CHẤM DỨT HÔN NHÂN THỰC TẾ THEO ÁN LỆ SỐ 41/2021/AL
ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI
- Tổng quan
1.1. Khái quát chung về hôn nhân thực tế
Tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn là một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại từ rất lâu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Dưới góc độ pháp lý, tại Việt Nam, chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn có thể được hiểu là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội, nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trước khi Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) năm 2000 ra đời, trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng có đủ điều kiện kết hôn, nhưng không thực hiện việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn được gọi là “hôn nhân thực tế”.
Thuật ngữ “hôn nhân thực tế” xuất hiện lần đầu tiên trong Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn. Hôn nhân thực tế là hôn nhân được công nhận dựa trên cơ sở thực tế là các bên nam, nữ đã và đang chung sống như vợ chồng, có đủ điều kiện kết hôn, nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền. Hay theo Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC BTP ngày 03/01/2001 của TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) và Bộ Tư pháp (BTP) hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình”, được coi là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HNGĐ năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; việc họ chung sống với nhau được gia đình (một hoặc hai bên) chấp nhận; việc họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng gia đình.
Như vậy, có thể thấy, “hôn nhân thực tế” là một quan hệ thực tế được xác lập giữa một người nam và một người nữ chung sống với nhau như vợ chồng, tuy có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, nhưng lại không đăng ký kết hôn. Khái niệm “hôn nhân trên thực tế” được các Thẩm phán Việt Nam và sau đó là nhà lập pháp đưa ra nhằm trao cho một số cặp đôi. chung sống tự do không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tư cách vợ chồng hợp pháp. Điều này có nghĩa là, khi được thừa nhận là hôn nhân thực tế, giữa các bên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như vợ chồng trong hôn nhân hợp pháp dù không đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhằm giải quyết tình trạng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trong giai đoạn lịch sử trước đây.
Về lịch sử của hôn nhân thực tế, trong một thời gian dài, hôn nhân thực tế được thừa nhận trong thực tiễn xã hội Việt Nam. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế được xem như là một chế định bổ khuyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ hôn nhân. Theo đó, các quy định liên quan đến việc thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế lần lượt được ban hành, cụ thể như sau:
– Đầu tiên là sự xuất hiện của thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Luật HNGĐ đầu tiên của Việt Nam (năm 1959) không có quy định về hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng, Trước sự “im lặng” của Luật HNGĐ năm 1959, Tòa án có xu hướng “dung thứ” mối quan hệ trên thông qua việc sáng tạo ra tên gọi “hôn nhân thực tế”. Việc này nhằm tạo ra cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Cụ thể, TANDTC đã ban hành hai văn bản điều chỉnh vấn đề này gồm Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn và Thông tư số 81/DS ngày 27/4/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Theo đó, khi việc chung sống như vợ chồng được thừa nhận là hôn nhân thực tế thì sẽ có giá trị tương tự như hôn nhân có đăng ký kết hôn.
