặc thông tin vi phạm pháp luật thực hiện hành vi vi phạm ( quy định tại điểm a tài khoản 1 và tài khoản 3 Điều 101).

Bốn là, hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền tải, cung cấp, truy cập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin: Giả tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin tin giả lừa, thông tin sai sự thật xâm hại quyền và hữu ích pháp của tổ chức, cá lợi nhân (quy định tại điểm n khoản 3 Điều 102).

Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2020/ND-CP cũng quy định chế độ tài chính đối với các hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo để được cấp Giấy phép Viễn thông; cung cấp thông tin giả mạo để được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cung cấp thông tin giả mạo để được tham gia thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tại các điều 15, 57 và 59.

– Về chế độ tài hình sự: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) quy định các hành vi và chế độ tại các điều 117, 156, cụ thể:

Điều 117 BLHS năm 2015 quy định về tố làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

“1. Ai là một trong những hành vi sau đây chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

  1. a) Làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung Motif, phỉ báng chính quyền nhân dân;
  2. b) Làm, bảo tàng, phát hoa hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung thiết bị, gây hoang mang trong nhân dân;
  3. c) Làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
  4. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
  5. Người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Khoản 1 Điều 156 BLHS năm 2015 quy định về kiện vu như sau:

“1. Ai thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải cách không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

  1. a) Bịa đặt hoặc cho vay truyền tải những điều kiện biết nó là sự thật sự xúc phạm nguy hiểm nhân sản, danh dự hoặc gây tổn hại đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người khác;
  2. b) Bị buộc tội và tố cáo người khác trước cơ quan có thẩm quyền.

…”.

Khoản 1 Điều 288 BLHS năm 2015 quy định về tội đưa ra hoặc sử dụng trái phép máy tính mạng thông tin, Viễn thông thông tin như sau:

“1. Ai thực hiện một trong các hoạt động vi sau đây, thu bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải cách không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  1. a) Đưa lên mạng máy tính, Mạng Viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
  2. b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa hợp pháp thông tin riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, Mạng Viễn Thông mà chủ sở hữu không được phép thông tin đó;
  3. c) Hành vi khác sử dụng trái thông tin trên mạng máy tính, Viễn Thông Viễn Thông.

…”.

Như vậy, BLHS năm 2015 quy định các chế độ tương thích đối với từng đối tượng, từng nhóm hành vi:

Một là, hành vi làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung thiết bị, gây hoang mang trong Nhân dân với mục tiêu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể xử lý tội làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 BLHS năm 2015; tội phạm sẽ bị xử phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

Hai là, hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng Viễn thông, thiết bị điện tử phương tiện hoặc cho vay truyền bá những điều được biết là sai sự thật, tăng cường phạm vi nhân sản, danh dự hoặc gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể được truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu theo Điều 156 BLHS năm 2015. Khung hình phạt cao nhất đối với kẻ phạm tội có thể đến 07 năm tù và có thể được áp dụng Hình phạt bổ sung là tiền phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm nhiệm vụ, cấm hành nghề hoặc công việc được xác định từ 01 năm đến 05 năm.

Ba là, hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng Viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về tội đưa ra hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, Viễn thông theo khoản 1 Điều 288 BLHS năm 2015 . Người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải cách không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tiền phạt từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cấm nhiệm vụ, cấm hành nghề hoặc công việc được xác định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hệ thống luật pháp Việt Nam về cơ bản đã có hệ thống luật phạm pháp về hình sự và hành chính để xử lý những hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng. Ven bờ, Nhà nước ta cũng sử dụng một số giải pháp khác nhằm hạn chế, phòng nhiều, giảm tác hại của hành vi phát tán tin giả trên không gian mạng như: tuyên truyền về các hình thức phát tán tin giả và tác tổn hại của tin giả trên các phương tiện truyền thông đại chúng”; phát hành cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng…

  1. Một số chế độ hạn chế, bất chấp quy định của pháp luật

Từ công việc phân tích thực trạng phát tán tin giả trên không gian mạng và quy định của luật pháp, cũng như chế độ xử lý được cho thấy, mặc dù Việt Nam đã có hệ thống luật tương đối đầy đủ để xử lý vấn đề trên , tuy nhiên, thực tiễn được phát hiện, vẫn còn những chế độ hạn chế, không mong muốn nhất, cụ thể:

Thứ nhất , các văn bản luật hiện hành chưa có định nghĩa chính xác nào là tin giả, hay nói cách khác là, luật pháp chưa có khái niệm thống nhất về tin giả; hành vi vi phạm với tin giả chưa có thống nhất rõ ràng về việc xử lý hành vi vi phạm trong quy định của pháp luật về xử lý giả trên mạng xã hội, luật về xử lý tin giả trên mạng xã hội chưa có quy định nhất về máy chủ có thể được xử lý.

Thứ hai, trong luật hình sự, hành chính, cũng tồn tại những giới hạn chế độ riêng biệt như: hành vi vi phạm vẫn có các lặp lặp trong cấu hình tội phạm của các tội danh khác nhau, chế độ chưa sát và chưa có chế độ tài mang tính giải quyết hậu quả đối với tin giả trên mạng xã hội, tính bất ổn trong hệ thống văn bản luật (Luật An ninh mạng năm 2018 với văn bản quy định chế độ tài chính chính là Nghị định số 15/2020/ ND-CP), chế độ tài chính chính còn nhẹ nhàng, chưa có phân tích hóa hành vi và giải pháp hậu quả khác chưa được giải quyết vấn đề hậu quả của giả tưởng.