– Kế đến là việc thu hẹp các trường hợp được xem là “hôn nhân trên thực tế”. Tương tự Luật HNGĐ năm 1959, Luật HNGĐ năm 1986 vẫn “im lặng” đối với việc vi phạm quy định về hình thức kết hôn. Tuy nhiên, khi quy định về những trường hợp kết hôn trái pháp luật, Điều 9 Luật HNGĐ năm 1986 nêu rõ: “Việc kết hôn vi phạm một trong các điều 5, 6, 7 của Luật này là trái pháp luật”. Điều 8 quy định về hình thức kết hôn không được đề cập ở đó. Điều này đã khiến người dân cho rằng, việc vi phạm Điều 8, tức là kết hôn không đăng ký không trái pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng đã công nhận đối với những trường hợp “hôn nhân thực tế” để giải quyết các hậu quả pháp lý nảy sinh từ việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cụ thể, Mục 2 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP quy định: “Trong thực tế vẫn có không ít trường hợp kết hôn không có đăng ký. Việc này tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn nhưng không coi là việc kết hôn trái pháp luật, nếu việc kết hôn không trái với các điều 5, 6, 7. Trong những trường hợp này, nếu có một hoặc hai bên xin ly hôn, Tòa án không hủy việc kết hôn theo Điều 9 mà xử như việc xin ly hôn theo Điều 40”. Đồng thời, Báo cáo tổng kết ngành Tòa án năm 1995 cũng nêu rõ: “Giai đoạn hiện nay chỉ công nhận có hôn nhân thực tế đối với những trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau được hàng chục năm, có con chung, có tài sản chung”. Quy định này có ý nghĩa trong việc bảo đảm quyền lợi cho các bên đương sự, nhất là với phụ nữ, do đó, TANDTC tiếp tục thừa nhận “hôn nhân thực tế” đối với những cặp chung sống như vợ chồng với nhau hàng chục năm mà không đăng ký kết hôn, có tài sản hoặc có con chung. Sau đó, tại Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 giải đáp về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng, TANDTC đã hướng dẫn những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn để được công nhận là “hôn nhân thực tế” phải thỏa mãn thêm một điều kiện, đó là việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn phải được xác lập trước ngày Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực pháp luật (tức là ngày 03/01/1987). Như vậy, có thể thấy, nội dung các quy định liên quan đến việc thừa nhận hôn nhân thực tế có xu hướng ngày càng thu hẹp bằng cách đặt ra nhiều điều kiện hơn. Xu hướng này phần nào thể hiện. “thái độ” không ủng hộ của Nhà nước đối với việc chung sống như vợ chồng. Việc thừa nhận hôn nhân thực tế chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết những hậu quả phát sinh từ việc chung sống không đăng ký kết hôn cũng như bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
– Tiếp theo là sự không thừa nhận đối với quan hệ chung sống như vợ chồng và sự biến mất của thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Sau thời gian “im lặng”, pháp luật hôn nhân và gia đình đã thể hiện rõ “thái độ” về việc chung sống như vợ chồng. Cụ thể, Luật HNGĐ năm 2000 không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ chung sống như vợ chồng. Theo đó, khoản 1 Điều 11 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý. Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng…”. Có thể thấy, Luật HNGĐ năm 2000 đã sử dụng thuật ngữ “chung sống như vợ chồng” để thay thế cho thuật ngữ “hôn nhân thực tế”. Tuy nhiên, để giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân thực tế đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm, các nhà lập pháp đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này như: Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000 NQ-QH10 về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP. Những văn bản trên đã đưa ra hướng dẫn cụ thể giải quyết đối với những trường hợp vi phạm việc đăng ký kết hôn từ trước ngày 01/01/2001. Còn đối với những trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng kể từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng và Luật HNGĐ năm 2000 cũng không đưa ra quy định riêng để giải quyết hậu quả pháp lý đối với những quan hệ phát sinh từ ngày này. Có thể thấy, thông qua quy định của Luật HNGĐ năm 2000, các nhà làm luật Việt Nam đã thể hiện thái độ kiên quyết xóa bỏ hôn nhân thực tế và chỉ đưa ra các quy định để giải quyết hậu quả pháp lý của lịch sử để lại.
– Sự xuất hiện của khái niệm “chung sống như vợ chồng” và các quy định giải quyết các quan hệ phát sinh từ việc chung sống. Luật HNGĐ năm 2014 đã đưa ra khái niệm “chung sống như vợ chồng” cũng như các quy định giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như quan hệ nhân thân, quan hệ cha me con, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng. Về nguyên tắc, Luật HNGĐ năm 2014 vẫn không thừa nhận giá trị pháp lý của việc chung sống như vợ chồng, nhưng đã đưa ra quy định về việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Bởi lẽ, quan hệ hôn nhân dù có giá trị pháp lý hay không thì nó vẫn hình thành nên mối quan hệ gia đình giữa các thành viên”. Bên cạnh đó, để giải quyết hậu quả pháp lý của quan hệ hôn nhân thực tế, Điều 131 Luật HNGĐ năm 2014 đã quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau: “1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết. 2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này. 3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực”. Do đó, các quy định liên quan đến hôn nhân thực tế vẫn được áp dụng. Căn cứ Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 thì những trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HNGĐ năm 2000; trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật HNGĐ năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng; kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng quy định của Luật HNGĐ để giải quyết.
1.2. Khái quát chung về án lệ tại Việt Nam
1.2.1. Khái niệm án lệ
Tại Việt Nam, khái niệm về án lệ lần đầu tiên được chính thức ghi nhận tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 28/10/2015 (có hiệu lực từ ngày 16/12/2015). Điều 1 Nghị quyết này quy định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Theo đó, lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án dùng làm án lệ là: “Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể” (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết SỐ 03/2015/NQ-HĐTP). Có thể thấy, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã tạo nên một khái niệm chính thống về “án lệ” tại Việt Nam.
Theo khái niệm này, án lệ trước hết phải là những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và sau đó, phải chứa những phân tích và giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý làm cơ sở cho Tòa án chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng.
Sau một thời gian áp dụng. Nghị quyết số 03/2015/NO-HELP đã được thay thế bởi Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐTP. Khái niệm án lệ vẫn được quy định tương tự như trước đây, nhưng nội hàm đã có sự thay đổi, mở rộng hơn. Cụ thể, lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định không chỉ có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể, mà còn thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ). Theo quy định này thì án lệ không chỉ dừng lại ở việc “làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau…” như trong quy định trước đây mà còn “… thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”. Án lệ không chỉ có giá trị làm rõ các quy định của pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau, mà còn là những bản án thể hiện là công bằng đối với những sự kiện pháp lý mới phát sinh mà pháp luật thành văn bản chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh.
1.2.2. Một số giải pháp của Tòa án đối với các quan hệ phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng
Có thể thấy, mặc dù pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam không thừa nhận quan hệ chung sống như vợ chồng, nhưng để bảo đảm tính thống nhất trong xét xử, khắc phục những khó khăn của các Tòa án cấp dưới, TANDTC đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này như đã trình bày ở trên. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân các cấp cũng đã thể hiện quan điểm xét xử của mình xung quanh những tranh chấp phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng thông qua việc thừa nhận một số trường hợp là hôn nhân thực tế nhằm phân biệt với những trường hợp chung sống tạm bợ. Tuy nhiên, trong giai đoạn án lệ chưa được chính thức thừa nhận thì những giải pháp được các Tòa án đưa ra bị giới hạn trong việc áp dụng các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất cho hoạt động xét xử. Đến khi án lệ được chính thức thừa nhận tại Việt Nam và đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực. Án lệ số 41/2021/AL đã được ban hành nhằm đưa ra giải pháp pháp lý liên quan đến việc chấm dứt hôn nhân thực tế.
- Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế
2.1. Nội dung cơ bản của Án lệ số 41/2021/AL
– Nguồn án lệ: Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010/DSPT ngày 29/7/2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng về vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung” tại tỉnh Kon Tum giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Trọng P1 với bị đơn là anh Trần Trọng P2 và anh Trần Trọng P3; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.
– Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 3, 4 phần “Nhận định của Tòa án”.
– Khái quát nội dung của án lệ:
+ Tình huống án lệ: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.
+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.
– Quy định của pháp luật liên quan đến án lề: Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015); Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Nghị quyết số 02/2000 NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
– Từ khóa của án lệ: “Hôn nhân thực tế”; “Chấm dứt hôn nhân thực tế”.
2.2. Bình luận Án lệ số 41/2021/AL
Theo quy định của các văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề hôn nhân thực tế nêu trên, có thể thấy, hiện nay chỉ có quy định về cách xác định thời điểm bắt đầu quan hệ hôn nhân thực tế. Cụ thể, điểm c Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định thời điểm nam, nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Tuy nhiên, đối với thời điểm chấm dứt hôn nhân thực tế thì pháp luật hôn nhân và gia đình chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Nhìn chung, hôn nhân thực tế được hình thành từ việc chung sống tự do, nên khi chấm dứt cũng thường được. thực hiện một cách tự do. Mặc dù về nguyên tắc khi việc chung sống như vợ chồng được thừa nhận là hôn nhân thực tế và có giá trị pháp lý tương tự như hôn nhân có đăng ký, nên việc chấm dứt cũng cần buộc phải thông qua con đường tư pháp. Nhưng có thể thấy rằng, khi chấm dứt việc chung sống, không phải lúc nào các bên chung sống như vợ chồng cũng yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Nhiều trường hợp hôn nhân thực tế được chấm dứt trên thực tế, nghĩa là, các bên không còn chung sống với nhau, không còn chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Sau khi chấm dứt việc chung sống, một trong các bên hoặc cả hai bên tiếp tục chung sống như vợ chồng với người khác. Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là quan hệ chung sống nào sẽ được thừa nhận là hôn nhân thực tế?