Thứ ba , bất chấp các quy định của pháp luật

Một là, theo quy định tại các khoản 5, 9 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định hành vi vi “đăng tải” có nội dung thiết bị đặt sai thật, thì phải đảm nhận trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2020/ND-CP không quy định chế độ tài chính đối với hành động “đăng tải”, cụ thể:

 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về phòng chứa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động bạo loạn, rối loạn an ninh, gây rối loạn trật tự công cộng; làm nhục, vu vơ; Chống phạm trật tự quản lý kinh tế, tại tài khoản 5, 9 quy định: “5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung thiết bị, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công phục vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

  1. Tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, đăng tải , phát tán thông tin trên mạng không có nội dung quy định tại các tài khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải loại bỏ thông tin khi có yêu cầu về năng lượng chuyên bảo vệ an ninh mạng và cam kết trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Hai là, hành vi “lưu trữ…” của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội lại không phải hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng năm 2018, nhưng lại bị xử lý chính theo Nghị định số 15 /2020/ND-CP, cụ thể:

Điều 100 Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, tại điểm 3 quy định:

“3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành động sau:

  1. a) Chủ động lưu trữ, truyền tải thông tin giả mạo , thông tin sai sự thật, vu vơ, thoáng nhẹ, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân sản phẩm của cá nhân”.

Ngược lại, hành vi “cung cấp” tin giả được xử lý hành chính theo Nghị định số 15/2020/ND-CP, nhưng lại không phải là hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng năm 2018. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/ND-CP quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi ích mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

  1. a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên, vui nhẹ, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân sản phẩm của cá nhân”.

Ba là, hành vi “lưu trữ” có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/ND-CP với tổ chức, nhưng không thể xử lý sự kiện đối với tổ chức theo quy định của BLHS.

 Ngược lại, action vi “làm” tin giả sẽ được xử lý hình ảnh nhưng không phải chịu chế độ tài chính chính. Điều 117 BLHS năm 2015 quy định về tố làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó, tại điểm a khoản 1 quy định:

“1. Ai là một trong những hành vi sau đây chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ 05 năm dén 12 năm :

  1. a) Làm, bảo tàng, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung Mot, phỉ bảng chính quyền nhân dân”.

Như vậy, với quy định không thống nhất về mặt hành vi vi phạm được xử lý thì tất yếu hoạt động áp dụng pháp luật sẽ bị hạn chế, đặc biệt là vấn đề bỏ lọt hành vi vi phạm .

  1. Một số kiến ​​nghị

Thứ tư, quy phạm khái niệm hóa học để thống nhất nhận thức và áp dụng luật trong quá trình xử lý.

Trong hệ thống pháp luật về xử lý hành vi phát tán giả trên mạng xã hội hiện hành, các văn bản luật liên quan mới chỉ đưa ra kỹ thuật dự đoán “ thông tin giả tưởng” vào trong chế độ định nghĩa (thuật ngữ “thông tin tin giả mạo” xuất hiện 7 lần trong Nghị định số 15/2020/ND-CP) mà chưa có quy định nào giải thích hay định nghĩa toàn diện, đầy đủ. Tất cả các quy phạm luật trong Nghị định số 15/2020/ND-CP, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật báo chí năm 2016… cũng chưa đưa ra khái niệm về tin giả. Luật An ninh mạng năm 2018 đã chỉ định truy cập thuật ngữ “thông tin sai sự thật” 2 lần, mà không có bất kỳ chủ đề nào tới tin giả và phát tán tin giả.

Việc đưa ra khái niệm “tin giả” là một chế độ hạn chế, không mong đợi, “tin giả” và “phát tán tin giả” là hiện tượng phổ biến ở nước ta hiện nay. Đây là một vấn đề khó khăn bất ngờ trong quá trình áp dụng luật pháp để xử lý các hành vi vi phạm. Không có công cụ định nghĩa nào, các chủ thể xử lý không thể xác định thông tin được xác định như thế nào là tin để giả xử lý, các chủ thể trong xã hội không biết thông tin được đưa ra của mình phải có giá hay không, để từ đó, xác định hành vi của mình có hợp pháp hay không, có chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xử lý giả hay không.

Hiện nay, trên nền tảng mạng xã hội, lượng thông tin vô cùng lớn, với các loại hình ảnh khác nhau từ ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết tới hình ảnh, video, thì việc làm không có cơ sở để xác định thế nào là tin giả sử một cách thống nhất là một luật pháp trở nên vô cùng lớn trong quá trình xử lý. Ở rìa đó, khi không có cơ sở vững chắc là tiền đề để đánh giá hành vi của các chủ thể trong xã hội, thì tình trạng áp dụng luật là một cách tiện lợi, áp dụng luật pháp tối thiểu nhất trong quá trình xử lý lý do vi phạm…

Do đó, tác giả đề xuất cần phải quy phạm hóa khái niệm tin giả vào văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa ra cách hiểu thống nhất về tin giả và có tính áp dụng phổ biến, thống nhất trên thực tế. Đồng thời, cần được quy định trong một văn bản có hiệu lực pháp lý cao, làm cơ sở cho các văn bản khác tiến hành định nghĩa các hành vi vi vi phạm để xử lý quy trình

Thứ hai, quy phạm hóa quy định về việc định tội danh trong trường hợp hành vi vi phạm thỏa mãn cấu hình của nhiều tội phạm.

Hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng một hành vi phức tạp cấu hình thành nhiều tội xảy ra ở các hành vi đối với tin giả. Tiêu biểu đó là vi “vu vu” trong tội hành hành vu phí và hành vi vi “làm nhục” trong tội làm nhục người khác. Các hành động vi phạm giả, mà có mục tiêu xúc phạm nguy hiểm nghiêm trọng, nhân sản phẩm, uy tín của người khác hoặc gây tổn hại cho người khác thì phiền phức cấu thành bồi vu. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào gây xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân sản phẩm của người khác thì sẽ thỏa mãn hành vi làm xúc phạm. Như vậy, với khách thể là danh dự, nhân sản phẩm, uy tín thì hai cấu thành có sự giao thoa nhau khi mà với mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân thì sản phẩm, gây ra tình trạng căng thẳng gây phiền phức hành động vi làm nhục (lỗi cố ý là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm) nhưng khi đó nó cũng phiền phức dấu hiệu của tội vu trả khi hành vi đăng tải, phát tán tin giả có mục đích xúc phạm béo phì danh dự dự phòng , nhân sản, uy tín thì đã thỏa mãn điều này. Như vậy, khi đăng tải, phát tán tin giả vừa có mục tiêu, vừa có hậu quả xúc phạm chất béo danh dự nhân sản phẩm, uy tín thì bị xử lý theo cách nào? Thực tế Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn vấn đề này tại Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 về việc trao đổi nghiệp vụ. Cụ thể nội dung hướng dẫn như sau: Trường hợp nguồn thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn mãn tính cấu hình của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Như vậy, từ hướng dẫn trên ta có thể tìm thấy trong trường hợp này thì khi phiền phức hành vi của cả tội vu và tội làm thú cho người khác thì sẽ bị xử lý về tội nặng hơn đó chính là tội vu vu.

Tuy nhiên, công văn này chỉ có giá trị áp dụng trong hệ thống Tòa án nhân dân, nó không phải là một văn bản luật phạm pháp. Trong khi đó, hoạt động tố tụng phải trải qua nhiều giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) thì các văn bản chỉ có giá trị mang tính hướng dẫn trong hệ thống tòa án nhân dân sẽ không có tính bắt buộc cơ quan tiến hành tụng khác phải tăng cường dẫn dắt tới tình trạng không thống nhất khi áp dụng pháp luật.

Do đó, cần phải quy phạm hóa hướng dẫn này trong một văn bản quy phạm pháp luật để có cách thống nhất hướng dẫn áp dụng luật. Theo tác giả, cần có thông tư liên tịch của các cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề này. Trong thời gian chưa xây dựng thông tin tư vấn, Hội đồng Thẩm phán Tòa nhà nhân dân tối cao cần nghiên cứu lựa chọn phán đoán về vấn đề này.

Thứ ba, quy định cụ thể có thể giải quyết hậu quả trong các chế độ tài chính của Nghị định số 15/2020/ND-CP.

Giải pháp giải quyết hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm đối với tin giả là loại bỏ thông tin sai sự thật, gây khó chịu, tuy nhiên với mỗi giải pháp này, bạn mới chỉ loại bỏ tin giả trên mạng xã hội mà giả thuyết của những người đã nhận vẫn chưa được thay đổi. Giải pháp giải quyết hậu quả này là một trong những giải pháp giải quyết hậu quả được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, biện pháp này lại không được nêu ra để áp dụng trong Nghị định số 15/2020/ND-CP mà chỉ áp dụng biện pháp buộc loại bỏ thông tin sai thật nên không thể áp dụng nó trên thực tế đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Tác giả đề xuất bổ sung quy định về giải pháp giải quyết hậu quả này vào Điều 100, 101 Nghị định số 15/2020/ND-CP, cụ thể:

Bổ sung bổ sung khoản 5 tại Điều 100 như sau: “5. Giải pháp khắc phục hậu quả”

  1. a) Buộc bỏ, buộc cải thiện sai thông tin thực sự hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật hành vi vi phạm quy định tại tài khoản 3 Điều này; đi thi sinh
  2. b) Buộc thu hồi tên miền thực hiện hành vi vi phạm quy định tại tài khoản 3 Điều này”.

Bổ sung bổ sung khoản 3 tại Điều 101 như sau: “3. Giải pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ, buộc cải thiện sai thông tin thực sự hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các tài khoản 1 và 2 Điều này”.

Ở cạnh đó, về nguyên tắc, một hành động chỉ được xử lý một lần từ đó không thể đưa ra giải pháp giải quyết hậu quả trong các phạm pháp luật hành chính để áp dụng cho các phạm pháp luật hình sự nếu như hành vi được xử lý bởi chuyên gia. Từ đó, pháp luật hình sự cũng cần bổ sung giải pháp giải quyết hậu quả này vào hệ thống giải pháp pháp luật mang tính giải quyết hậu quả trong BLHS. Cụ thể, sửa đổi Điều 46 (điểm b khoản 1) BLHS năm 2015 như sau: “Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi, cưỡng chế cải thiện thông tin chính xác sai thật hoặc gây khó chịu”.

Thứ tư, tăng cường xử lý vi phạm hành chính và phân hóa trách nhiệm theo mức độ nghiêm trọng của hành vi

Mức độ xử lý hiện nay còn nhẹ nhàng, cần nâng cao khả năng định hình đối với hành vi vi phạm để tăng cường sức mạnh đe dọa, giáo dục cho các chủ thể trong xã hội. Ít nhất với thời điểm hiện tại thì khả năng xử lý thấp nhất, bằng cách xử lý theo quy định tại Nghị định số 174/2013/ND-CP trước đây. Cạnh đó, trong các quy định về chế độ tài chính chính thì chưa có phân tích hóa chất, cấp độ của hành vi vi phạm. Vì vậy, cần phải phân tích rõ ràng mức độ nguy hiểm của các hành động để từ đó có các chế độ tài chính phù hợp. Theo hoạt động, cần dựa vào hoạt động và lan truyền thông tin, tức là sự phổ biến của tin giả để đối tượng tiếp theo nhận thông tin. Các hậu quả có thể được định lượng ở rìa thì giả sử có nguy hiểm hoặc không cần thiết phải có hoạt động của nó để nhận biểu thức của đối tượng tiếp theo, tương tác của các chủ thể trên mạng xã hội đối với tin giả chính là thước đo cho mức độ nguy hiểm của tin giả và hành động đối với tin giả đó. Căn cứ có thể xác định được khi mạng xã hội luôn có những số liệu chỉ để đánh giá mức độ phổ biến của thông tin đăng tải trên cộng đồng mạng xã hội là lượt xem, lượt thích, chia sẻ, bình luận… Trên cơ sở phân tích trách nhiệm phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.