Trước vấn đề này, pháp luật hôn nhân và gia đình đã “im lặng” trong một thời gian dài. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết các quan hệ tranh chấp phát sinh từ các quan hệ chung sống này. Nhằm giải quyết vấn đề này, bảo đảm cho hoạt động xét xử được thống nhất cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, ngày 23/02/2021, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế. Án lệ này đã được Chánh án TANDTC công bố theo Quyết định số 42/QĐ-CA vào ngày 12/3/2021. Theo đó, Án lệ số 41/2021/AL đã nêu lên tình huống pháp lý là nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, nhưng sau đó, họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế. Trong trường hợp này, giải pháp pháp lý được Tòa án đưa ra là quan hệ hôn nhân thực tế đầu tiên được xác định là đã chấm dứt.
Có thể thấy, khi giải quyết vụ việc nêu trên, Tòa án có thẩm quyền đã áp dụng các quy định về hôn nhân thực tế như đã trình bày ở trên để giải quyết những tranh chấp phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng. Theo đó, những trường hợp chung sống trước khi Luật HNGĐ năm 1986 có hiệu lực, có con chung, có tài sản chung mà không có đăng ký kết hôn, thì được thừa nhận là hôn nhân thực tế. Để được thừa nhận là hôn nhân thực tế, thì một trong những điều kiện tiên quyết là họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Do đó, khi các bên không còn chung sống với nhau trên thực tế, không còn chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình, thì quan hệ hôn nhân đó cần phải được xem là đã chấm dứt. Trong trường hợp một hoặc cả hai bên đã chung sống như vợ chồng với người khác, thì quan hệ chung sống sau sẽ được thừa nhận là hôn nhân thực tế nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp quan hệ hôn nhân thực tế được thừa nhận thì giữa các bên có quyền và nghĩa vụ với nhau như vợ chồng hợp pháp, cụ thể là được chia tài sản chung và được hưởng thừa kế di sản của nhau. Có thể thấy, giải pháp pháp lý mà Tòa án có thẩm quyền đã đưa ra để giải quyết vụ việc tranh chấp nêu trên là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với sự thật khách quan, từ đó bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
Tóm lại, có thể thấy hoạt động ban hành và áp dụng án lệ trong thời gian vừa qua tại Việt Nam bước đầu đã có những thành công nhất định. Nhiều vấn đề chưa được pháp luật quy định rõ ràng thì hiện nay đã có đường lối giải quyết, từ đó góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động xét xử. Riêng đối với vấn đề chung sống như vợ chồng thì mặc dù số lượng án lệ vẫn còn hạn chế (Án lệ số 41/2021/AL là án lệ đầu tiên về vấn đề này), nhưng bước đầu đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhiều vấn đề pháp lý về quan hệ chung sống như vợ chồng chưa được quy định một cách đầy đủ hoặc rõ ràng.
————————–
Tài liệu tham khảo
- Luật Hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1986, 2000, 2014.
- Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23/02/2021.
- Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.
- Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
- Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
- Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. fillin
- Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.
- Thông tư số 112/NCPL ngày 19/8/1972 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý về dân sự những việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn.
- Thông tư số 81/DS ngày 24/7/1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế.
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BTP ngày 03/01/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội “về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình”.
- Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng.
- Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác năm 1995 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 1996 của ngành Tòa án nhân dân, Hà Nội, 1995.
- Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Công an nhân dân, 2002.
—–***——
Trích từ nguồn:
Tạp chí TÒA ÁN NHÂN DÂN
Số 21 (kỳ I tháng 11/2022)
Từ trang 01 đến trang 07
Do ThS. Huỳnh Thị Nam Hải biên soạn