Thứ tư, cần phải xác định rõ nhất về hành vi được xử lý trong hệ thống pháp luật xử lý trên mạng xã hội.

Một là, quy định xử lý hành chính với hành vi “đăng tải” tin giả lên mạng xã hội, “làm” tin giả trong Nghị định số 15/2020/ND-CP.

Từ đó sửa đổi điểm 1 Điều 101 thành: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi ích mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

  1. Làm, cung cấp, đăng tài, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên, vu hồi, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân sản phẩm của cá nhân;

  1. Làm, cung cấp, đăng tài, chia sẽ thông tin thiết bị, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc”.

Với quy định sẽ giải quyết vấn đề về chế độ xử lý để đăng tải giả trên mạng xã hội phù hợp với chất vi phạm trong Luật An ninh mạng năm 2018. Bên cạnh đó, quy định trên cũng hoàn thiện chế độ xử lý theo hướng chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi “làm” tin giả gây hoang mang trong Nhân dân, xuyên sét, xúc phạm uy tín của cá nhân, tổ chức. Hành vi “làm” đã có đủ chế độ tài chính, mức độ nguy hiểm của hành vi vi là từ dân sự nếu xảy ra tổn hại, hành động chính và hình sự nếu đủ điều kiện cấu hình thành tội phạm. Chế độ dân sự cũng không còn bất ổn trong cơ sở xác định cơ sở của luật hành động trái pháp luật trong các cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hai là, quy định các hành vi vi phạm với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội. trong Luật An ninh mạng năm 2018. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng năm 2018 không định nghĩa về công việc xử lý vi “chủ động lưu trữ” tin giả đối với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng hành vi này thực hiện lại quá trình xử lý chính, màn hình. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng năm 2018 chỉ định các hành vi sử dụng mạng xã hội bị cấm mà theo khuyến nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính thì hai chủ thể có thể sử dụng và thiết lập là khác nhau. Vì vậy, chủ thể thiết lập mạng xã hội thực chất không có vi phạm về mặt “lưu trữ” đối với tin giả theo Luật An ninh mạng năm 2018. Như vậy, cần phải bổ sung quy định để phù hợp với việc điều chỉnh nhóm đối biểu tượng này trong Luật An ninh mạng năm 2018 để thống nhất về tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này sẽ bao gồm các hành vi bị cấm đối với việc thiết lập mạng xã hội, văn bản luật sẽ được thống nhất từ ​​trên xuống dưới. Đó cũng là tiền đề để chế tài chính hành động có cơ sở để xác định dấu hiệu phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho “hành vi trái pháp luật”.

Ba là, quy định các danh dự mà chủ thể có thể được tổ chức trong lĩnh vực mạng xã hội phải chịu. Như đã nói, chế độ tài chính là cấp độ tài chính nặng hơn chế độ tài chính chính nhưng chủ yếu có thể là tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội cùng hành động nhưng nó chỉ được xử lý về mặt hoạt động chính. Đây là một tính năng bất lợi nhất về mức độ nguy hiểm của hành động vi. Hành vi ít nguy hiểm thì được xử lý còn hành vi nguy hiểm hơn thì không được xử lý. Cùng là hành động lưu trữ, phát tán tin giả với mục tiêu gây hoang mang trong Nhân dân nhưng với chế độ tài chính thì sẽ được xử lý còn chế độ tài chính thì không. Đây là quy định bỏ lọt tội phạm khi rõ ràng tổ chức cũng có thể thực hiện hành vi như vậy nhưng được xử lý chính xác chỉ vì cấu hình của Điều 117 chỉ áp dụng cho cá nhân tội phạm. Từ đó đề xuất sửa đổi BLHS theo quy định định hướng tội danh hoo quy định tại Điều 117 thì tổ chức thiết lập mạng xã hội xã hội cũng là một tội phạm chủ yếu nhất từ ​​đó có mức độ thống nhất trong hành vi và chủ thể bị xử lý giữa hai loại tài chính.

Kết luận

Vấn đề giả tưởng, tin sai sự thật trên mạng không gian đang trở thành mối quan hệ lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, bên rìa các giải pháp khoa học công nghệ để ngăn chặn việc phát tán tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng thì Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống pháp luật tương đối đủ để ngăn chặn ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng luật tương đối bộ và đầy đủ để ngăn chặn và xử lý tin giả phải rải trên không gian mạng thì vẫn còn những giới hạn chế độ, bất chấp cần phải sửa đổi , bổ sung thêm luật hoàn thiện trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng tôi cần phải kiểm tra các thông tin một cách phù hợp, các thông tin chính cần phải được đăng tải trước các thông tin của mạng xã hội, như vậy mới tránh được sự hiểu biết thêm và làm tăng vấn đề ho tin giả như hiện tại. Trong phạm vi của tác giả, đã xác định rõ một số vấn đề được nhận dạng về giả. Đồng thời, tác giả cũng đã phân tích hệ thống luật pháp về giả thuyết từ đó đề xuất đưa ra một số kiến ​​nghị và luật pháp hoàn thiện về vấn đề này trong thời gian tới.

—–***——

Trích dẫn nguồn:

Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN

Số 7 (kỳ I tháng 4/2023)

Từ trang 12 đến trang 22

Do PGS.TS. Phan Minh Tuyên biên soạn

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015

Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, tình trạng xâm phạm chỗ ở của công dân xảy ra khá phổ biến trong xã hội, liên quan đến vấn đề đòi nợ, cưỡng chế nhà ở trái pháp luật, tranh chấp về chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu nhà ở,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm nghiêm trọng đến một trong những quyền bất khả xâm phạm của công dân được pháp luật bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Điều này có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân người xâm phạm, bị hại đều chưa hiểu hết các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở của người khác được pháp luật quy định, do vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, trong đó có tội xâm phạm chỗ ở của người khác có ý nghĩa quan trọng, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho người dân, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng tranh chấp về nhà ở, đất đại như hiện nay.

1. Quy định của pháp luật
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền dân sự – chính trị cơ bản của con người và được các quốc gia thành viên chuyển hóa, nội luật hóa, ghi nhận trong pháp luật mỗi quốc gia. Ở nước ta, vấn đề này đã được quy định từ Hiến pháp đến Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Dân sự (BLDS) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC)…
Điều 22 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như sau: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân như sau: “Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân”. Khoản 1 Điều 192 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân”.
BLDS năm 2015 quy định: “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống. 3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới” (Điều 40); “1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. 2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 41); “1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. 2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 42); “1. Nơi cư trú của vợ chồng là nơi vợ chồng thường xuyên chung sống. 2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận” (Điều 43); “1. Nơi cư trú của quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân. 2. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này” (Điều 44); “Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này” (Điều 45).
Khoản 9 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Chỗ ở hợp pháp của công dân còn gắn liền với quyền tự do cư trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Trong trường hợp công dân là người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định, những địa phương có thể bị cấm cư trú là:
(1) Những thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung;
(2) Những khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo;
(3) Những khu vực có cơ sở quốc phòng quan trọng;
(4) Những khu vực có các đầu mối giao thông quan trọng.
Những địa phương được nêu trên bị cấm cư trú bởi lẽ, người bị kết án sẽ có khả năng sử dụng những điều kiện vốn có của địa phương để tiếp tục phạm tội.
Luật Cư trú năm 2020 xác định: “1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. 2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này (Điều 11); “1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định. 2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 12); 1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. 2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định” (Điều 13); “1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống. 2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan” (Điều 14) v.v…
Như vậy, chỗ ở của một người là nơi người đó sống đời sống riêng thường ngày, cũng là nơi cất giữ những bí mật đời tư bao gồm bí mật của cá nhân và gia đình người đó. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định của mỗi công dân, không ai được tùy tiện vào nơi ở của họ. Việc xâm phạm chỗ ở của công dân khi không được sự đồng ý của họ là hành vi trái pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

2. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự

Để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 Chương XV các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Điều 158 quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác

a. Chủ thể
Chủ thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật tại Điều 12, Điều 13 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác, thì chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu TNHS. Bởi vì, theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội phạm được liệt kê một cách cụ thể và tội xâm phạm chỗ ở của người khác không được liệt kê trong các tội phạm này. Nói chung, chủ thể của tội phạm này là bất kỳ ai, nhưng trong một số trường hợp người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định như bộ đội biên phòng; cán bộ kiểm lâm; cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội), thì thông thường phạm tội trong khi thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân, lợi dụng công vụ mà xâm phạm chỗ ở của người khác nhau.

b. Khách thể
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa bởi những quy định của pháp luật. Ngoài việc xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, thì tội phạm còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật về việc khám xét chỗ ở, địa điểm và xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của cá nhân, có thể là nhà ở, ký túc xá, tàu thuyền của ngư dân mà cả gia đình họ sinh sống trên tàu thuyền đó như là nhà ở của mình, cũng có khi chỉ là một túp lều… Nếu nhà ở, căn hộ do Nhà nước quản lý nhưng chưa có người ở mà người phạm tội có hành vi xâm phạm (phá khóa vào chiếm nhà) thì không phải là xâm phạm chỗ ở của người khác mà tùy trường hợp cụ thể mà hành vi xâm phạm có thể bị truy cứu TNHS về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở tại Điều 343 BLHS năm 2015. Nếu chủ nhà đã ở trong căn nhà đó nhưng vì điều kiện phải đi công tác, đi du lịch, học tập lâu ngày, phải khóa cửa, không ở thường xuyên mà người khác xâm phạm thì cũng là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. Nhưng nếu đó là nhà của công dân đã hoặc đang hoàn tất, người phạm tội đến chiếm thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu TNHS về các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa được tổng kết trong thực tiễn xét xử nên còn có những quan điểm khác nhau. Công dân Việt Nam xâm phạm chỗ ở của người nước ngoài cũng bị coi là xâm chỗ ở của người khác, vì theo quy định tại Điều 48 Hiến pháp năm 2013 thì: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.

c. Mặt chủ quan
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện do cố ý, người phạm tội nhận thức rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là trái luật, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp) hoặc nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp). Người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Mục đích của người phạm tội là mong muốn xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau, có người chỉ mong khám chỗ ở của người khác, có người mong đuổi được người khác ra khỏi chỗ ở, có người mong lấn chiếm được một phân chỗ ở của người khác v.v…
Khi xác định lỗi cũng như động cơ, mục đích của người phạm tội cần chú ý một số vấn đề sau:
– Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là của những người thực hiện công vụ (Điều tra viên, Chấp hành viên, Cảnh sát, cán bộ quản lý thị trường, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng…) nếu vì động cơ đấu tranh phòng, chống tội phạm và do yếu kém nghiệp vụ hoặc vì thiếu trách nhiệm để cấp dưới của mình khám xét trái phép chỗ ở của người khác thì không bị coi là cố ý phạm tội, mà tùy trường hợp hành vi của những người này có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.
– Đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng không phải là những người thực hiện công vụ thì không cần phải xác định động cơ, mục đích của người phạm tội, vì họ không phải là người thi hành công vụ nên việc xâm phạm chỗ ở của người khác chỉ là do cố ý, không thể có trường hợp do nghiệp vụ non kém hay do thiếu trách nhiệm mà xâm phạm trái phép chỗ ở của người khác được.

d. Mặt khách quan
– Về hành vi phạm tội
Chỗ ở của công dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đây có thể là nơi thường trú, chỗ ở lâu dài (không phân biệt đó là nhà riêng, nhà tập thể, nhà thuê, mượn, hay nơi di động như thuyền của ngư dân…), nhưng cũng có thể là nơi tạm trú (như phòng ở trong khách sạn); có thể là nơi ở cố định hoặc di động, là một tòa nhà gồm cả sân và vườn phụ hay chỉ là một căn phòng hoặc một phần của một phòng, không kể là nhà thuộc sở hữu của họ hay thuê, mượn hoặc ở nhờ.
Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được mô tả cụ thể tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015, gồm các hành vi sau:
+ Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi của người không có thẩm quyền, nhiệm vụ nhưng vì động cơ riêng tư đã tự ý vào lục soát, khám xét, tìm kiếm những gì mà người khám có ý định tìm kiếm trong phạm vi chỗ ở của người khác khi chưa được sự cho phép của pháp luật hoặc hành vi của người có thẩm quyền, nhiệm vụ khám chỗ ở nhưng không chấp hành đúng những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục… Hoạt động khám xét nơi ở của người khác chỉ đúng pháp luật khi tuân thủ quy định tại Điều 192 BLTTHS năm 2015 (căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử); Điều 193 BLTTHS năm 2015 (thẩm quyền ra lệnh khám xét); Điều 195 BLTTHS năm 2015 (khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện).. Mọi hành vi khám xét không tuân thủ các quy định trên đều là những hành vi khám xét trái phép.
Ví dụ: H nợ tiền của bà B và bỏ trốn. Ngày 20/8, bà B nhận được tin H đang trốn ở nhà chị N. Bà B cùng với con trai là T và C đến nhà chị N để tìm H. Tuy nhiên, khi đến nơi thì chị N đã khóa cửa ngoài. Mẹ con bà B liền lấy xà beng, búa đinh phá cửa, xông vào trong nhà lục lọi để tìm kiếm H nhưng không thấy.
+ Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ một cách miễn cưỡng, trái với ý muốn của họ, ngoại trừ những trường hợp thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi… theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ như cưỡng chế để thi hành một quyết định hợp pháp về nhà ở; cưỡng chế để thi hành bản án dân sự chia tài sản thừa kế hoặc quyết định niêm phong của ngân hàng để yêu cầu thanh toán nợ…), nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, nếu việc thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi… không tuân thủ các quy định của pháp luật cũng có thể bị truy cứu TNHS về tội danh này. Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ thường do những người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: chủ nợ xiết nợ, tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong quan hệ thuê nhà, mượn nhà… Tuy nhiên, cũng có trường hợp người thực hiện hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, trong trường hợp này chủ yếu do những người thực hiện công vụ trái pháp luật như cán bộ thi hành án, cán bộ thi hành quyết định hành chính gây ra.
Ví dụ 1: Ông H và bà C tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà số 53 phố M và khởi kiện ra Tòa án. Theo bản án của Tòa án thì quyền sở hữu căn nhà trên thuộc về bà C. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà C không làm đem đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự thi hành bản án mà thuê L và S cùng một số thanh niên cầm côn, gậy xông vào đe dọa, đánh ông H buộc gia đình ông phải chuyển đồ đạc ra khỏi nhà.
Ví dụ 2: B và N là cán bộ Tòa án và cán bộ Viện kiểm sát, mặc dù chưa có quyết định trong việc cưỡng chế thi hành bản án dân sự của Tòa án về việc chia tài sản thừa kế cho chủ sở hữu hợp pháp là bà H, nhưng đã cùng nhau đến ngôi nhà số 05 phường N đuổi ông D là người đang ở ra ngoài.
+ Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ: Hành vi này được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở, tự ý dọn đồ của chủ nhà ra ngoài để chuyển đồ đạc của mình vào nhà khi chủ nhà đi vắng rồi ở luôn trong nhà; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở vào chỗ đang ở…
Ví dụ: A và B có tranh chấp ngôi nhà số 10 đường hiện đang do B quản lý hợp pháp. Ngày 15/5 lợi dụng lúc gia đình B về quê ăn giỗ chỉ còn vợ B là H ở nhà, A sang nói với H là B gặp tai nạn để lừa H ra khỏi nhà, sau đó A mang đồ đạc sang chiếm giữ.
+ Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác: Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Đây là trường hợp không dọn đồ đạc của chủ nhà ra, mà trong lúc chủ nhà đi vắng đã phá khóa, dọn đồ đạc của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm vào nơi ở của chủ nhà nhằm mục đích tranh giành một phần diện tích nhà ở.
Ví dụ: Căn hộ số 55 thuộc khu tập thể K có diện tích 25m được cơ quan X giao cho anh L ở và quản lý. Khi L lấy vợ, T là trưởng phòng tài vụ cơ quan lấy lý do L lấy vợ nhằm chiếm nhà của cơ quan nên thu hồi và phân cho người khác. Lợi dụng lúc anh L không có nhà, T đã phá khóa và chuyển toàn bộ đồ đạc của em trai đến căn hộ số 55.
– Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả
Hậu quả của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là làm cho người đó và các thành viên trong gia đình bị mất chỗ ở, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường hàng ngày hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Các thiệt hại này đều có liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu những thiệt hại không liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, mà xâm phạm đến các quyền khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu TNHS về các tội tương ứng.
Ví dụ: Trong khi dùng vũ lực đuổi B ra khỏi chỗ ở, A đã gây thương tích cho B với tỷ lệ thương tật là 31%, thì A còn bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Hậu quả của hành vi xâm hại là tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác. Đây là hậu quả phi vật chất, bởi vậy điều luật này có cấu thành hình thức, tức là khi người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở theo mô tả của cấu thành tội phạm là đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm chứ không xét hậu quả từ hành vi xâm phạm đó trên thực tế.
– Về hình phạt
Mức hình phạt của tội xâm phạm chỗ ở của người khác được chia thành hai khung cơ bản:
+ Khung 1 (khoản 1): có mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Thuộc loại tội ít nghiêm trọng.
+ Khung 2 (khoản 2); có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, thuộc loại tội nghiêm trọng, bao gồm các trường hợp sau:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số vướng mắc, bất cập khi giải quyết các trường hợp có liên quan đến tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Thứ nhất, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được điều luật liệt kê bốn nhóm hành vi, người nào thực hiện một trong bốn nhóm hành vi nói trên được coi là phạm tội. Tuy nhiên, điều luật chỉ có quy định là “chỗ ở của người khác” chứ không có quy định là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp. Vậy “chỗ ở” bất hợp pháp như gầm cầu, vỉa hè, công viên… mà nạn nhân chiếm dụng thì khi có vi phạm xảy ra người vi phạm có phạm tội không? Theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”. Khoản 1 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Chỗ ở hợp pháp là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của pháp luật”.
Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình cần tiền kinh doanh đã vay vốn ngân hàng nên thế chấp quyền sở hữu nhà và mất khả năng thanh toán, sau đó ngân hàng khởi kiện lên Tòa án để giải quyết, do bị đơn không trả được nợ dẫn đến việc cơ quan Thi hành án dân sự đã cưỡng chế thu hồi tài sản là ngôi nhà và bán đấu giá giao lại cho người mua. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế thu hồi nhà ở và bàn giao cho người mua, trong khi bên mua chưa đến ở, chưa đăng ký tạm trú thì bị đơn cùng gia đình lại đến phá khóa vào ở. Trường hợp này vẫn tồn tại hai quan điểm giải quyết: Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi trên đã phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS năm 2015, bởi vì người mua là người trúng đấu giá nên là chủ sở hữu hợp pháp, việc bên bị phát mại đến sinh sống tại ngôi nhà đó là hành vi tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp. Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi trên có dấu hiệu của tội sử dụng trái phép tài sản, bởi vì bên mua chưa đến ở, chưa đăng ký tạm trú nên chưa được coi là chỗ ở hợp pháp, bên mua đang ở chỗ khác và có thể mua nhằm mục đích để ở hoặc kinh doanh bất động sản.
Vấn đề này theo chúng tôi, mặc dù luật không có quy định là chỗ ở hợp pháp hay bất hợp pháp, song từ quy định của Hiến pháp năm 2013: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Từ căn cứ pháp lý nêu trên, theo quan điểm của chúng tôi chỗ ở của công dân là nơi cư trú, sinh sống, nơi đó có thể là hợp pháp, ví dụ như nhà ở đã được cấp quyền sở hữu nhà nhưng cũng có thể là bất hợp pháp như ở gầm cầu, vỉa hè, công viên… Nếu chỗ ở của công dân là bất hợp pháp, khi muốn tác động di dời chỗ ở của họ thì chủ thể di dời phải tuân theo các quy định của pháp luật, nếu tự ý xâm phạm chỗ ở của họ là có dấu hiệu của tội này. Nếu do trình độ non kém hoặc thiếu trách nhiệm mà có hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân một cách bất hợp pháp thì không bị truy cứu TNHS về tội này mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc về một tội khác.
Thứ hai, trên thực tế có nhiều trường hợp “chủ nhà thật” muốn đòi lại nhà những người không còn là chủ nhà theo quy định của pháp luật hiện vẫn đang chiếm giữ ngôi nhà, thì căn cứ pháp luật để bảo vệ họ còn yếu và thiếu, nhất là đối với những trường hợp bên không còn quyền đối với ngôi nhà tiếp tục chiếm giữ trái pháp luật. Để “chủ nhà thật” có thể sử dụng được ngôi nhà thì bắt buộc phải tiến hành các thủ tục yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh tốn rất nhiều thời gian, công sức, trong khi đó, đối tượng không phải “chủ nhà thật” thì lại đang chiếm giữ, sử dụng ngôi nhà, điều này gây thiệt hại cho “chủ nhà thật”. Do vậy, trên thực tế khi lâm vào tình trạng này có nhiều trường hợp “chủ nhà thật” đã thuê “xã hội đen” đòi lại nhà gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và bản thân họ cũng vướng vào “vòng lao lý”.
Thứ ba, hiện nay có nhiều trường hợp một người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc có thủ đoạn gian dối… nhằm chiếm đoạt chỗ ở của người khác như đuổi, đánh chủ sở hữu 01 ngôi nhà đang hoàn thiện, sau đó vào ở, hiện có nhiều quan điểm giải quyết trong trường hợp này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi trên đã đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác vì người phạm tội đã có hành vi xâm nhập chỗ ở mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, mặc dù ngôi nhà đang hoàn thiện nhưng tài sản trên là tài sản đã có chủ và đang có người quản lý. Quan điểm thứ hai cho rằng, đối với trường hợp người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt chỗ ở như chiếm đoạt 01 ngôi nhà đang hoàn thiện của người khác thì hành vi đó phải cấu thành tội cướp tài sản chứ không phải tội xâm phạm chỗ ở của người khác, bởi vì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực là dấu hiệu đặc trưng của tội cướp tài sản. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này là kể từ khi quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác bị ảnh hưởng, không kể mức độ gây thiệt hại nhiều hay ít. Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng, trong trường hợp này cần xem xét đến tội chiếm giữ trái phép tài sản, bởi vì người phạm tội đã có hành vi biến tài sản tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái pháp luật dưới hình thức không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản khi họ yêu cầu, mặt khác trường hợp này người phạm tội không phạm tội cướp tài sản, bởi vì quyền sở hữu của ngôi nhà thì không thể là đối tượng của tội cướp tài sản được. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có tổng kết kinh nghiệm thực tiễn giải quyết cũng như còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất.
Thứ tư, hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 158 BLHS năm 2015 mà chỉ có hướng dẫn trước đây tại Tiểu mục 5.1 Mục 5 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 Điều 245 của BLHS năm 1999, điều này dẫn tới cách hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn. Theo tác giả, khi đánh giá tính chất, mức độ của hành vi để xác định “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” phải xem xét nguyên nhân tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội đó có xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội; sự mất ổn định trong đời sống của người dân; có gây tâm lý hoang mang, lo sợ, phẫn nộ trong một phạm vi khu dân cư, vụ việc diễn ra có thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng như thế nào, có gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương hay không… để có căn cứ xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, đây cũng là tình tiết định khung tăng nặng được quy định ở nhiều tội khác trong BLHS năm 2015 như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 172); tội trộm cắp tài sản (điểm c khoản 1 Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điểm c khoản 1 Điều 174); tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (điểm c khoản 1 Điều 178)… và tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội như: tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (điểm đ khoản 2 Điều 163); tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (điểm đ khoản 2 Điều 164); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (điểm c khoản 2 Điều 167); tội cướp tài sản (điểm g khoản 2 Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điểm h khoản 2 Điều 169); tội cưỡng đoạt tài sản (điểm đ khoản 2 Điều 170); tội cướp giật tài sản (điểm h khoản 2 Điều 171); tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (điểm e khoản 2 Điều 175); tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (điểm a khoản 2 Điều 319); tội hành nghề mê tín dị đoan (điểm c khoản 2 Điều 320)…
Thứ năm, nội dung tại khoản 1 Điều 158 BLHS năm 2015 chưa quy định rõ một người khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác “trong thời gian bao lâu” thì mới bị coi là phạm tội, từ đó dẫn đến quan điểm khác nhau trong các vụ án. Trên thực tế còn có trường hợp con ở chung nhà với cha, mẹ, sau đó đuổi cha, mẹ ra khỏi chỗ ở thì có bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của người khác?
Ví dụ: Trong lúc đang đi tìm túi đồ bị thất lạc, do nghi ngờ có người cất giấu vào nhà anh T, D đã rủ E và H đuổi anh T ra khỏi chỗ ở trong thời gian 05 phút để tìm đồ bị thất lạc.
Chúng tôi cho rằng, để tôn trọng và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nên quy định rõ “không phân biệt thời gian bao lâu” là căn cứ pháp lý để tất cả các trường hợp có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác đều phải bị xử lý nghiêm minh. Còn đối với trường hợp con ở chung với cha, mẹ, sau đó có hành vi đuổi cha, mẹ ra khỏi chỗ ở, thì hành vi này cần bị xử lý về tội ngược đãi cha, mẹ quy định tại Điều 185 BLHS năm 2015.

4. Đề xuất, kiến nghị và một số giải pháp
4.1. Đề xuất, kiến nghị
Từ những vướng mắc, bất cập trên, chúng tôi cho rằng, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được thống nhất, bảo đảm quyền và lợi ích một cách đúng đắn, kịp thời cho người dân, cụ thể là:
Cần quy định rõ ràng về “chỗ ở” để đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan; hướng dẫn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác trong “thời gian bao lâu” thì cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Trường hợp đã xác minh được chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu bị chiếm giữ nhà trái phép, thì cơ quan chức năng sau khi xác minh, cần phải có quyết định nhanh chóng sớm bàn giao tài sản cho chủ sở hữu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
4.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Bên cạnh giải pháp hoàn thiện các quy định của BLHS năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, trên phương diện thực tiễn cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định đó, cụ thể:
Một là, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Hai là, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng pháp luật người có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác, không để trở thành điểm nóng về chính trị.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân trong phát hiện, xử lý, giáo dục người phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Bốn là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tích cực phối hợp, quản lý chặt chẽ về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhân khẩu, đất đai, đặc biệt là tại địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự và có mâu thuẫn, tranh chấp về chỗ ở, nhà ở.
Năm là, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính và trong công tác quản lý nhà nước về cư trú. Theo đó, tiến tới thay thế việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng số, giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, áp dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, đi chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia và chạy trên mạng Internet, qua đó giúp người dân giảm thiểu được các thủ tục về hành chính và thuận lợi hơn khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế thiết thực hỗ trợ người dân về chỗ ở để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân mà Hiến pháp đã quy định. Về phía người dân cần tích cực học tập, tìm hiểu các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, nơi cư trú; thận trọng trong việc cho thuê, cho mượn nhà, cần kiểm tra đầy đủ giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của mình, giấy tờ bàn giao có công chứng, thường xuyên cập nhật các quy định mới của pháp luật…
Chỗ ở của công dân được Nhà nước và mọi người cùng tôn trọng, không ai được tự ý xâm phạm chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được pháp luật công nhận và bảo hộ, tuy nhiên đây không phải là quyền tuyệt đối. Nhà nước chỉ bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp của những cá nhân, tổ chức khác đối với chỗ ở của công dân; còn khi công dân lợi dụng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở để che giấu hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật thì quyền này không còn được pháp luật bảo vệ. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội xâm phạm chỗ ở của người khác có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong thực tiễn xã hội và đấu tranh phòng ngừa tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật.

—–***——
Trích từ nguồn:
Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN
Số 5 (kỳ I tháng 3/2023)
Từ trang 21 đến trang 30
Do Hồ Nguyễn Quân biên soạn